Thông tin báo chí ngày 15/11
Đăng ngày 16-11-2018 02:53, Lượt xem: 29

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 15/11

1/ Báo Công an Đà Nẵng:

- Vì sao Đà Nẵng rút đề nghị viện trợ không hoàn lại dự án Nhà máy nước Hòa Liên

+Đi kèm với những bức xúc về tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa qua kèm theo “nghi án ém nước có động cơ”, nhiều luồng dư luận cũng xoáy vào tìm hiểu và phân tích vì sao Đà Nẵng “chưa giàu đã làm sang” từ chối khoản vay không hoàn lại của Nhật Bản để đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên. Chúng tôi đã tiếp cận được những tài liệu để có cái nhìn khách quan về câu chuyện này.

2/ Báo Đà Nẵng:

- Bất hợp lý việc tính giá nước :

+Nhiều khách hàng phản ánh về việc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) tính giá nước theo mức giá  đơn vị sản xuất - kinh doanh đối với cả hộ buôn bán hàng tạp hóa, tiệm thuốc tây, sửa chữa điện thoại...Khách hàng A. (ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) phản ánh, gia đình ông ký hợp đồng sử dụng nước sạch gồm có 7 nhân khẩu được áp mức giá nước theo hộ sinh hoạt. Thế nhưng, đến tháng 6-2018, chi nhánh thông báo là sẽ áp mức giá nước mới là 16.302 đồng/m3 thay vì mức như trước đây với lý do là gia đình có kinh doanh tạp hóa.Khi khách hàng này thắc mắc thì chi nhánh cấp nước giải thích rằng đơn vị chấp hành quy định tính giá nước dành cho hộ kinh doanh của thành phố.

+Trường hợp khác như gia đình chị H. (có 4 nhân khẩu sinh sống tại khu vực đường Lê Duẩn, quận Hải Châu) có cửa hàng bán nệm, gối tại nhà. Tháng 10-2018, gia đình chị H. sử dụng 30m3 nước với mức tính đến 215.000 đồng, tương đương khoảng 7.100 đồng/m3 trong khi biểu giá nước sinh hoạt tại thành phố là 4.000 đồng/m3.Nhiều khách hàng bán thuốc tây, áo quần, vé máy bay, photocopy… khác không có nhu cầu sử dụng nước nhưng vẫn chịu mức giá nước dành cho hộ kinh doanh.

+Ông Lê Đức Quý, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, việc áp mức giá đối với các trường hợp phản ánh như trên là do đơn vị thực hiện đúng Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 27-1-2014 của UBND thành phố và hướng dẫn của Sở Tài chính tại Công văn số 1086/STC-GCS ngày 21-5-2014.Trong đó, văn bản của Sở Tài chính xác định hoạt động kinh doanh dịch vụ gồm: “Các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch, kể cả ngân hàng, tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng Chính sách xã hội); nhà ga, bến tàu, bến xe, bến cảng; trạm biến áp trong mạng lưới phân phối điện; hoạt động cấp nước sạch cho tàu biển; rửa xe, giữ xe; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; văn phòng, trụ sở làm việc, các điểm kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ không phân biệt thành phần kinh tế…”.Theo ông Lê Đức Quý, việc tính giá sử dụng nước hộ kinh doanh đối với một số trường hợp trên là còn bất hợp lý và sẽ báo cáo UBND thành phố những vướng mắc để xem xét điều chỉnh.

 - Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang vẫn ô nhiễm nặng:

+Qua “đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng, bạn đọc tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm rác, nước thải nghiêm trọng đang diễn ra tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà).Anh N.Q.H (xin giấu tên), sống gần khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang bức xúc nói: “Rác thải nổi lềnh bềnh khắp nơi, nước biển bốc mùi tanh thối.

+ Người dân địa phương đánh bắt cá trong khu vực này mang về không dám ăn mà chỉ cho vật nuôi. Mặc dù tôi thấy có công nhân vệ sinh làm việc nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp hiệu quả để xử lý ô nhiễm ở khu vực này”.

- Nhập nhằng phố cũ và mới:

+Ông Võ Đi sinh sống tại khu phố mới thuộc tổ 79 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) được 5 năm. Khu vực này do phường Mân Thái quản lý cho đến khi địa giới hành chính được xác định rõ ràng mới đây. Nhà kiên cố, phố thênh thang nhưng mấy năm qua, ông Đi gặp những chuyện phiền toái do sự nhập nhằng giữa phố cũ và mới.Chuyện phiền toái là vào các dịp khu dân cư (KDC), tổ dân phố của phường Mân Thái thu các loại quỹ, các khoản ủng hộ, họ đến nhà ông Đi để vận động, trong khi ông vẫn nộp các khoản đóng góp ở tổ 79 phường An Hải Bắc

+Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Bí thư Chi bộ KDC 49, sau khi các dự án được triển khai, các khu phố mới hình thành, việc bố trí tái định cư có sự xáo trộn nhất định với việc công dân ở phường này về cư ngụ tại phường kia, trong khi ranh giới cũ giữa hai phường có những điều chỉnh so với hiện trạng. “Với những trường hợp như hộ ông Đi, chúng tôi kiến nghị Đảng ủy phường An Hải Bắc, sau đó đề nghị Phòng Nội vụ quận Sơn Trà phối hợp với hai phường An Hải Bắc và Mân Thái để xác định lại ranh giới địa chính”, ông Tánh nói.

3/Báo Dân trí,Thế giới tiếp thị:

- Đà Nẵng: Trình báo công an vụ học sinh bị 'đánh hội đồng'

+ Ngày 14/11, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu phối hợp, cung cấp thông tin cho công an vào cuộc xác minh vụ một học sinh bị “đánh hội đồng” trước cổng trường. Trước đó, vào ngày 12/11, tài khoản cá nhân của phụ huynh học sinh đã đăng tải trên mạng xã hội kể lại việc chứng kiến việc một học sinh bị một nhóm 5 thiếu niên vây “đánh hội đồng” ngay gần cổng trường.

+Nhà trường đã mời học sinh Q. (học lớp 8 THCS Nguyễn Đình Chiểu - học sinh bị vây đánh) và phụ huynh tường trình lại vụ việc. Học sinh Q. trình bày có xích mích với một số bạn, nhưng nhóm thiếu niên vây đánh Q. thì Q. không biết là ai. Phụ huynh học sinh đề nghị nhà trường trình báo công an xác minh vụ việc, để yên tâm cho con đến trường học.Về phía nhà trường, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, do sự việc xảy ra ngoài khuôn viên trường, nên khi giáo viên hay biết, ra đến nơi thì nhóm thiếu niên vây đánh em học sinh ở trường đã không còn ở đó nữa.Hiện nhà trường đã yêu cầu em học sinh bị đánh tường trình lại vụ việc chi tiết hơn để có cơ sở trình báo công an vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc theo đề nghị của Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê

4/ Báo Tuổi trẻ:

- Đà Nẵng: Bức bách mặt bằng sản xuất:

+Mặc dầu TP. Đà Nẵng có đến 5 khu công nghiệp với gần 1200ha, tỷ lệ lấp đầy hiện khoảng 90% nhưng các doanh nghiệp, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn “khát” mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh…

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT