Ứng dụng CNTT là yêu cầu bắt buộc
Đăng ngày 20-08-2019 08:28, Lượt xem: 421

Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế, UBND quận Thanh Khê và UBND phường Hòa Hiệp Bắc là 4 cơ quan dẫn đầu 4 nhóm đánh giá, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018. Đây là thông tin được báo cáo tại Hội nghị Công bố kết quả đánh giá, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố, do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức vào chiều 19-8. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Các chỉ số, thứ hạng đạt kết quả khả quan so với năm 2017

Năm 2018, kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT nhóm 23 sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố có cơ quan xếp loại tốt, 9 cơ quan xếp loại khá, 5 cơ quan xếp loại trung bình và 3 cơ quan xếp loại yếu. So với năm 2017, 6 đơn vị dẫn đầu nhóm sở, ban, ngành không thay đổi, dù có thay đổi vị trí. Các cơ quan dẫn đầu gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ…

Bên cạnh đó, một số cơ quan có triển khai ứng dụng CNTT mạnh, hiệu quả và tăng vị trí xếp hạng như Văn phòng UBND thành phố (nay là Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố), Sở Giáo dục và Đào tạo (tăng 5 bậc); Sở Kế hoạch và Đầu tư (tăng 4 bậc). Điểm bình quân về chỉ số hạ tầng, ứng dụng và nhân lực tại các sở, ban, ngành đều tăng so với năm 2017, nhưng chỉ số chính sách CNTT giảm.

Dịp này, UBND thành phố tặng Bằng khen cho 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018

Nhóm các cơ quan Trung ương có 4 cơ quan xếp loại tốt, gồm Cục Thuế, Cục Hải quan, Công an thành phố và Bảo hiểm xã hội. Sơ với năm 2017. Điểm bình quân năm 2018 của nhóm chỉ số hạ tầng, ứng dụng CNTT và chính sách của các cơ quan Trung ương đều tăng, riêng chỉ số nhân lực CNTT giảm.

Đối với nhóm quận, huyện, có 3 cơ quan xếp loại tốt, gồm UBND các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ; 3 cơ quan xếp loại khá, 1 cơ quan xếp loại trung bình, không có cơ quan xếp loại yếu. Hầu như điểm bình quân các chỉ số của nhóm quận, huyện đều cao hơn so với 2017, đặc biệt là chỉ số hạ tầng và ứng dụng CNTT xu hướng chuyển biến tốt.

Năm 2018, tại các quận, huyện, 100% hồ sơ được tiếp nhận trên phần mềm một cửa điện tử, 96,5% hồ sơ được giải quyết sớm hạn, đúng hạn; 100% văn bản đến và 91% văn bản đi được nhập trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành; 99% văn bản ban hành có chữ ký số cơ quan. Hiện nay, các quận, huyện cung cấp 36 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 trên tổng số 163 thủ tục hành chính; trong đó, các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ đã chủ động triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4, cao nhất là quận Thanh Khê với 18 dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Nhóm UBND các phường, xã có 6 cơ quan xếp loại tốt, 31 cơ quan xếp loại khá, 16 cơ quan xếp loại trung bình, 3 cơ quan xếp loại yếu. Năm 2018, vị trí các phường, xã có nhiều thay đổi lớn do Bộ chỉ số 2018 bổ sung nhiều tiêu chí so với năm 2017, đặc biệt là bổ sung nhóm tiêu chí về trang thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Một số phường, xã triển khai toàn diện công tác ứng dụng CNTT, đạt thứ hạng cao như UBND các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa An, Thuận Phước, xã Hòa Nhơn. So với năm 2017, số cơ quan xếp ở nhóm trung bình giảm từ 31 xuống 16, năm 2017 không có cơ quan xếp loại yếu; điểm bình quân các chỉ số đều tăng cao, chỉ có chỉ số ứng dụng CNTT giảm.

Nhìn chung, trong năm 2018, các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố đã tăng cường đẩy mạnh công tác sử dụng các phần mềm dùng chung như phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số, dịch vụ công trực tuyển...; đặc biệt trong năm 2018, tỷ lệ liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan thành phố, tỷ lệ sử dụng chữ ký số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bố trí kinh phí cho triển khai ứng dụng CNTT tăng cao so với năm 2017.

Cần chủ động, trách nhiệm trong triển khai ứng dụng CNTT

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh đánh giá cao và chúc mừng các đơn vị, địa phương đạt thứ hạng cao trong kết quả đánh giá, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan có thứ hạng tăng mạnh trong năm 2018; đồng thời nhìn nhận, Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT năm 2018 có yêu cầu cao hơn so với năm 2017, tuy vậy, kết quả đánh giá thực tế vẫn đạt kết quả cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, với yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh nói riêng và xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 tại Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị nói chung hiện nay, việc triển khai ứng dụng CNTT còn phải thực hiện nhiều nội dung, nhiều giải pháp, đặt ra yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, địa phương phải chủ động và trách nhiệm thường xuyên trong triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trong thời gian đến, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh đề nghị, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, địa phương tiếp tục tích cực triển khai Kế hoạch số 3217 của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07 ngày 16-4-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng CNTT-Truyền thông tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời yêu cầu, 100% cơ quan, địa phương phải triển khai sử dụng thanh toán trực tuyến và hóa đơn điện tử trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng; mỗi cơ quan đăng ký và triển khai tối thiểu 40% dịch vụ công trực tuyến ở mức 4 theo chương trình công tác năm 2019 của UBND thành phố, hoàn thành trong tháng 10-2019.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cũng đề nghị lãnh đạo các cơ quan, địa phương triển khai rà soát kết quả đánh giá ứng dụng CNTT đã công bố, có giải pháp cụ thể khắc phục, cải thiện; trong đó, tập trung vào Hệ thống một cửa điện tử, chữ ký số và gửi liên thông văn bản điện tử thay cho bản giấy, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu số lẫn nhau để phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là dữ liệu số về môi trường, giao thông, camera an ninh, cấp phép xây dựng…

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần xác định ứng dụng CNTT là yêu cầu bắt buộc, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động tại cơ quan; cần chủ động, tích cực hơn nữa để ứng dụng CNTT đáp ứng mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh nói riêng và phát triển thành phố trong thời gian đến.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác