6 tháng đầu năm 2019: trên địa bàn thành phố xảy ra 171 vụ cháy
Đăng ngày 29-07-2019 18:12, Lượt xem: 232

Theo đánh giá của Công an thành phố Đà Nẵng, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tính từ ngày 01/01/2019 đến 30/6/2019, số vụ cháy và thiệt hại do cháy đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 1.927 vụ (trong đó, 1.843 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông, 84 vụ cháy rừng). Tại Đà Nẵng, tình hình cháy trên địa bàn phố được duy trì kiềm chế, đặc biệt là không xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng nhưng vẫn có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Cụ thể: xảy ra 171 vụ cháy có 164 vụ cháy dân sự, 07 vụ cháy rừng trên địa bàn quận Sơn Trà với thiệt hại khoảng hơn 09 hecta rừng. Tham gia CNCH 32 vụ việc (16 vụ dưới nước, 07 vụ tai nạn giao thông, 01 vụ dưới vực sâu; 01 vụ tai nạn lao động; 01 vụ tự tử; 04 vụ chìm tàu; 02 vụ mắc kẹt trong thang máy), đã đưa 18 nạn nhân bị mắc kẹt (trên cao, hố sâu, tai nạn giao thông...) và bàn giao 05 thi thể cho cơ quan điều tra; cứu hộ 04 tàu cá bị chìm và kéo vào bờ an toàn bàn giao lại cho cơ quan chức năng xử lý.

Cháy kho hàng chứa hương tại địa chỉ số 304 đường Lê Trọng Tấn làm thiệt hại gần 01 tỷ đồng

So với 6 tháng cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy tăng 44 vụ (171/127). Không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản tăng 2.776,45 triệu đồng.  Mặc dù công tác tuyên truyền PCCC được chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC được tổ chức thường xuyên nhưng số vụ cháy vẫn gia tăng. Có ngày xảy ra liên tiếp 5 vụ cháy. Một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận quần chúng nhân dân, chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh còn hạn chế. Đa số các vụ cháy là do sự cố điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất trong sinh hoạt hằng ngày... .

Với nhiệm vụ được giao, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát PCCC đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại, đánh giá mức độ an toàn PCCC các cơ sở, kịp thời mở các đợt cao điểm triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như nhà chung cư, nhà cao tầng, các cơ sở tập trung đông người; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quần chúng nhân dân và cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng; nhiều cán bộ, chiến sỹ dũng cảm trong chữa cháy, CNCH.

Cháy rừng Sơn Trà làm thiêu rụi xe máy

Làm tốt công tác phòng ngừa, đã kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp cùng với các lực lượng chức năng, lực lượng PCCC cơ sở và nhân dân dập tắt kịp thời nhiều sự cố cháy nhỏ ngay từ ban đầu, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Lực lượng Cảnh sát PC&CC thành phố đã triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhiều trường hợp đạt hiệu quả cao, thể hiện lòng dũng cảm, tinh thần tránh nhiệm cao. Ngoài ra, hỗ trợ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đưa 22 người bị nạn và 01 xác nạn nhân ra ngoài trong vụ xe ô tô khách bị lật dưới chân đèo Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 08/01/2019.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH  cho biết: Để kiềm chế các vụ cháy, thời gian đến, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, khu dân cư dễ cháy; xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC đối với các nhà cao tầng, siêu cao tầng; các công trình ngầm và công trình có tầng hầm, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, sản xuất chế biến gỗ, các kho chứa hàng nguy cơ cháy nổ cao…

Đồng thời, tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý và thực hiện công tác PCCC; rà soát sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội đối với công tác PCCC, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC, củng cố, nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn PCCC. Tổ chức bố trí lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng rộng khắp và theo từng đơn vị tuyến, địa bàn trọng điểm. Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp công tác đảm bảo an toàn PCCC các cơ sở trọng điểm, sẵn sàng triển khai chữa cháy để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Bích Liên

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác