Thông tin báo chí ngày 12-11
Đăng ngày 12-11-2019 07:12, Lượt xem: 131

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 12-11

1/ Báo Thanh niên:

- Nghịch lý ở cầu vượt ngàn tỉ:

+Công trình đạt nhiều kỷ lục, được chứng nhận chất lượng cao, đã bàn giao sử dụng gần 5 năm qua giúp giải tỏa ùn tắc giao thông, nhưng đến nay cầu vượt Ngã ba Huế (Đà Nẵng) vẫn đang “tắc” ở khoản nợ hơn 2.378 tỉ đồng chưa được thanh toán…Theo Công ty Trung Nam, việc chậm thanh toán công trình dẫn đến hậu quả quá hạn các khoản vay mà nhà đầu tư huy động từ ngân hàng SHB. Phụ lục gia hạn thời gian thanh toán chưa ký kết còn dẫn đến dư nợ buộc chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính và kinh doanh của nhà đầu tư và SHB, gây nguy cơ nhà đầu tư không được bất kỳ tổ chức tín dụng nào cho vay kinh doanh. Bên canh đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị T.Ư sớm bố trí vốn thanh toán để giảm lãi vay phát sinh, để tiết kiệm ngân sách Nhà nước sau này, vì nợ càng kéo dài thì lãi vay ngân sách phải trả càng lớn. Do đó, thiệt hại kép không chỉ cho nhà đầu tư mà còn chính ngân sách Nhà nước.

2/ Báo Công an Đà Nẵng:

 - Cưỡng chế 4 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng:

+UBND Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) ngày 10-11 cho hay, vừa chỉ đạo các lực lượng kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với 4 hộ dân tại dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, tổ 81 P. Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu) do không chấp hành bàn giao mặt bằng, gồm: Hộ Nguyễn Hoàng Anh- Bùi Thị Ngộ; Nguyễn Hùng- Nguyễn Thị Tố Nga; Thái Văn Vương- Lê Thị Mai; Võ Văn Sinh- Từ Thị Mười. Theo thông tin từ ban cưỡng chế thu hồi đất, đây là dự án có 206 hồ sơ thuộc phạm vi giải tỏa, đến thời điểm hiện tại còn 81 hồ sơ còn vướng, chưa thực hiện bàn giao mặt bằng. Trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, lãnh đạo quận và các ngành, hội đoàn thể tại địa phương cũng đã vận động bà con nhân dân chấp hành chủ trương suốt một thời gian dài, song vẫn còn những hộ cố tình không chấp hành, trong đó có 4 hộ dân nêu trên.

 3/VietTimes:

-Thiếu dịch vụ du lịch “tiêu tiền”, Đà Nẵng lên kế hoạch đột phá:

+Bên cạnh việc thúc đẩy dịch vụ mua sắm, xây dựng tour tuyến, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức thêm nhiều dịch vụ đêm, mở bãi biển xuyên đêm, phố đêm 24/7, kéo dài hoạt động các bar, pub trên địa bàn đến 2h sáng,… để thu hút du khách ở lại Đà Nẵng lâu hơn.

4/ Truyền hình Thông tấn:

- Đà Nẵng đảm bảo hàng tiêu dùng cho người dân mùa mưa bão:

+Thành phố Đà Nẵng đã chủ động triển khai kế hoạch dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và hạn chế tình trạng ghim hàng để tăng giá quá mức.Không chỉ có mặt hàng khô mà các loại thực phẩm khác cũng được đảm bảo để cung ứng cho người tiêu dùng. Riêng thịt lợn, mặc dù ảnh hưởng chung của tình hình giá cả sau dịch tả lợn Châu Phi nhưng nguồn thịt tại các chợ và siêu thị vẫn dồi dào và  niêm yết giá cho người tiêu dùng, để không xảy ra hiện tượng sốt hàng, tăng giá mùa mưa bão. 

5/ Đài VOV:

- Đà Nẵng phạt 20 triệu đồng một nhà hàng nuôi nhốt động vật trái phép:

+Qua kiểm tra Nhà hàng Tân Ngọc Nữ do bà Phùng Thị Nở làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện tại nhà hàng này đang nuôi nhốt 36 cá thể chim hoang dã gồm 15 cá thể chim Cu gáy và 21 cá thể Cuốc ngực Trắng thuộc loại động vật quý hiếm.
Chủ nhà hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số chim này. Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng xử phạt 20 triệu đồng với Công ty TNHH Nhà hàng Tân Ngọc Nữ, về hành vi kinh doanh động vật hoang dã trái phép, tịch thu và thả toàn bộ 36 cá thể chim hoang dã nêu trên về lại môi trường tự nhiên.

6/ Báo Đà Nẵng:

- Cẩn trọng khi tham quan bán đảo Sơn Trà trong mùa mưa:

+Mùa mưa bão hằng năm, tình trạng sạt lở đất đá ở khu vực bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thường xuyên xảy ra. Dù cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên cảnh báo, nhưng người dân và du khách vẫn đến bán đảo Sơn Trà để tham quan, ngắm cảnh khá đông, nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.Theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua, không chỉ tuyến đường nhựa dẫn lên chùa Linh Ứng lúc nào cũng có nhiều du khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà bằng ô-tô, xe máy, mà ở tuyến đường nhựa dẫn đến khu vực bãi Cát Vàng cũng đông du khách không kém. Hễ khi trời tạnh ráo, từng nhóm các bạn trẻ dùng xe máy, ô-tô đi tham quan, ngắm cảnh, vui chơi khá nhộn nhịp.Dù dọc theo những tuyến đường này có khá nhiều biển cảnh báo tình trạng sạt lở đất đá, nguy cơ cây ngã đổ… nhưng vẫn không ngăn cản được niềm đam mê của họ. Song, chính những cung đường uốn lượn quanh co làm không ít trường hợp gặp tai nạn, nhất là những lúc trời mưa. Chẳng hạn, khoảng 9 giờ ngày 2-11, một nam thanh niên điều khiển ô-tô khi đến khúc cua cách chùa Linh Ứng khoảng 300m, gặp lúc trời mưa lớn thì bị mất lái tông vào vách núi. Cú va chạm mạnh khiến chiếc ô-tô 4 chỗ lọt xuống mương thoát nước bên đường, rất may không có tai nạn nghiêm trọng về người.Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, một lãnh đạo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khuyến cáo, trước tình hình thời tiết mưa gió kéo dài, thất thường như hiện nay, người dân và du khách nên hạn chế đến bán đảo Sơn Trà để đề phòng tai nạn.

- Hộ chăn nuôi thả rông trâu, bò: xử phạt không đủ răn đe:

+Hai tháng gần đây, trên Cổng góp ý thuộc hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà nẵng đã tiếp nhận gần 15 nội dung bức xúc của người dân về tình trạng bò thả rông trên một số tuyến đường, tập trung chủ yếu ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Ngũ Hành sơn, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, việc xử lý không hiệu quả và thiếu tính răn đe.Theo khoản 2 Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông chỉ bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng chưa kể, việc địa phương tổ chức bắt nhốt đàn trâu bò thả rông, không người quản lý cũng bất cập bởi các phường, xã không có lực lượng canh giữ cũng như chăm sóc trâu, bò trong suốt thời gian chờ chủ đến giải quyết. Nhiều trường hợp chủ đàn bò không chịu  đến nhận; bò chết sau một thời gian bị nhốt trong chuồng, phường phải bỏ tiền ra đền bù cho người dân theo giá thị trường.. Trước thực trạng trâu, bò thả rông hiện nay, lãnh đạo một số địa phương mong muốn các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp cân nhắc khi trao quà là bò giống, heo gà giống. Thành phố cũng cần có những qui định cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc giám sát, kiểm soát và xử lý tình trạng bò thả rông, nhằm mang lại bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp.

 

ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT