Hội nghị phản biện các phương án thiết kế 2 nút giao thông phía Tây sông Hàn
Đăng ngày 17-07-2018 15:17, Lượt xem: 483

Trước thực trạng ùn tắc, xung đột giao thông diễn ra tại một số điểm nút giao thông trong đó có 2 nút giao thông quan trọng phía Tây cầu Rồng và phía tây cầu Trần Thị Lý, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã nghiên cứu và đề xuất các phương án thiết kế tổ chức giao thông tại 2 nút này. Sáng ngày 17-7 các phương án này đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư… đến từ các hội, hiệp hội của thành phố đóng góp nhiều ý kiến phản biện dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố.

Các ý kiến đều thống nhất  với chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cải tạo, tổ chức lại giao thông của 2  nút phía Tây Cầu Rồng và Phía Tây Cầu Trần Thị Lý bởi là 2 nút giao thông quan trọng, quyết định tình hình giao thông các trục Đông Tây (Nguyễn Văn Linh, Duy Tân), Bắc Nam (Bạch Đằng, Trần Phú, 2/9) của thành phố. Hiện nay, 2 nút này đang trong trong tình trạng ùn tắc cục bộ khá nghiêm trọng vào giờ cao điểm, đã áp dụng các biện pháp can thiệp nhưng không thể giải quyết được tình trạng ùn tắc, ảnh hưởng khá nghiêm trọng tình hình giao thông khu vực trung tâm thành phố. 

Quang cảnh Hội nghị 

Hai nút giao thông phải hiện đại, phù hợp với cảnh quan 

Trong số 8 phương án do tư vấn đề xuất về tổ chức giao thông tại nút phía tây cầu Rồng, KTS Trần Dân và KTS Tô Văn Hùng đánh giá phương án 2A là phương án Hai hầm đơn dài ≥120m, rộng 8m, hầm dẫn dài 130m là tốt nhất tại nút giao thông này cho bây giờ và trong tương lai. Theo đó dòng xe từ đường Nguyễn Văn Linh và đường Trưng Nữ Vương sang đường Bạch Đằng phải đi vòng qua đường 2/9 - Bạch Đằng nối dài đến đường Bạch Đằng. Tại Nút giao Trưng Nữ Vương - Nguyễn Văn Linh cần có đèn tín hiệu để điều khiển giao thông dòng xe từ đường Trưng Nữ Vương đi Nguyễn Văn Linh ra sân bay Đà Nẵng, làm được như trên thì nút giao luôn thông suốt và không ùn tắc.

Phương án 2A  nút GT phía Tây cầu Rồng được nhiều KTS lựa chọn 

Tuy nhiên, phương án này theo KTS Phan Đức Hải (Hội Quy hoạch thành phố) thì vẫn chưa giải quyết một số bất cập về tổ chức giao thông bởi mặt cắt hầm thiết kế sẽ gây bóp hẹp các mặt đường 2/9, Bạch Đằng, Trần Phú so với hiện nay; Một số hành trình rẽ trái bị kéo dài, hiện tượng trộn dòng sẽ xảy ra tại một số tuyến đường Lê Hồng Phong, đường 2/9, Bạch Đằng sẽ tạo ra những điểm ùn tắc mới.

Về cụm Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý: KTS Trần Dân đề nghị chọn phương án Nút giao khác mức hai tầng một hầm + đèn điều khiển kết hợp xây dựng mới đường phía sau khu Hội nghị tiệc cưới cho giai đoạn đầu. Hầm dọc theo trục đường Duy Tân qua 3 nút. Sau khi đã có hầm theo hướng đường Duy Tân thì giao thông chỉ còn có một hướng Bắc- Nam mà thôi. Tại Nút Duy Tân – 2/9 đi theo vòng xuyến, hai nút còn lại phía Đông và phía Tây dùng đèn điều khiển.

Tuy vậy, với nhận định đây là trục giao thông quan trọng kết nối Sân bay, các khu chức năng mới phía Tây, Tây Nam với toàn bộ các khu dịch vụ ven biển phía Đông của thành phố; Tại nút giao thông giao cắt 2 trục chính 2/9 và Duy Tân với lượng xe ô tô rất lớn vào các giờ cao điểm, nhất là cuối tuần, KTS Tô Văn Hùng cho rằng, giải pháp tố chức nút giao khác mức 3 tầng là phù hợp

Nhưng không thể là những công trình "chắp vá" thiếu tầm nhìn 

Tại Hội nghị phản biện, ngoài các ý kiến tham gia trực tiếp lựa chọn đóng góp về kỹ thuật các phương án, các chuyên gia cũng đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề có tính chất tổng quan về quy hoạch giao thông, cách thức đầu tư xây dựng các công trình giao thông, giải quyết các vấn đề về xung đột giao thông. Một vài ý kiến không ngần ngại kiến nghị chưa nên tiến hành việc đầu tư xây dựng các nút giao thông này

Nhận thức rõ về tính cấp thiết của việc cải tạo hạ tầng giao thông thành phố, KTS Phan Đức Hải cũng cho rằng các phương án tổ chức giao thông và việc xây dựng các cụm nút vẫn còn nhiều lo ngại, nhất là việc tổ chức luồng tuyến, hạ tầng kỹ thuật, tác động môi trường, cảnh quan và cả chi phí đầu tư. KTS Hoàng Quang Huy đánh giá những phương án giải pháp giải quyết tại 2 nút giao thông như tư vấn đề xuất thực chất chỉ là những công việc có tính “chắp vá” giải quyết tình thế tạm thời chứ chưa thực sự căn cơ, bền vững. Việc xây dựng những công trình có tính vĩnh cửu như hầm, cầu vượt khác mức như các phương án thiết kế đề xuất không chỉ lãng phí về đầu tư mà còn có thể để lại những hệ lụy cho thế hệ sau khi xử lý các nút giao thông này. KTS Âu Ngọc Sơn không đồng tình với việc đầu tư xây dựng 2 nút giao thông này ngoài việc e ngại sẽ phá vỡ cảnh quan, kinh phí đầu tư xây dựng cao, thì còn cho rằng các kiến trúc giao thông này chưa theo kịp với những kiến trúc hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới. Kỹ sư Nguyễn Văn Chung cho rằng có thể bổ sung nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các nút này như việc hạn chế đậu xe trên đường Trần Phú, khắc phục bất cập về đèn tín hiệu tại các tuyến giao cắt, tổ chức lại luồng xe lưu thông trên các tuyến đường đổ vào nút giao thông, tổ chức giao thông công cộng ...

KTS Phan Đức Hải (Hội Quy hoạch thành phố) phát biểu ý kiến phản biện

Tuy là một hội nghị bàn về vấn đề mang tính kỹ thuật nhưng những tiếng nói của các chuyên gia cũng đã đề cập nhiều đến vấn đề văn hóa, văn minh. Ông Nguyễn Hoàng Long, ông Bùi Văn Tiếng đã cho rằng những công trình giao thông tuy cấp bách cần thiết nhưng không thể bỏ qua những vấn đề về cảnh quan, văn hóa, để làm sao thông qua các công trình giao thông sẽ làm nổi bật lên "tầm" văn hóa của người Đà Nẵng, nhất là tại những vị trí hết sức nhạy cảm. Xây dựng văn hóa giao thông, phát triển giao thông công cộng kết hợp với việc tạo dựng nếp sống sinh hoạt lành mạnh (đi bộ, đạp xe ...) cũng sẽ góp phần quan trọng và bền vững cho việc giải quyết các vấn đề giao thông của thành phố. Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến yêu cầu bảo vệ vị trí, cảnh quan, giá trị văn hóa của khu vực nút giao thông phía tây cầu Rồng. Bởi đây có Viện Bảo tàng điêu khắc Chăm, cảnh quan bên bờ sông Hàn, có tuyến đường chính phục vụ du lịch, ngoại giao rất quan trọng, là ấn tượng đầu tiên của các du khách khi đặt chân đến Đà Nẵng. Nếu làm 2  hầm chui  ngoài việc có thể xâm hại đến ranh giới bảo vệ di tích Bảo tàng Chăm và cảnh quan sông Hàn thì e sẽ không tránh khỏi việc làm giảm thiểu diện tích cây xanh đường phố, đồng thời  cắt ngang tuyến cống thoát nước chính từ trung tâm ra sông Hàn và qua đường Nguyễn Văn Linh và các đường lân cận. (KTS Phan Đức Hải) Trong không gian khá chật hẹp, lại là nơi có nhiều yếu tố cảnh quan (tự nhiên, nhân tạo) quan trọng, việc tạo ra 4 cửa hầm đòi hỏi phải có giải pháp đặc biệt về mặt thẩm mỹ. Với lưu lượng giao thông tâp trung lớn xung quanh công viên APEC như vậy thì giá trị khai thác công viên sẽ giảm, biến công viên thành đảo giao thông. (KTS Tô Văn Hùng)

Việc xây dựng hay dừng xây dựng các nút giao thông này, lựa chọn phương án nào là phù hợp để giải quyết bài toán giao thông hiện nay... là những vấn đề còn nhiều tranh cãi, phản biện, thuyết phục trước khi đưa ra bàn bạc lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, tại cuộc hội nghị, nhiều ý kiến đã yêu cầu cần dựa vào quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng, trong đó tích hợp những vấn đề về tầm nhìn cho sự phát triển của thành phố trong dài hạn. KTS Phan Đức Hải đề nghị trong thời gian tới thành phố nên sớm có phương án tích hợp phát triển và sử dụng không gian bề mặt và không gian ngầm một số khu chức năng thương mại, văn hóa, du lịch có thuận lợi về quỹ đất. Đồng thời, nên xem giao thông tĩnh là một đối tượng quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc giao thông.

Các ý kiến tại Hội nghị đã được Chủ tịch UBMTTQ thành phố Đặng Thị Kim Liên cho biết sẽ tiếp thu báo cáo đầy đủ với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xem xét, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân thành phố.

LÊ HOA 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác