Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước bằng mô hình chính quyền đô thị phù hợp
Đăng ngày 12-10-2019 07:56, Lượt xem: 1597

Mục tiêu của việc thí điểm chính quyền đô thị là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp của thành phố; phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất đặc thù của đô thị loại I thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.

Đây là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại Hội thảo chuyên đề đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, vào ngày 11-10. Hội thảo nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì hội thảo

Cần thiết tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước

Thành phố Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển, thành phố đang gặp nhiều khó khăn và nảy sinh nhiều áp lực về chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư; quản lý hệ thống hạ tầng và cải thiện môi trường đô thị; phát triển thị trường lao động, tài chính, bất động sản, khoa học - công nghệ; cung ứng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp…

Trong đó, hạn chế, bất cập của mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó có thể đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại đô thị trong thời kỳ hội nhập, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý, ủy quyền trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng.

Những tồn tại, hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả quản lý và hoạt động của chính quyền các cấp của thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; đồng thời cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh, thí điểm chính quyền đô thị quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; hoàn thiện thêm một bước cơ sở lý luận khoa học pháp lý về chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Đề xuất phương án

Trên cơ sở kết quả làm việc với các cơ quan Trung ương, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố đã thống nhất thông qua Đề cương Đề án, với hai phương án được đề xuất. Theo đó, phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã). Phương án này được đề xuất căn cứ vào tình hình đặc điểm, quy mô, tính chất đô thị thành phố Đà Nẵng, với 6 quận nội thành, 1 huyện Hòa Vang có 11 xã và huyện Hoàng Sa; cùng với kinh nghiệm từng thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009 - 2016.

Cụ thể, tổ chức chính quyền cấp thành phố gồm có HĐND, UBND theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; không tổ chức HĐND ở quận, huyện, chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND; không tổ chức HĐND ở phường, xã, chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Riêng mô hình quản lý hành chính, lãnh thổ của huyện Hoàng Sa vẫn giữa nguyên như hiện nay cho đến khi Trung ương có chủ trương, quy định mới.

Khi không tổ chức HĐND quận, huyện, sẽ quy định việc bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND, UBND, Chủ tịch thành phố và UBND, Chủ tịch UBND quận, huyện đối với các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND quận, huyện đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. UBND phường, xã nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, huyện; quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của UBND cấp trên; bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện) và 1 cấp hành chính (áp dụng đối với phường). Đây là mô hình thí điểm đã được Bộ Chính trị cho phép thành phố Hà Nội thực hiện theo Kết luận số 46-KL/TW ngày 19-4-2019.

Cụ thể, không tổ chức HĐND phường tại thành phố Đà Nẵng, tổ chức chính quyền cấp thành phố và quận, huyện gồm có HĐND, UBND theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay. Tại phường, xã, thực hiện tương tự phương án 1, tuy nhiên chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận. Đối với các xã ở huyện Hòa Vang, tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND xã.

Khi không tổ chức HĐND phường sẽ quy định việc bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho UBND, Chủ tịch UBND quận, huyện và UBND, Chủ tịch UBND phường đối với các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND phường đang thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Cần làm rõ những bất cập, hạn chế để xây dựng mô hình phù hợp

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố tham gia ý kiến tại hội thảo

Đa phần ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội thảo đều ủng hộ quan điểm xây dựng chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo phương án 1 nêu trên.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho rằng, việc lựa chọn tiếp tục thực hiện mô hình không tổ chức HĐND quận, phường theo phương án 1 là phù hợp, do Đà Nẵng đã có thời gian thí điểm theo mô hình này và đạt được nhiều kết quả tốt với nhiều bài học kinh nghiệm quí báu. Tuy vậy, lần này, khi xây dựng mô hình cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, như tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách HĐND thành phố để làm người đại diện trên các khu vực; đổi mới phương thức hoạt động của HĐND thành phố, các chủ trương lớn, các chính sách vượt trội, các nhiệm vụ do Trung ương phân cấp đều lấy ý kiến của nhân dân.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân thông qua các hoạt động như tạo điều kiện để nhân dân tham gia nhiều hơn vào các kế hoạch, dự án có liên quan đến đời sống, sinh hoạt xã hội và qui hoạch phát triển thành phố; tăng cường và xây dựng cơ chế để nhân dân giám sát đối với các hoạt động của các cơ quan chính quyền các cấp.

Về bộ máy hành chính, theo ông Đặng Công Ngữ, trước hết, đơn vị hành chính huyện và một số xã của Hòa Vang nên xin cơ chế đặc thù và áp dụng như với quận, phường nhằm thống nhất công tác quản lí chung cho toàn thành phố. Đối với bộ máy tổ chức khi không còn HĐND quận, phường thì các cơ quan hành chính thực hiện quản lí theo ngành, lĩnh vực xuyên suốt, thống nhất, gọn, có cơ chế liên ngành, phối hợp để nâng cao tính hiệu quả. Cấp phường không còn cán bộ không chuyên trách mà thống nhất thực hiện theo tên gọi Luật Công chức; các tổ chức sự nghiệp đẩy mạnh khả năng tự chủ theo qui định. Về lãnh đạo các cơ quan hành chính thực hiện theo cơ chế gồm có thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan hành chính, các ủy viên.

Ủng hộ phương án xây dựng đề án thí điểm theo hướng 1 cấp chính quyền ở thành phố, 2 cấp hành chính ở quận huyện và phường xã theo phương án 1, ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, đề nghị, Đề án cần làm rõ hơn những hạn chế qua 7 năm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, và các giải pháp để hạn chế, khắc phục những bất cập này. Theo ông Phan Thanh Long,vì cốt lõi của đề án đổi mới là tăng cường phân cấp, mà phân cấp phân quyền xuống dưới thì thủ tục hành chính sẽ đi kèm theo, do đó rất cần công tác giám sát hoạt động thực thi ở tuyến dưới.

TS. Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, tham gia ý kiến tại hội thảo

TS. Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, đề xuất phương án xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình cấp thành phố có cơ quan dân cử là HĐND và cơ quan hành chính là UBND. Các quận, phường không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính (UBND) quận và Ban đại diện Hành chính phường. Chủ tịch UBND quận do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm. Ban đại diện hành chính phường là cơ quan đại diện (thuộc cơ cấu) của cơ quan hành chính quận, có con dấu, tài khoản riêng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận trên địa bàn phường. Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm Trưởng đại diện hành chính phường và quy định chức năng, thẩm quyền, bộ máy giúp việc của phường.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, mặc dù đây chưa phải là mô hình đổi mới chính quyền đô thị căn bản và triệt để như mong muốn, song ưu điểm của phương án này kế thừa được những kết quả tích cực của việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của chính quyền tinh gọn, thống nhất, thông suốt trên địa bàn toàn đô thị. Xây dựng mô hình cơ quan đại diện hành chính tại phường là “cánh tay nối dài” của cơ quan hành chính cấp trên và thực hiện chế độ bổ nhiệm trong bộ máy hành chính nhằm nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, tạo điều kiện để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh trên địa bàn đô thị.

TS. Nguyễn Huyền Hạnh cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của các đô thị ở nước ta đang đặt ra những yêu cầu mới về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp. Mặt khác, đòi hỏi của người dân và xã hội đối với năng lực tổ chức, quản lý điều hành của chính quyền đô thị ngày một tăng cao. Chính vì vậy, tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là rất cần thiết, cần xem đây là một trong những bước đột phá của việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác