Năm 2013, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD
Sáng ngày 10-1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì tại đầu cầu Đà Nẵng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong năm 2013, ngành Công Thương đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác. Sản xuất công nghiệp được thúc đẩy, sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012 (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011). Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực; chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng. Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành đã tập trung thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012. Tốc độ tăng xuất khẩu năm 2013 bằng tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại Việt Nam năm 2013 tiếp tục xuất siêu, ước cả năm đạt 863 triệu USD.

Tại thành phố Đà Nẵng, trong năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thực hiện 1.375 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên đạt hơn 1 tỷ USD, chủ yếu ở các mặt hàng cao su, đồ chơi trẻ em, hàng dệt may, xuất khẩu thủy sản, sản phẩm điện, điện tử. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thực hiện 60.200 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2012; nhập khẩu đạt 976 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện 38.384 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2012. Thành phố đã tổ chức 6 hội chợ triển lãm thu hút gần 1000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 2000 lượt gian hàng, các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ tại Lào và các tỉnh thành trong nước, giao thương giữa doanh nghiệp Đà Nẵng với doanh nghiệp các tỉnh Lâm Đồng, An Giang, Bến Tre.. Công tác dự trữ hàng hóa, bán hàng bình ổn giá, đưa hàng về bán ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp, nhất là trong dịp lễ Tết nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất cân đối về cung cầu hàng hóa, tăng giá đột biến.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương chọn năm 2014 là năm doanh nghiệp. Theo đó, ngành Công thương triển khai tổng hợp tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các kênh thông tin đường dây nóng, hộp thư doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố theo từng nhóm lĩnh vực; triển khai thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, kiểm tra kiểm soát trên tất cả các lĩnh vực công thương nhằm đạt chỉ tiêu Giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố 42.300 tỷ đồng, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thành phố lên 71.750 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 1570 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 1.155 triệu USD.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ ngành Công thương trong thời gian qua, đặc biệt là việc cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển quốc gia. Sự tăng trưởng xuất khẩu các nhóm hàng, quý sau cao hơn quý trước đã góp phần tăng trưởng nền kinh tế cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan bộ ngành Công Thương cần tiếp tục tăng cường quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công. Phát triển xuất khẩu một cách bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục nâng cao tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phục vụ phát triển thị trường nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác