Thông tin báo chí ngày 14/9
Đăng ngày 14-09-2018 08:39, Lượt xem: 46

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 14/9

1/Nhiều trang báo đưa tin:

- Liếp tiếp xảy ra tai nạn thảm khốc, chủ tịch Đà Nẵng họp khẩn xử lý - Chủ tịch Đà Nẵng phê bình nhiều đơn vị vì để xảy ra tai nạn nghiêm trọng:

+Chỉ trong 3 ngày qua, trên tuyến đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, Đà Nẵng đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 2 người.Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe container và xe tải gây ra trên tuyến đường Ngô Quyền dẫn vào cảng Tiên Sa, chiều nay (13/9), Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ đã có buổi họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành liên quan bàn giải pháp cấp bách hạn chế tai nạn giao thông…

+ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, Công an thành phố và các đơn vị liên quan điều chỉnh lịch bốc dỡ hàng hóa nhằm giảm bớt lưu lượng xe container, xe tải lưu thông trên tuyến đường Ngũ Hành Sơn, Ngô Quyền; Mở rộng thời gian cấm xe sơmi rơmoóc, xe tải rơmoóc lưu thông trên trục đường này; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; khẩn trương lắp đặt hệ thống camera giám sát tốc độ để xử lý phạt nguội các phương tiện vi phạm; nghiên cứu đề xuất phương án phân luồng, điều tiết giao thông trên tuyến… 

2/ Báo Đà Nẵng:

- Hấp dẫn chợ đêm:

+ Sau nửa tháng khai trương, chợ đêm Sơn Trà (đường Lý Nam Đế - Mai Hắc Đế) đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm. Cùng với các điểm nhấn như cầu Tình yêu, bến du thuyền, tượng Cá chép hóa rồng, chợ đêm Sơn Trà đang góp phần tạo nên một quần thể giải trí nhộn nhịp về đêm ở khu vực phía đông cầu Rồng…

+Theo ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty DHTC Đa Năng-đơn vị tổ chức, quản lý chợ đêm Sơn Trà, đến thời điểm này, mọi hoạt động mua bán tại chợ cơ bản đi vào nền nếp. Tỷ lệ tiểu thương ra chợ đạt 95% so với số lượng đăng ký. Bên cạnh đó, các tiểu thương đã quen với việc kinh doanh cũng như mốc thời gian mở cửa, dọn hàng. Từ ngày 10-9 đến nay, nhiều đơn vị lữ hành, công ty du lịch đưa khách đến chợ để mua sắm và tham quan. Sở Du lịch đã bổ sung hình ảnh về chợ đêm Sơn Trà trong danh sách các điểm đến tại Đà Nẵng…

3/ Báo Thanh niên:

- Doanh nghiệp “làm rối” hệ thống nước thải 2 quận tại Đà Nẵng:

+ BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng vừa gửi văn bản kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng có biện pháp mạnh bởi không thể chấp nhận tình trạng hệ thống xử lý nước thải của cả 2 quận phải chờ một doanh nghiệp chây ỳ.

+ Liên danh nhà thầu Công ty CP xây dựng Trường Xuân và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng khởi công xây dựng hệ thống tuyến ống thu gom nước thải qua 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (đoạn qua đường Lê Văn Duyệt, P.Nại Hiên Đông,Q.Sơn Trà). Cùng thời điểm, Công ty TNHH Hòa Bình thi công khách sạn Hòa Bình Green làm sụt lún 2 hố ga từ 21 – 45cm, làm đứt gãy, võng 120m ống nên nước thải không thể chảy về trạm bơm và nước ngầm xâm nhập hệ thống.

+ Lãnh đạo BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên rất bức xúc bởi Công ty Hòa Bình ngang ngược và chây ì. Khi phát hiện yêu cầu vào kiểm tra việc  khắc phục thì Công ty Hòa Bình lấy lý do đang thi công phục vụ APEC nên không cho vào. Sau nhiều lần đốc thúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình ký xác nhận gây hư hỏng và cam kết khắc phục, nhưng 2 năm qua không thực hiện. Do Hòa Bình không khắc phục, nên hiện nay dự án thu gom và xử lý nước thải không thể vận hành, toàn bộ nước thải 2 quận vẫn đổ ra sông Hàn, nhất là xả ra âu thuyền Thọ Quang gây điểm nóng ô nhiễm…

4/ Báo Dân việt:

 - Bộ TNMT yêu cầu thủy điện Quảng Nam trả nước cho Đà Nẵng:

+Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TNMT) - ông Hoàng Văn Bẩy đã có văn bản gửi các công ty quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện ở tỉnh Quảng Nam liên quan đến việc nguồn nước sản xuất nước sinh hoạt của Đà Nẵng bị nhiễm mặn nghiêm trọng nhiều tuần nay.

+ Cục quản lý tài nguyên nước đề nghị  các công ty quản lý, vận hành thực hiện việc vận hành các hồ chứa. Cụ thể đối với các hồ A Vương và sông Tranh 2, vận hành điều tiết với lưu lượng xả tương được với lưu lượng đến hồ. Đối với hồ chứa Sông Bung 4 vận hành điều tiết với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ. Riêng đối với thủy điện Đăk Mi 4 vận hành xả nước qua đập về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 12,5m3/s.

+ Ngoài ra, Cục cũng đề nghị Công ty Cổ phần cấp nước TP.Đà Nẵng phải chủ động phối hợp với các công ty quản lý vận hành hồ chứa nêu trên để triển khai, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa. Phải chủ động bơm nước từ đập dâng An Trạch khi nguồn nước trên sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, không thể khai thác được, để đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng.

     5/ Báo Lao động:

 -Phòng cháy chữa cháy nội đô Đà Nẵng: Nước xa khó cứu lửa gần

 +“Theo chân” các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng bây giờ đang phải đối mặt với những vấn nạn quá tải đô thị, trong đó, có vấn đề bất cập chữa cháy. Thiếu trụ cấp nước chữa cháy, cáp điện bùng nhùng, đường phố nội đô chật hẹp, giao thông ùn tắc cùng với sự quy hoạch thiếu đồng bộ là những yếu tố đã và đang gây cản trở cho việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại trung tâm nội đô của Đà Nẵng hiện nay. Với thực trạng phát triển nóng đô thị, hàng loạt khách sạn, chung cư cao tầng mọc lên như nấm ở ven biển, nhưng mà hạ tầng, thiết bị phòng chữa cháy như hiện nay thì đúng là “nước xa khó cứu được lửa gần”.

+ Vụ việc cháy lớn tại quán bar Leo Night Club ngay giữa trung tâm Đà Nẵng vào sáng 11.9 hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân. Tuy không có thiệt hại về người, thế nhưng với bất kỳ ai chứng kiến vụ cháy này đều cảm thấy bàng hoàng. Đám cháy ngay giữa trung tâm thành phố, mất gần 3 tiếng mới dập tắt được ngọn lửa. Quán bar như cái lò gạch ngút mùi khói khét giữa thành phố. Báo cáo, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Công an TP.Đà Nẵng đã huy động 27 xe đến hiện trường. Hơn 1km đường phố quanh khu vực này bị phong toả để dọn đường cho xe cứu hoả đi tiếp nước. Ông Nguyễn Hoàng, một bảo vệ gần đám cháy cho hay: “Mặc dù lực lượng chữa cháy đến nhanh nhưng ngọn lửa đã bao trùm cả toà nhà nên phải hàng chục xe nước chạy đi chạy về mới dập được. Quán này xưa nay kín bưng bưng, không khác gì lò lửa”.

+ May mắn, các khu nhà xung quanh không bị cháy lan. Thế nhưng, cũng từ sự việc trên, nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu các khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng đã thực sự đảm bảo an toàn về công tác PCCC. Các trạm tiếp nước đã thực sự đủ để cấp nước trong những trường hợp khẩn cấp để hỗ trợ đội PCCC làm nhiệm vụ?

+Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng xảy ra 125 vụ cháy tại nhà dân, cơ sở kinh doanh, trường học,… So với cùng kỳ năm 2017 tăng hơn 100 vụ. Đó là những con số báo động cho tình trạng cháy nổ trung tâm Đà Nẵng mà nếu không đảm bảo mọi kịch bản thì chưa bàn đến việc phòng cháy, chữa cháy cứu người đã là điều khó. Lửa gần mà nước lại xa.Trong thống kê, địa bàn quận Hải Châu - quận nội thành Đà Nẵng xảy ra 32 vụ, chiếm gần 25% các vụ cháy trong 6 tháng đầu năm 2018. Thế nhưng, khảo sát tại khu vực này, nhiều tuyến đường trung tâm TP.Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Hàm Nghi, Hùng Vương có rất ít trạm tiếp nước phục vụ cho công tác PCCC.Cụ thể, tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh, đường Hùng Vương khoảng 1km và hơn khoảng cách này mới có một trạm bơm nước chữa cháy. Còn tại khu vực xảy ra vụ cháy ở quán bar Leon trên đường Lê Duẩn - một trong những tuyến đường chính, “đạt chuẩn” tại trung tâm TP.Đà Nẵng thì chỉ có một trạm tiếp nước nằm cách khoảng 400m...

 

ANH TRỊNH

     

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT