Cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo phục vụ tốt cho mọi đối tượng
Đăng ngày 09-08-2018 08:56, Lượt xem: 329

“Ngành y tế Đà Nẵng thời gian qua phát triển tốt với các lĩnh vực hoạt động chuyên môn ngày càng đa dạng và chuyên sâu, đội ngũ y bác sỹ giỏi và đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y tế hiện đại”. Đó là đánh giá của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Sở Y tế thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua, và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến. Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế thành phố

Tập trung giảm tải tại tất cả các bệnh viện

Báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến tại buổi làm việc cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; hệ thống tổ chức bộ máy tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, qua đó giải quyết tốt nhu cầu bảo vệ sức khỏe cho người dân tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

6 tháng đầu năm 2018, tổng số bệnh nhân khám bệnh ở các bệnh viện là hơn 1,75 triệu lượt người, trong đó 92,56% là đối tượng Bảo hiểm y tế và điều trị nội trú là gần 194.000 lượt. Bệnh nhân ngoại tỉnh (chủ yếu là các bệnh viện tuyến thành phố) chiếm tỷ lệ từ 30%-40%. Công suất giường bệnh tại các bệnh viện tuyến thành phố là 105,29%; Trung tâm Y tế quận, huyện là 95,38%; và các bệnh viện ngoài công lập là 68,67%. Ngành y tế thành phố cũng đã triển khai thực hiện thành công thí điểm cơ chế tự chủ tài chính tại 05 đơn vị trực thuộc từ năm 2017; và từng bước mở rộng có lộ trình thực hiện trong các đơn vị sự nghiệp y tế có thu trên cơ sở triển khai giá dịch vụ y tế. Song song với việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, công tác thanh kiểm tra được chú trọng, nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai sót.

Một số kỹ thuật y tế hiện đại được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng như ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống, ghép thận, thẩm tách siêu lọc máu, phẫu thuật tim mở cho trẻ có cân nặng dưới 5 tuổi… Đã có hơn 200 trẻ ra đời bằng phương pháp “Thụ tinh trong ống nghiệm” tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi với tỷ lệ thành công cao từ 40-45%.

Thời gian đến, ngành y tế thành phố sẽ tập trung giảm tải ở tất cả các bệnh viện, ở cả hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức đi đôi với tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện, giám định BHYT, bệnh án điện tử và trong chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.

Tổ chức lại theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu”

Đề cập đế tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn của thành phố, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung cho biết, với tỷ lệ quá tải từ 120%-170%, nghĩa là các bệnh này hoạt động gần gấp đôi công suất cho phép. Thế nhưng, 56 trạm y tế phường, xã lại chỉ thu hút được có 21 bác sỹ, và số bác sỹ này trên thực tế lại “không có việc làm”.

“Trạm y tế làm rất tốt công tác y tế dự phòng, còn nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu thì hầu như khó thực hiện được. Tại địa bàn 2 quận Hải Châu và Thanh Khê với phạm vi bán kính chỉ là 31 km2, nhưng lại có đến 21 trạm y tế phường cùng với hàng chục bệnh viện. Vậy có lãng phí không? Tôi cho rằng rất lãng phí”, ông Lê Minh Trung nói. Phó Chủ tịch HĐND thành phố cũng nêu quan điểm, tại 2 quận này, cần phải tiến hành khảo sát để bố trí, sắp xếp lại các trạm y tế cho phù hợp, và số trạm y tế này chỉ nên làm công tác y tế dự phòng, đồng thời chuyển hết toàn bộ nhân lực về Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố sắp tới đây sẽ được thành lập là phù hợp, và đúng với phương châm Thành ủy Đà Nẵng đã có chỉ đạo, đó là “tổ chức lại hệ thống cơ sở y tế điều trị công lập theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu” và không nhất thiết tổ chức theo đúng tuyến, cấp hành chính”.

Đồng quan điểm với ông Lê Minh Trung, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, đối với sự phát triển của các trạm y tế phường tại các khu vực như Hải Châu và Thanh Khê, cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận. “Liên quan đến câu chuyện về tình trạng quá tải tại các bệnh viện, Bệnh viện Đà Nẵng bị “nén” quá lớn, cũng đồng nghĩa là các cơ sở y tế khác của thành phố có hiệu quả hoạt động thấp”, ông Nghĩa nói. Con số thống kê hơn 1,75 triệu lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh trong 6 tháng đầu năm, mà trong đó, bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ lên đến 30%-40% cũng là cơ sở để thành phố có những trách nhiệm nhất định để đề xuất, làm việc với Bộ Y tế và Chính phủ để xác định lại cho đúng vị trí của Bệnh viện Đà Nẵng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phát triển dịch vụ y tế phục vụ du lịch

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Đề án giảm tải bệnh viện đã được thông qua, tuy nhiên, để thực hiện được là không dễ; vì vậy, đề nghị ngành phải bắt tay làm ngay từ bây giờ và giải pháp triển khai thực hiện cũng phải hết sức cụ thể. Đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của ngành y tế thành phố, ông cũng tán thành với kiến nghị của ngành về việc cần thiết phải tăng cường công tác đào tạo bác sỹ đặc thù và bồi dưỡng chuyên môn sâu để có ê kíp thực hiện các ca phẫu thuật chuyên sâu. Cùng với đó, ông cũng đề nghị ngành đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật y tế chuyên môn sâu cũng như phân cấp cho các cơ sở y tế, không chỉ về tài chính mà còn cả nhân sự; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xây dựng trong lĩnh vực y tế và tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như cải cách hành chính.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, những thành quả đã đạt được của ngành là rất lớn và sự phát triển đó là thế mạnh, nhưng với định hướng phát triển chung của Đà Nẵng trên lĩnh vực dịch vụ thì dịch vụ y tế của thành phố thời gian đến sẽ phát triển ra sao? “Du khách đến Đà Nẵng không phải chỉ có mỗi tắm biển, mà chúng ta còn phải nghĩ đến việc cung ứng các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao kết hợp thăm khám sức khỏe”, Bí thư Thành ủy nêu yêu cầu.

Ông cũng cho rằng, Bệnh viện Đà Nẵng nên tổ chức một khoa tự nguyện, thu tiền tương xứng với chất lượng điều trị, thì tác phong cũng như cách thức quản lý tại khoa đó sẽ khác có sức lan tỏa. “Chúng ta phải biết thu của người giàu để hỗ trợ cho người nghèo. Chúng ta không làm thì người giàu cũng tiêu chừng đó tiền, thậm chí gấp nhiều lần, nhưng không phải ở Đà Nẵng mà là ở nơi khác. Vì vậy, các bệnh viện hàng đầu của thành phố cần quan tâm đến vấn đề này và có cách thức tiếp cận càng sớm càng tốt”, ông Nghĩa nói.

“Y tế là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tất cả mọi người dân, vì vậy, đề nghị ngành tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và môi trường công tác để phát triển ngành y tế đảm bảo phục vụ tốt cho tất cả mọi đối tượng, qua đó nâng cao công tác phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng của mô hình thành phố đáng sống mà Đà Nẵng đang hướng đến”, ông Trương Quang Nghĩa nói.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác