"Đối thoại tháng 3" - Thanh niên phải thể hiện được khát khao cống hiến
Phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng chính quyền, các chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển thanh niên như lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực… là những vấn đề đã các bạn trẻ đặt ra đối với lãnh đạo thành phố tại chương trình "Đối thoại tháng Ba: Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội". Chương trình do Sở Nội vụ phối hợp với Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức vào ngày 26-3.

Chương trình đối thoại được chủ trì bởi các đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng; Võ Công Trí – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Văn Hữu Chiến – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Bá Cảnh – Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng và sự tham gia của lãnh đạo các Ban thuộc Thành ủy, đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của thành phố, đại diện lãnh đạo các Quận, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và 83 đại biểu thanh niên đến từ tổ chức Đoàn các cấp, các cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên và các tổ chức thanh niên trên địa bàn thành phố.
 
 Diễn đàn chia sẻ những trăn trở của thanh niên
 
 Nguyễn Bá Cảnh – Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, Chương trình được tổ chức nhằm mục đích làm cầu nối để Lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng chia sẻ, lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và những kiến nghị, phản ánh của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; truyền thông điệp kêu gọi thanh niên tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo thành phố sẽ đối thoại trên tinh thần cởi mở, gần gũi, chia sẻ tình cảm và trách nhiệm với thanh niên, góp phần xây dựng niềm tin và khơi dậy ý thức trách nhiệm, khả năng đóng góp của thanh niên đối với sự phát triển của thành phố.
 
 Tại buổi đối thoại, nhiều bạn thanh niên đã đặt ra câu hỏi về vai trò, vị trí của thanh niên ở đâu trong sự phát triển của thành phố, lãnh đạo thành phố đã có những chính sách gì đối với các hoạt động của thanh niên, cơ hội nào để thanh niên có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình? Hiện nay, Hội Doanh nhân trẻ thành phố phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức cuộc thi ý tưởng kinh doanh trẻ, vậy thành phố có hỗ trợ gì đối với những ý tưởng đó nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thành phố?
 
 Về vấn đề này, Bí thư Trần Thọ khẳng định, chăm lo cho giới trẻ chính là chăm lo cho tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ những ngày hôm nay. Lãnh đạo thành phố luôn tạo những điều kiện tốt nhất để thanh niên có thể phát huy được năng lực và đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Mỗi thanh niên cần phải có những ý tưởng mới, sáng tạo mới và thể hiện được khát khao cống hiến trong từng lĩnh vực cụ thể của đơn vị, của ngành nơi mình đang công tác. Làm tròn, làm tốt nhiệm vụ của mình đó chính là sự đóng góp tích cực đối với sự phát triển của thành phố.
 
 Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến cho biết, thành phố rất chú ý đến sự phát triển của các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ. Với chủ đề Năm doanh nghiệp 2014, thành phố đã xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt đối với doanh nghiệp; đồng thời hướng đến việc xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp dài hơi hơn nữa, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Thành phố ghi nhận những ý tưởng kinh doanh sáng tạo của các bạn sinh viên, tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực hiện là một khoảng cách khá xa. Do vậy, bên cạnh việc đưa ra ý tưởng, các bạn cũng cần phải có những giải pháp cụ thể để biến ý tưởng thành hiện thực, có thể triển khai thực tế. Đồng chí cũng mong, Hội Doanh nhân trẻ nói riêng và các hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố nói chung sẽ tiếp tục có những cuộc thi sáng tạo, có những sản phẩm mới… Phó Bí thư Võ Công Trí thông tin thêm, các doanh nghiệp trẻ, bạn trẻ có ý tưởng kinh doanh tốt và phương án khả thi có thể liên hệ Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố để tìm kiếm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của thành phố. Trong năm 2014, Quỹ này đã được thành phố bố trí 120 tỷ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.
 
 Hướng đến một thành phố đáng sống
 
 Cũng tại buổi đối thoại, các bạn trẻ đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm; về việc thành phố Đà Nẵng đang được nhắc đến với cụm từ “thành phố đáng sống”, vậy đó là “thương hiệu” của Đà Nẵng đã đạt được hay là mục đích mà thành phố đang hướng đến. Nếu là mục đích hướng đến, chúng ta đã có lộ trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện điều đó? Bạn Mai Thị Thanh Đoan, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng thẳng thắn đặt câu hỏi, trong khi chúng ta đang nói về Đà Nẵng như là một thành phố đáng sống, tại sao nhiều thanh niên học xong lại chọn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội để lập nghiệp?
 
 Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ chia sẻ, “Thành phố đáng sống” chính là khát vọng của chính quyền và người dân thành phố hướng tới, và thật sự Đà Nẵng vẫn chưa trở thành một thành phố đáng sống bởi vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, về vấn đề “chảy máu chất xám”, nếu cách đây 10 năm chúng ta chỉ thấy 1 chiều chảy từ Đà Nẵng đến các thành phố lớn khác, thì trong những năm gần đây đã có thể nhìn thấy một dòng chảy ngược lại. Trong hơn 10 năm qua, với chính sách thu hút nhân tài của thành phố, đã có hơn 1000 người tài đã đến sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng, 80% trong số đó chính là những học sinh, sinh viên xuất sắc của thành phố đi học tại các Trường Đại học lớn trong cả nước và nước ngoài trở về cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, thành phố hiện nay đang mắc phải vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ”. Chúng ta đã quá chú trọng vào việc đào tạo, thu hút cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ mà xem nhẹ vấn đề đào tạo nghề. Do vậy, từ nay trở đi, thành phố điều chỉnh kế hoạch, ưu tiên đào tạo các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, thực hiện thu hút đối với cấp Đại học và chú trọng phát triển các trường nghề. “Chúng ta phải hướng đến thị trường lao động giá đắt, tức là hàm lượng chất xám cao, lao động lành nghề, chứ không phải là thị trường lao động giá rẻ nữa” – ông Tiếng nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố chụp ảnh lưu niệm với đoàn viên, thanh niên tham dự chương trình đối thoại.

 Đối với cụm từ “thành phố đáng sống”, Bí thư Trần Thọ cho biết, ông vẫn thích gọi là “thành phố sống tốt” hơn. Và để hướng đến mục tiêu đó, chúng ta phải hiểu được thế nào là thành phố đáng sống. Theo ông Thọ, thành phố đáng sống là nơi từ trẻ em đến người già được chăm lo chu đáo từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí; là nơi không chỉ có sự thanh bình mà là thành phố thái bình. Người dân Đà Nẵng đã có mức thu nhập trung bình cao gấp 1,6 lần so với mức chung của cả nước (đạt 2.600USD/năm), tuy nhiên còn thua rất xa nhiều nước trong khu vực. Về nơi ở, vẫn còn 818 căn nhà xuống cấp mà mùa mưa, mùa nắng đều lo, mùa bão còn lo sợ hơn nữa. Thành phố đáng sống không thể vẫn còn tệ nạn ma tuý, có người bỏ học, lang thang xin ăn, trộm cắp… Chúng ta hướng tới thành phố đáng sống và còn rất nhiều chưa đạt được; để xây dựng thành phố Đà Nẵng đáng sống phải dựa vào sự chung tay của các bạn thanh niên. Các bạn được trang bị hệ thống kiến thức khoa học, giỏi hơn cùng thời thế hệ của chúng tôi, do vậy lãnh đạo thành phố rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Chính quyền thành phố sẽ tạo môi trường thực tiễn phong phú để tất cả các bạn có thể vào cuộc, cống hiến tài năng và sức trẻ của mình cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

NGỌC THỦY
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác