Cứu sống sản phụ mang thai tử lưu, suy hô hấp cấp
Đăng ngày 26-05-2020 07:21, Lượt xem: 217

Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, sản phụ N. đã cai thở máy, sức khỏe ổn định, nói chuyện, đi lại bình thường và được Bệnh viện Đà Nẵng cho xuất viện.

Ngày 25-5, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, vừa cứu sống sản phụ Hồ Thị N. (dân tộc Giẻ Triêng, trú huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đang mang thai con so 24 tuần (bị tử lưu) và viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp.

Trước đó, chị N. cảm thấy mệt, sốt, ho, khó thở nên tự uống thuốc ở nhà 3 ngày. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện nên gia đình đưa chị vào Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi điều trị 6 ngày.

Đến ngày 27-4, chị N. được chuyển gấp ra Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng suy hô hấp cấp, tổn thương phổi cấp tính, trụy mạch, nồng độ oxy hóa máu giảm sâu, thai 24 tuần tử lưu. Sau khi hội chẩn viện, các bác sĩ tiến hành cấp cứu mổ lấy thai tử lưu, cho bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và sử dụng hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu sống bệnh nhân N.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tổn thương đa cơ quan, có lúc phổi bệnh nhân chỉ sử dụng được 10%. Vì thế, ngoài ECMO phải tiến hành hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu phối hợp. Sau gần 10 ngày, sức khỏe chị N. dần khá hơn nên được ngưng hỗ trợ ECMO.

“Hiện, bệnh nhân đã cai thở máy, sức khỏe ổn định, nói chuyện, đi lại bình thường và được xuất viện sau hơn 1 tháng được điều trị tích cực”, bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân N. vui mừng chia sẻ.


Sản phụ mang thai tử lưu, suy hô hấp cấp được các bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống (Ảnh: Bệnh viện Đà Nẵng)

Theo bác sĩ CKII Hà Sơn Bình (Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng), việc tiến hành ECMO, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân này vô cùng phức tạp, không như những ca ECMO khác bởi nồng độ oxy hóa máu bệnh nhân quá thấp. Nếu các biện pháp thở máy, can thiệp ECMO không hiệu quả sẽ để lại các biến chứng nặng nề hoặc nguy cơ tử vong cao. Vì thế, bệnh nhân luôn được theo dõi bởi quy trình nghiêm ngặt, các biến đổi của bệnh nhân dù nhỏ nhất đều được ghi nhận và xử lý kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Bình, bệnh nhân N. là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi chi phí điều trị ngoài danh mục Bảo hiểm y tế quá lớn, gia đình lại không có tiền để đóng viện phí ban đầu. Trước tình hình trên, Khoa Hồi sức chống độc đã xin ý kiến lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho chị N. nợ viện phí.

“Hiện tại, thông qua sự kết nối, kêu gọi của Phòng Công tác Xã hội bệnh viện, các tổ chức, cá nhân đã kịp thời hỗ trợ một phần viện phí cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân cũng được hỗ trợ ăn uống suốt hơn 1 tháng chăm bệnh. Sau khi xuất viện, chị N. đã được nhóm thiện nguyện “Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng” đưa về miễn phí tận nhà”, bác sĩ Bình chia sẻ thêm.

THỦY THANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác