Thông tin báo chí ngày 10/9
Đăng ngày 11-09-2018 01:16, Lượt xem: 83

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải 2 ngày qua

1/* Dịch sốt xuất huyết hoành hành Đà Nẵng: (Báo Thanh niên)

+Trong 2 ngày 7 và 8,9 Sở Y tế TP. Đà Nẵng kiểm tra tình trạng dịch sốt xuất huyết tại một số địa bàn. Trong đó, Q.Liên Chiểu là ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất TP hiện nay, và dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn thành phố đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, TP có 1.795 ca mắc mới với 132 ổ dịch, Q.Liên Chiểu có 489 ca mắc chiếm 27%. Đáng chú ý, trong 4 tuần qua tại Q.Liên Chiểu ghi nhận nhiều ổ dịch có thể bùng phát thành dịch lớn…

2/ Liên quan đến Hội thảo khoa học định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP.Đà Nẵng, các báo có nhiều bài viết:

- Sân bay Đà Nẵng cần dời vào Quảng Nam? (Báo Người đưa tin)

- Kiến nghị lấy một phần bán đảo Sơn Trà để làm sân bay Đà Nẵng mới (Báo Thanh niên)

- Xây dựng mô hình đô thị sân bay Đà Nẵng có khả thi? (Báo Giao thông)

- Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh (Báo điện tử Chính phủ)

-  Lại nóng chuyện di dời sân bay Đà Nẵng  (Báo Tiền phong)

-  Đà Nẵng: Khắc phục những hạn chế để phát triển đô thị với tầm nhìn chiến lược (Báo Sài gòn giải phóng)…

- Hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị (Báo Đà Nẵng)

3/ Các tin khác:

- Đà Nẵng lấy ý kiến người dân điều chỉnh dự án Lancaster Nam Ô - Đà Nẵng: 80% hộ dân đồng ý với các phương án điều chỉnh dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô  (Báo Nhân dân, Thanh niên, Giao thông, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

+ Ngày 9/9, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết UBND phường Hòa Hiệp Nam đã tổ chức lấy ý kiến của người dân Nam Ô về các phương án điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

+ Kết quả, đã có 964/1.208 phiếu (ngoại trừ 37 hộ không có ở địa phương), chiếm 79,8% thống nhất với 6 nội dung, gồm: đường dân sinh bao quanh dự án mở rộng từ 4 m lên 5 m và trồng cây xanh; mở lối xuống biển cho người dân; chủ đầu tư sẽ tuyển dụng lao động địa phương (hiện đã tuyển 22 người và sẽ tuyển 300 người vận hành dự án); cam kết triển khai sớm dự án để phát triển kinh tế, văn hóa khu vực, cải thiện đời sống người dân; ghềnh đá Nam Ô sẽ giữ nguyên rừng hiện trạng, tạo lối đi bộ, điểm nghỉ chân, cầu nguyện cho khách tham quan phù hợp với quy hoạch toàn khu và giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý trật tự, vệ sinh; chủ đầu tư làm quảng trường biển và đường dân sinh dẫn vào dự án đồng bộ với khu du lịch và cắt đất để UBND Q.Liên Chiểu xây dựng khu an sinh xã hội cho người dân ở mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành.

- Đà Nẵng: Bỏ hoang công trình ký túc xá 700 tỉ đồng (Báo Người Lao động)

+ Dự án khu nhà ở cho công nhân nằm ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ năm 2003.Sau nhiều năm thi công ì ạch và dang dở, đến năm 2012, TP Đà Nẵng đã quyết định chuyển đổi công năng của dự án này thành khu ký túc xá (KTX) sinh viên tập trung phía Tây TP Đà Nẵng. Nhưng từ đó đến nay, công trình KTX này cũng bị bỏ hoang.

+Dự án có tổng diện tích hơn 9 ha, gồm 9 khối nhà 7 tầng, 3 khối nhà 5 tầng và 2 trung tâm sinh viên 3 tầng. Quy mô KTX gồm 912 phòng, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho hơn 10.000 sinh viên. Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với gần 700 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 khối nhà vào giai đoạn hoàn thiện, 7 dãy nhà thi công xong phần thô rồi bỏ dở. Các dãy nhà thi công phần thô cũng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và xuống cấp nghiêm trọng…

- Công viên đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang - Đà Nẵng: Xót xa công viên 50 tỷ đồng bị bỏ hoang, thành nơi phóng uế (Báo Công an nhân dân, Pháp luật VN)

+ Công viên Thanh Niên nằm ở địa bàn giáp ranh giữa hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ, được TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng từ năm 2016, với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện tại khu công viên này lại bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, trở thành bãi xả rác thải khiến người dân vô cùng bức xúc…

+Ngay lối đi vào của công viên, hàng chữ của bảng chào đã bị rớt mất dấu, vỡ nát. Cả khu vực công viên rộng lớn chỉ có 1 nhà vệ sinh, cửa kính bị đập vỡ. Mở cửa vào bên trong, tình trạng phóng uế bừa bãi khắp sàn nhà, bốc mùi hôi thối nồng nặc… Anh N. ở gần khu vực Công viên Thanh Niên nói rằng, do không có đèn đêm, công viên này cũng thường xuyên là “bãi đáp” của các đối tượng nghiện hút, tiêm chích ma túy.

+Trong hơn 10 năm qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã nhiều lần điều chỉnh, thu hẹp diện tích Công viên Thanh Niên để nhường đất xây Trường Nguyễn Khuyến, 2 khu tái định cư, xây trụ sở thành Đoàn, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Sau đó, Công viên Thanh Niên tiếp tục bị “xẻ thịt” làm khu trưng bày - dịch vụ sinh vật cảnh, trạm bơm nước rửa thùng rác và bãi đổ phế thải vật liệu xây dựng, cùng 3 sân tennis. 

+ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng “tiếp quản” gần 3,7ha làm Trung tâm Biểu diễn xiếc và nghệ thuật Quốc gia, nhưng phần lớn diện tích lại cho thuê làm bãi đỗ xe… Một công trình được đầu tư hàng chục tỉ đồng từ ngân sách, nhưng không được bảo vệ, chăm sóc nên mới dẫn đến hoang phế. Trong khi Đà Nẵng đang hướng đến là thành phố của môi trường, “thành phố đáng sống”... Rất mong chính quyền TP Đà Nẵng sớm quan tâm, có biện pháp hữu hiệu để trả lại một công viên đúng nghĩa xanh, sạch, đẹp.

- Khẩn khoản “xin” nước (Báo Lao động)

+Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đề nghị lãnh đạo thành phố có giải pháp can thiệp với các cơ quan liên quan về điều tiết hoạt động các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn để ngăn nhiễm mặn thâm nhập sâu vào lưu vực sông Cầu Đỏ. Theo báo cáo của Dawaco, từ ngày 31.8 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ có độ mặn thường xuyên dao động ở mức 260 - 2.000mg/l, trong khi tiêu chuẩn nước sinh hoạt là 250mg/l. Để đáp ứng khả dĩ nhu cầu của người dân, Cty cấp nước đã phải phối trộn nhiều nguồn nước để giảm độ mặn, tuy nhiên, công suất cấp nước sạch vẫn giảm đến 50.000 đến 70.000m3/ngày, khiến khu vực cuối nguồn như các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu nhận nước rất yếu.

 - Rừng bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng tiếp tục cháy: (Báo Người đưa tin, Tin tức,)

+ Khoảng 9h ngày 9/9, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở khu vực suối Đá, bán đảo Sơn Trà (thuộc địa giới hành chính phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).Ngay sau đó, cùng với lực lượng này, chính quyền cơ sở đã điều động nhân lực tiếp cận hiện trường khống chế đám cháy.

+ Công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp. Các nhân lực tiến hành đồng loạt việc cứu hỏa bằng nước lẫn cành cây... Dẫu vậy, rất may mắn là khu vực xảy ra cháy chủ yếu là cây bụi nhỏ, lá cỏ, khu vực tập kết cành cây đã cắt tỉa nên lửa không bùng phát quá dữ dội.Sau gần 1 giờ liền, các lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được ngọn lửa, đồng thời, tiến hành công tác phòng chống bùng phát lửa, lây lan lửa ra các khu vực lân cận.Theo một số nguồn tin, nguyên nhân vụ việc được xác định là do có người dân đã đốt rác gây cháy lan ra khu vực rừng.

+Điều đáng nói, dẫu mức độ thiệt hại trong vụ việc này không đáng kể, nhưng vấn đề về PCCC ở rừng Sơn Trà đang thực sự trở nên báo động. Chỉ vài ngày trước (ngày 3/9) một vụ cháy rừng Sơn Trà cũng đã xảy ra do du khách bất cẩn gây nên. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan của TP.Đà Nẵng cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời tránh các vụ việc tương tự xảy ra ở rừng Sơn Trà.

- Đà Nẵng: Nguy cơ sạt lở trụ điện 110KV tại Khu tái định cư Tân Ninh (Báo Kinh tế & Đô thị)

+ VPĐD tại Miền Trung và Tây Nguyên - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được thư của bạn đọc phản ánh về việc, trong quá trình thi công tuyến đường số 6 vào Khu tái định cư (TĐC) phục vụ giải tỏa xây dựng Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng (tọa lạc tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), đơn vị thi công công trình đã đào đất gần phạm vi hành lang an toàn điện tại đây.

+Ghi nhận thực tế tại hiện trường, trong quá trình thi công tuyến đường số 6 vào Khu TĐC, đơn vị thi công đã đào nền đường gần móng trụ điện 110KV, có độ sâu gần 2m, cách móng trụ điện số 12 thuộc đường dây nhánh rẽ trạm biến áp (TBA) 110KV Hòa Liên khoảng 4m. Hiện tại, đơn vị thi công vẫn chưa có biện pháp bao kè, chống sạt lở taluy thành hào, khiến trụ điện trên nằm chơi vơi và có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn lưới điện, nhất là khi mùa mưa bão đang đến.

 

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT