Thông tin báo chí ngày 18/01
Đăng ngày 18-01-2019 09:49, Lượt xem: 45

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 18/01

1/Nhiều trang báo đưa tin:

 - Đà Nẵng: Hàng ngàn người mua đất có nguy cơ mất tiền:

+ Ngày 17/1, hàng trăm người tập trung trước trụ sở Công ty Bách Đạt (Bách Đạt Crorp) ở số 42 đường Nguyễn Du, phường Thạch Thang để đòi lại tiền đã nộp cho Công ty này thông qua công ty môi giới là Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Hoàng Nhất Nam (Hoàng Nhất Nam Land).

+Những người tập trung ở đây cho biết, họ đã thanh toán 95% giá trị các bất động sản nhưng không được 2 doanh nghiệp nói trên giao đất và giao sổ đỏ như cam kết, thậm chí còn bị Bách Đạt Crorp đòi hủy hợp đồng, lấy lại đất đã bán. Hàng ngàn người lỡ nộp tiền mua bất động sản từ Bách Đạt Crorp, Hoàng Nhất Nam Land đứng trước nguy cơ  mất trắng số tiền đầu tư

+Được biết, các dự án (DA) bất động sản của 2 doanh nghiệp nói trên, nằm ở Quảng Nam, tiếp giáp với Đà Nẵng như: DA Sakura Central Park (DA 7D mở rộng), Eco Park (DA Bách Đạt 1) và Hera Central Park Riveside. Các DA nói trên đều chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa đủ thủ tục pháp lý để thực hiện giao dịch mua bán.  

2/ Báo Pháp luật VN:

- Bị can vụ điện giật chết người ở Đà Nẵng đâm đơn kêu oan:

+Ngày 17/1, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng xác nhận, vừa tiếp nhận đơn của ông Nguyễn Quang Hiển (SN 1983, ngụ quận Thanh Khê) về việc đề nghị hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can đối với ông trong vụ giật điện khiến hai vợ chồng thương vong vào đêm 10/12/2018.

+Trong đơn, ông Hiển trình bày, ông làm công nhân kĩ thuật điện tại Công ty quản lí, vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng. Ngày 10/12/2018, tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ xảy ra vụ tai nạn điện giật chết người. Thời điểm đó Đà Nẵng mưa bão, tuyến đường tai nạn ngập lụt. Có một sợi dây điện sà xuống đường trong đêm do mưa to gió lớn. Người dân đã treo những thùng xốp, chặn cây cảnh báo, nhưng nạn nhân đi qua đã cầm dây điện, bị giật tử vong.

3/ Báo Kinh tế&đô thị:

- Đà Nẵng gặp khó trong quản lý an toàn thực phẩm:

+Trên 80% sản lượng rau quả, thủy sản và thịt mà TP Đà Nẵng tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh về các chợ đầu mối và cơ sở giết mổ tập trung bởi những chủ vựa thu gom từ nông hộ nhỏ ở địa phương khác. Do đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) còn gặp nhiều khó khăn.

- Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thủ tục vướng

+ Đà Nẵng cùng TP Hồ Chí Minh và Bắc Ninh là 3 địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm Ban Quản lý ATTP. Theo đó, chuyển chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP từ 3 sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương sang Ban Quản lý ATTP; trừ sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản và kiểm soát giết mổ động vật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quản lý.

- 40 “chuyến xe công đoàn” đưa 2.000 công nhân về quê ăn Tết:

+ Nhằm chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã tặng hàng nghìn suất quà và hỗ trợ 40 “chuyến xe công đoàn” đưa gần 2.000 công nhân về quê sum vầy cùng gia đình.

+Tại chương trình “Tết sum vầy 2019”, Liên đoàn lao động TP Đà Nẵng hỗ trợ 3.000 suất quà cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động toàn thành phố, mỗi suất từ 500 nghìn đồng, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ 40 “chuyến xe công đoàn” đưa gần 2.000 công nhân lao động về quê ăn Tết với lộ trình phía nam đến tỉnh Khánh Hòa, phía bắc đến tỉnh Thanh Hóa và Tây Nguyên đến tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, trao 200 suất quà Tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng và phiếu mua hàng giá ưu đãi trị giá 200 nghìn đồng…

 4/ Báo Công an Đà Nẵng:

-“Đắp chiếu tiền tỷ”

+Công trình lò đốt rác thải y tế tại Trung tâm Y tế Q.Cẩm Lệ gần 2 tỷ đồng được đưa vào hoạt động từ năm 2008, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ từ nguồn vốn ODA… Chỉ sau vài lần vận hành thử, lò đốt bị người dân phản đối quyết liệt vì cho rằng làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.

+Trong khi đó Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ ký hợp đồng với một đơn vị môi trường thu gom rác mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Việc công trình có ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường nhưng bị người dân phản đối phải “đắp chiếu’ suốt 10 năm qua đúng là lãng phí. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp dứt khoát hơn để định đoạt số phận cho lò đốt rác này!

- Nơm nớp lo hàng kém chất lượng dịp Tết:

+Nhiều vụ sản xuất, vận chuyển hàng kém chất lượng (KCL) bị phát hiện tại Đà Nẵng những ngày giáp Tết khiến người dân thấp thỏm lo âu. Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tự làm tự bán trên vỉa hè, trên mạng Internet ngày càng nhiều, trở thành xu hướng tiêu dùng lại vô cùng khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng….

+Do đặc thù phần lớn hàng tiêu dùng ở Đà Nẵng nhập từ phía Nam ra nên việc kiểm soát qua khâu lưu thông gặp nhiều khó khăn. Càng gần Tết, các mặt hàng KCL vận chuyển, lưu thông vào Đà Nẵng càng nhiều. Do đó cuộc chiến ngăn chặn hàng KCL trên các tuyến đường cửa ngõ vào TP cũng nóng hơn bao giờ hết. Đơn cử chỉ trong ngày 25-12 vừa qua, các lực lượng chức năng của Đà Nẵng đã phát hiện 3 vụ vận chuyển hàng KCL với số lượng lớn vào TP. Tại QL 1A ở Hòa Phước, xe khách BKS 43B- 04528 bị phát hiện chở 27 kiện hàng gồm quần áo, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc; xe tải BKS 43C- 15013 cũng chở lượng lớn quần áo không hóa đơn, xuất xứ; 2 xe tải chở 500 kg thịt bò không có giấy kiểm dịch…

5/ Báo Đà Nẵng:

- Nhà ở xã hội Nest Home còn 135 căn hộ chưa cấp quyền sử dụng:

+Kết luận thanh tra số 11383/KL-SXD ngày 5-12-2018 của Giám đốc Sở Xây dựng về việc thanh tra chuyên ngành một số nội dung liên quan đến việc đầu tư, khai thác và quản lý sử dụng dự án nhà ở xã hội khu dân cư Mân Thái (nhà ở xã hội Nest Home) vừa được công bố cho biết, hiện có 135 căn hộ chưa được cấp quyền sử dụng.

+Kết luận xác định dự án nhà ở xã hội Nest Home khởi công từ tháng 9-2012, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 8-2014, dự án gồm có 420 căn hộ. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Kinh doanh-Đầu tư-Xây dựng Phú Mỹ có thiếu sót trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xác định giá bán nhà ở xã hội; xác định chi phí đầu tư xây dựng để làm căn cứ xác định giá bán nhà ở xã hội không hợp lý; tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt một số đối tượng mua nhà ở xã hội chưa phù hợp với quy định, dẫn đến việc đến nay còn 135 trường hợp mua nhà ở xã hội tại dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà gây bức xúc trong cư dân. Về tình trạng sử dụng nhà chung cư, có nhiều trường hợp người mua căn hộ, nhưng đã thực hiện cho thuê lại nhà ở xã hội không đúng quy định.

 

ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT