Mở các lối xuống biển, nghiên cứu “lấy lại” Sân vận động Chi Lăng
Đăng ngày 19-07-2018 10:55, Lượt xem: 535

Việc xử lý đối với các dự án Sân vận động Chi Lăng, Hòn Ngọc Á Châu, Nam Ô…; quy hoạch Ga đường sắt, Làng Đại học; đầu tư xây dựng các nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý … là những vấn đề “nóng” được phóng viên các báo nêu lên trong cuộc họp báo 6 tháng đầu năm của UBND thành phố sáng ngày 19-7. Cuộc họp báo do ông Đặng Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì.

Ông Đặng Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Q.Đ)

Trả lời phóng viên về dự án Sân vận động Chi Lăng, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, dự án này cùng với phần đất tại 209 Trường Chinh (đã chuyển nhượng cho Tập đoàn Thiên Thanh) đang nằm trong danh mục các tài sản phải thi hành án để thực hiện các phán quyết của Tòa án đối với bị cáo Phạm Công Danh. Thể theo nguyện vọng của nhân dân thành phố, lãnh đạo thành phố đã báo cáo đề đạt với Chính phủ xin lấy lại các khu vực này. Về thời hạn giao đất theo mục đích sử dụng đúng theo tinh thần Kết luận 2852 của Thanh Tra Chính phủ, căn cứ vào Luật Đất đai 2013 là 50 năm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết thêm, Sân Vận động Chi Lăng vốn là một thiết chế văn hóa thể thao gắn bó lâu đời với người dân Đà Nẵng như đã từng được gọi là “Chảo lửa Chi Lăng”. “Vừa rồi lãnh đạo thành phố có họp và thống nhất chủ trương là giao cho các ngành, đơn vị nghiên cứu và đề xuất giải pháp làm sao lấy lại Sân vận động Chi Lăng cho thành phố”- ông Dũng thông tin thêm.

Ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết về trường hợp 3 dự án sử dụng đất của “Vũ Nhôm” ban đầu đưa vào danh mục các dự án thu hồi báo cáo HĐND thành phố. Tuy vậy do có sự điều chỉnh quy hoạch liên quan đến 3 dự án này và hồ sơ chưa kịp hoàn thiện nên đã để lại, không đưa vào danh mục trình HĐND trong Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Nếu hồ sơ hoàn thiện đầy đủ sẽ tiếp tục trình HĐND thành phố quyết định tại Kỳ họp thứ 8 cuối năm nay.

Trả lời phóng viên báo điện tử Infonet về việc phê duyệt cấp giấy phép cho công trình khách sạn 29 tầng trên tuyến đường Bạch Đằng nối dài, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc lưu thông  tại khu vực nút giao thông phía Tây cầu Rồng; Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, dự án này đã được xem xét rất kỹ càng, thậm chí đã từng trả lại hồ sơ, không phê duyệt cũng vì lý do sợ ảnh hưởng cảnh quan và giao thông. Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư đã hoàn chỉnh hồ sơ, với đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì không thể không cấp giấy phép xây  dựng cho công trình này. Giao thông khu vực này tuy đang là vấn đề hết sức căng thẳng, thành phố đang phải nghiên cứu nhiều giải pháp để xử lý. Tuy nhiên, “không thể vì một chiếc áo chật mà chúng ta kìm hãm sự phát triển của cơ thể”, Giám đốc Sở Xây dựng ví von.

Liên quan đến việc giải quyết ùn tắc giao thông của thành phố, ngày 17-7 vừa qua, UBMTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức hội nghị để phản biện các phương án công trình giao thông thông tại khu vực phía Tây cầu Rồng và phía Tây cầu Trần Thị Lý. Ý kiến phóng viên cho rằng có những bất thường chung quanh việc Công ty CP Tư vấn XDCT Giao thông 5 (TECCO 5) là đơn vị duy nhất đưa ra các phương án thiết kế và sẽ là đơn vị có lợi khi đấu thầu sau này, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, lần này UBND TP Đà Nẵng làm rất kỹ đối với hai nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, không chỉ nghe đơn vị Tư vấn mà còn đưa ra cộng đồng đóng góp ý kiến. “Sau khi lấy ý kiến tất cả các ngành, các đơn vị và cả người dân nữa thì mới hoàn chỉnh phương án và bắt đầu tiến hành đấu thầu để chọn Tư vấn thiết kế. Tức là đầu tiên cũng phải có người “vẽ” ra cái gì đó rồi mới xin ý kiến, chứ không có ai làm gì cả thì cũng không thể xin ý kiến được. Mà thực tế cái này là nhiệm vụ của Sở GTVT, chứ không phải nhiệm vụ của đơn vị Tư vấn!” – Ông Đặng Việt Dũng nói.

Đối với các dự án Nam Ô và Hòn Ngọc Á Châu, đến nay thành phố đã làm việc với nhà đầu tư thu hồi đất, mở lối xuống biển, dành bãi cát cho người dân. Đồng thời, các công trình di tích văn hóa tại khu vực Nam Ô như đền Thờ Chúa Liễu Hạnh, Lăng Cá ông… cũng đảm bảo được giữ lại để trùng tu tôn tạo.          

Tại cuộc họp báo các phóng viên cũng đã nghe trả lời về các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc tổ chức các văn phòng đại diện du lịch tại các quốc gia Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc) và một số vấn đề khác.   ​

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác