Triển khai dự án xây dựng thành phố lành mạnh tại Đà Nẵng
Đăng ngày 13-12-2019 14:32, Lượt xem: 483

Sáng 13-12, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Tổ chức Đông Tây Hội ngộ tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác dự án “Xây dựng thành phố lành mạnh” tại Đà Nẵng để hỗ trợ các hoạt động của thành phố thông minh. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, bà Lynn Foden - Giám đốc điều hành Tổ chức Đông Tây Hội ngộ và đại diện các sở ngành, đơn vị.

Lễ ký kết thỏa thuận viện trợ giữa Sở Thông tin và Truyền thông thành phố với Tổ chức Đông Tây hội ngộ về việc thực hiện Dự án xây dựng thành phố lành mạnh (BHC) tại Đà Nẵng.

Dự án được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm thúc đẩy mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố thông minh và lành mạnh, với tổng kinh phí hơn 400.000 USD, được triển khai từ tháng 11-2019 đến tháng 9- 2020. Các lĩnh vực được lựa chọn để thực hiện dự án gồm: an toàn vệ sinh thực phẩm (cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em), giám sát sức khỏe và giáo dục, du lịch lành mạnh (tập trung vào ô nhiễm không khí và quản lý chất thải đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và du lịch).

Dự án triển khai các sáng kiến thành phố thông minh và các cấu trúc điều phối y tế đô thị ở ba thành phố Indore (Ấn Độ), Makassar (Indonesia) và Đà Nẵng (Việt Nam) bằng cách hợp tác với các sáng kiến thành phố thông minh và cơ cấu điều phối y tế đô thị. Mục tiêu của dự án là lồng ghép vấn đề bảo đảm sức khỏe của người dân trong bối cảnh triển khai đề án Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thời gian và chi phí cung cấp dữ liệu liên quan đến việc quyết định các chính sách, giúp người dân đề xuất nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với tổ chức Đông Tây Hội ngộ và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Dự án, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức về sức khỏe, môi trường; cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, giảm thiểu những yếu tố rủi ro do môi trường và lối sống gây ra, giảm gánh nặng từ những căn bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, góp phần tăng khả năng tiếp cận dữ liệu nhân rộng mô hình quản lý bền vững, tạo cơ hội cho người dân tham gia góp ý nhu cầu về thành phố lành mạnh.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác