Kết dư hàng năm của Quỹ BHYT sẽ chuyển về trung ương
Ngày 16-4 tại TP Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Hội thảo "Những quy định liên quan đến quyền lợi khám, chữa bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi".

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội cho biết, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới đây sẽ có rất nhiều điểm mới, bổ sung nhiều chế định mới rất được sự ủng hộ của xã hội.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo.

 Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế (Tổng công trình sư của Luật BHYT sửa đổi) cũng cho biết, theo Luật sửa đổi lần này thì sẽ quy định bắt buộc mọi người phải tham gia BHYT. Đây là một thay đổi quan trọng, đột phá. Luật sửa đổi lần này còn quy định thêm các danh mục mới được BHYT thanh toán 100% cho trẻ em, gồm : điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt. Ngoài ra, cũng cần thiết bổ sung quy định Quỹ BHYT thanh toán dịch vụ khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em.
 
 Bà Hương cho biết thêm, Luật sửa đổi lần này còn bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các xã, phường chậm nhất sau 3 tháng khi trẻ sinh ra là phải cấp thẻ BHYT để tránh tình trạng trẻ đi khám bằng giấy khai sinh.
 
 Ngoài ra Luật sửa đổi lần này cũng quy định, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. “Đồng thời, BHYT cũng sẽ thanh toán cho các trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến với tỷ lệ chi trả 20% đối với tuyến trung ương, 50% đối với tuyến tỉnh và 70% đối với tuyến huyện”, bà Hương cho biết.
 
 Luật BHYT sửa đổi lần này cũng sẽ tiến hành thanh toán BHYT đối với các tai nạn giao thông, tai nạn lao động cho trẻ em. Bà Hương cũng đề nghị thành lập Hội đồng quản lý Quỹ BHYT độc lập. Hội đồng này sẽ là nơi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Y tế đưa ra các chính sách hợp lý về BHYT một cách khách quan, minh bạch.
 
 Cũng theo Luật BHYT sửa đổi lần này, phần kết dư hàng năm của Quỹ BHYT của các địa phương sẽ được chuyển về trung ương để điều tiết chung. Trong trường hợp bội chi Quỹ thì quỹ dự phòng trung ương sẽ chi 80% còn các tỉnh, TP sẽ chi 20%. Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định thống nhất giá dịch vụ y tế giữa các hạng bệnh viện trên toàn quốc.
 
 Về phát triển dinh dưỡng cho trẻ em, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chiều cao của người Việt Nam tăng khoảng 1cm trong vòng 10 năm, trong khi ở các nước tăng được 2cm.
 
 Trước tình trạng này, Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 với mục tiêu chiều cao trung bình của người Việt Nam đến năm 2030 là 168,5cm (đối với nam) và 157,5cm đối với nữ.
 
 “Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam có hơn 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi nhưng có hơn 2,5 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Ngoài ra, hàng năm nước ta cón có 221.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Và Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về suy dinh dưỡng và thấp còi”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm thông tin.
 
 Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam thì cần đưa dịch vụ khám, tư vấn dinh dưỡng và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em vào danh mục dịch vụ y tế được BHYT chi trả là biện pháp tốt nhất để kịp thời phòng ngừa và điều trị cho tất cả các trẻ em bị suy dinh dưỡng.  

LÊ NHÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác