Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc
Đăng ngày 21-10-2020 18:45, Lượt xem: 2920

Chiều 21-10, tại Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Xuân Hiếu có bài tham luận Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; nâng cao chất lượng hiệu quả dự báo tình hình, định hướng dư luận xã hội gắn với đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng, góp phần tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân. Sau đây là toàn văn bài tham luận:

Kính thưa Đại hội, xin phép được mở đầu phần tham luận bằng các số liệu điều tra dư luận xã hội đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết TW 04 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ do Viện DLXH, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện tháng 02/2020. Trong tổng số 2983 phiếu điều tra hợp lệ, 77% người được hỏi cho rằng “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm trong thời gian qua đã góp phần khôi phục, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”; 68% cho rằng “Đã thực hiện nghiêm minh kỷ cương, phép nước và thực hành dân chủ rộng rãi, thực chất; là điều kiện tiên quyết để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh”. Bên cạnh đó, 42% số người được hỏi tán thành với nhận định rằng “Những kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua phụ thuộc vào sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương, chưa tạo được cơ chế vững chắc trong việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, suy thoái”. Từ đó, có thể khẳng định, trong điều kiện hiện nay, công tác xây dựng – chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, quyết liệt và kiên trì, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và của cả hệ thống chính trị; tinh thần tự giác, tích cực, nghiêm túc, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân, lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Dự thảo Báo cáo chính trị lần này đã xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Ngoài những nhiệm vụ mang tính nền tảng, căn cơ đã nêu trong dự thảo báo cáo chính trị, xin nhấn mạnh thêm 03 nội dung nhằm cụ thể hóa trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, như sau:

1. Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố gắn với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Thành ủy về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần phải thông qua nhiều kênh phương tiện, nhiều hình thức, phương thức khác nhau, từ nhà trường, thông tin thời sự, tuyên truyền miệng, sinh hoạt tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể nhân dân, đến các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng Internet, nhằm tạo ra hiệu quả tổng hợp, toàn diện. Về nội dung này, Ban Tuyên giáo Thành ủy dự kiến xây dựng Kế hoạch “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị; chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong tình hình mới” (giai đoạn 2020 – 2025) với lộ trình triển khai kế hoạch đầu năm 2021, thực hiện trong suốt nhiệm kỳ; sơ kết hàng năm và tổng kết đầu năm 2025, làm cơ sở để đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

2. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp giáo dục thông qua hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu; thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống, phong cách, công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[1] nên cần xem đây là công việc thường xuyên, nền nếp, thành nhu cầu tự thân của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm lan tỏa, nhân rộng những tấm gương điển hình, người thật việc thật, người tốt việc tốt, góp phần tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, xác định các giá trị đạo đức, văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng để hình thành hành vi ứng xử văn minh, hiện đại, nhân văn; qua đó, tuyên truyền, giáo dục những chuẩn mực trên đi vào cuộc sống, trở thành lối sống của mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên. Ban Tuyên giáo Thành ủy đồng thời dự kiến xây dựng  “Kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp ngang tầm với yêu cầu mới” thực hiện trong suốt nhiệm kỳ và tổng kết giữa năm 2025.

3. Quay trở lại thống kê điều tra DLXH nêu trên, có sự khác biệt ý kiến đáng chú ý khi so sánh theo độ tuổi của người trả lời; cụ thể, nhóm những người dưới 30 tuổi là nhóm có tỷ lệ cao nhất tán thành với nhận định về những hạn chế, bất cập của công tác xây dựng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua. Đánh giá hạn chế, yếu kém phải nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm đối mặt với thực tế nhưng đồng thời đánh giá đúng bao giờ cũng là một việc khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp khoa học, thái độ nghiêm túc, chân thành, trung thực[2]. Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục chú trọng công tác giáo dục lý tưởng, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước cho thế hệ trẻ, khắc phục tình trạng “cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện”[3]; góp phần xây dựng những lớp cán bộ, đảng viên trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ to lớn của công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong tương lai.

Kính thưa Đại hội, nhằm đánh giá những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thực hiện điều tra dư luận xã hội vào tháng 2/2020 để nắm bắt và tham khảo ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố. Trong số 1.142 phiếu thu về hợp lệ, có 42% ý kiến đánh giá công tác phòng, chống thông tin xấu, độc, tội phạm trên internet, mạng xã hội nhiệm kỳ qua tuy đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Cùng với đó, kết quả điều ra của Viện DLXH, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy 58% người được hỏi lo lắng, bức xúc trước tác động của những thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc và sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên internet, mạng xã hội. Từ đó đặt ra yêu cầu phải tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả dự báo tình hình, định hướng dư luận xã hội gắn với đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng trong thời gian đến, cụ thể như sau:

- Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy cùng cấp triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt và nghiên cứu dư luận xã hội; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng trong nắm bắt, phân tích, dự báo diễn biến và lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, tập trung đổi mới cơ chế, điều kiện, phương thức hoạt động của các cơ quan, bộ phận làm công tác điều tra dư luận xã hội; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt dư luận xã hội theo hướng nhạy bén, nắm bắt thông tin kịp thời, đa dạng nguồn tin, chắt lọc thông tin chính xác, đảm bảo tính dự báo hữu hiệu theo phương châm “thông tin phải đi trước, mở đường”... Đồng thời, tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình khi có vấn đề nổi cộm, bức xúc dễ phát sinh điểm nóng để phối hợp giải quyết kịp thời, sát đúng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc cập nhật, tổng hợp, nhận định, đánh giá và định hướng, xử lý kịp thời tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố hàng ngày, hàng tuần đã góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố thời gian qua; giúp củng cố niềm tin của người dân (xét về mặt tâm trạng xã hội, có thể đánh giá người dân luôn đặt trọn tình cảm, sự tin yêu vào các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch); từ đó giúp cho toàn xã hội có ý thức và trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, triệt để những chính sách, biện pháp phòng chống dịch đã đề ra. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cần chủ động, sáng tạo, triển khai, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng và triển khai “Qui trình phối hợp tiếp nhận, tham mưu xử lý và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn thành phố” để thực hiện hiệu quả, thống nhất trong suốt nhiệm kỳ và sẽ thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh theo yêu cầu thực tiễn công tác.

- Chú trọng tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (nhất là đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng) cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần tiếp tục kiện toàn cơ cấu, tổ chức bảo đảm sự đồng bộ và hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Trong đó, mạng xã hội được xem là môi trường tác chiến mới[4]. Hoạt động đấu tranh trên không gian mạng cần gắn chặt giữa xây và chống, “phủ xanh” thông tin,“lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Phương pháp đấu tranh trên không gian mạng phải đa dạng, từ đấu tranh trực diện, trực tiếp phản bác, tấn công, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động; đồng thời phát huy tinh thần “gạn đục, khơi trong” để khai thác những giá trị tích cực của mạng xã hội; sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, mạng xã hội là “mảnh đất” để lan truyền những thông tin sai lệch, nguy hiểm về dịch bệnh nhưng bên cạnh đó cũng đã chứng minh nhiều khía cạnh tích cực của những nền tảng trực tuyến trong cuộc chiến chống đại dịch: Cụm hashtag #ApologizetoVietNam (Xin lỗi Việt Nam) đã trở thành xu hướng top 1 trên mạng xã hội toàn cầu (với hơn 655.000 lượt chia sẻ chỉ trong vòng 24h trên mạng xã hội Twitter) thể hiện tinh thần “tự tôn dân tộc”, phản bác thông tin sai sự thật và ủng hộ, bảo vệ cái đúng của cộng đồng mạng đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Đà Nẵng; hay Dự án truyền thông sức khoẻ của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) gồm bài hát Ghen Covy #ghencovychallenge và Vũ điệu rửa tay #handwashingmove sau khi đăng tải trên mạng xã hội Youtube đã nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu (với hơn 200 triệu tương tác trên Tiktok) và được đánh giá như một cột mốc về cách truyền thông sức khoẻ cộng đồng sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới.

Xin được khép lại phần tham luận bằng một nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đó là: “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng”. Thật vậy, kiên trì, kiên định, nhất định sẽ thành công.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 1, tr.263. 

[2] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

[3] Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng TƯ Đảng, Hà Nội, 2018, tr.47

[4] Việt Nam là nước có số người dùng Internet và MXH thuộc tốp đầu trên thế giới, với hơn 64 triệu người dùng Internet (chiếm 67% dân số); hơn 55 triệu người dùng MXH (chiếm 57% dân số) và 436 MXH đang hoạt động, đứng thứ 7 trong 10 nước có số người sử dụng MXH nhiều nhất thế giới”.

Cổng Thông tin điện tử thành phố

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác