Thành phố Đà Nẵng tạo cảm hứng cho việc nhân rộng mô hình điện năng lượng mặt trời
Đăng ngày 27-10-2020 20:46, Lượt xem: 442

Sáng 27-10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng” (Dự án DSED) do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Bà Cécile Leroy – Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết, sự thành công của Dự án tại Đà Nẵng là điều rất quan trọng, tạo tiền đề để Liên minh châu Âu và Việt Nam tiếp tục mở rộng dự án ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, qua đó hướng đến mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính mà Liên minh Châu Âu và thế giới đang hết sức quan tâm. Bà Cescile Leroy cũng đánh giá cao vai trò điều hành, tổ chức triển khai dự án của thành phố Đà Nẵng cũng như sự phối hợp của người dân, các cơ sở được lựa chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT) thuộc Dự án trong thời gian qua.


Bà Cécile Leroy – Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

“Sự thành công của dự án là minh chứng cho thấy Đà Nẵng là thành phố tạo cảm hứng cho các địa phương khác để nhân rộng mô hình, mở rộng việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) trong thời gian đến”, bà Cécile Leroy nói.

Theo ông Thái Việt Hùng – Sở Công thương thành phố, tính đến tháng 9-2020, tại Đà Nẵng, tổng công suất lắp đặt ĐMT mái nhà khoảng 20 MW (chỉ mới đạt 1% tiềm năng kỹ thuật), đây là còn số khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng ĐMT của Đà Nẵng; đối với ĐMT trên mặt nước thì qua lập đề án phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới đến năm 2025, tầm nhìn 2035 sẽ nghiên cứu, đánh giá chi tiết tiềm năng và khả năng khai thác sử dụng; thành phố Đà Nẵng có diện tích không lớn nên khả năng đất trống để lắp đặt ĐMT trên mặt đất là khó khả thi.

Ông Thái Việt Hùng cho biết, thành phố Đà Nẵng có các chủ trương, chính sách để phát triển ĐMT trên mái nhà. Cụ thể, thành phố ưu tiên, khuyến khích phát triển ĐMT áp mái tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, mái nhà xưởng; thành phố cũng có cơ chế phát triển ĐMT áp mái trong giai đoạn 2020-2025 đạt 80% - 90% trên tổng số các trụ sở công tại địa bàn thành phố Đà Nẵng; khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt ĐMT trên mái nhà xưởng, công suất lắp đặt trong giai đoạn 2020-2025 đạt 22 MW và đến năm 2030 đạt 44 MW, phấn đấu 50% diện tích mái hiện có. Ông Thái Việt Hùng cũng đưa ra lộ trình phát triển ĐMT mái nhà đối với 3 khu vực: khu vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ; khu vực công; khu vực dân cư.

Báo cáo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu – Quản lý dự án DSES cho biết, sau khi rà soát và tiến hành lựa chọn, có 04 cơ sở công gồm: Trường THCS Hoàng Diệu, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu; Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Ung Bướu với tổng công suất lắp đặt 8,25 kWp/hệ và 06 hộ gia đình được chọn với tổng công suất lắp đặt 2,75 kWp/hệ được nhận hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) từ Dự án.

Sau đó, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng đề xuất lắp đặt thêm 02 hệ thống điện năng lượng mặt trời tại 02 trường học và nhận được phê duyệt của Liên minh Châu Âu hỗ trợ gồm: Trường THCS Nguyễn Huệ và Trường PTPT Hoàng Hoa Thám. Hai hệ thống điện NLMT lắp mái với tổng công suất lắp đặt 8,25 kWp/hệ đã được lắp đặt và hoàn thành trước 30-6-2020.

Ngoài ra, phòng trưng bày lắp đặt: 02 hệ thống điện NLMT bao gồm 01 hệ thống nối lưới với tổng công suất 2,75 kWp và 01 hệ không nối lưới 1,65 kWp sử dụng ắc quy dự phòng; các thiết bị đèn NLMT, túi xách, balo ứng dụng NLMT, cột đèn NLMT, ống dẫn sáng solatube.


Toàn cảnh Hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng”.

Sau thời gian lắp đặt hệ thống điện NLMT, hơn 4000 bệnh nhân, giảng viên, học sinh được hưởng lợi từ Dự án với tổng sản lượng điện tạo ra là 78.694 kWh/ năm, tương đương tiết kiện 153 triệu đồng/ năm; tổng lượng giảm phát khí thải nhà kính là 32,5 tấn CO2/năm.

Tại trường THPT Hoàng Hoa Thám, hệ thống ĐMT mái nhà được lắp đặt tại dãy nhà công nghệ thông tin và thực hành tin học của trường. Ông Phạm Tấn Ngọc Thụy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ tháng 7 đến 10-2020, tổng sản lượng điện tạo ra là 4.398 kWh; tổng chi phí tiết kiệm điện/ năm khoảng hơn 26 triệu đồng, tiết kiệm 20-25% nhu cầu sử dụng điện của nhà trường.

“Hệ thống điện NLMT mái nhà đã tiết kiệm điện cho nhà trường, góp phần giúp nhà trường đạt được mục tiêu trở thành ngôi trường xanh. Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn sẽ mở rộng việc lắp đặt hệ thống điện NLMT trên mái các khu vực khác trong khuôn viên nhà trường. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về ứng dụng điện NLMT”, thầy Ngọc Thụy chia sẻ.

Là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ lắp đặt thí điểm điện NLMT, bà Mai Thị Ba (tổ 21, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, tổng sản lượng điện tạo ra tại hệ thống điện NLMT nhà bà là 3.767 kWh/năm; tổng chi phí tiết kiệm điện là 8,5 triệu đồng/năm, tiết kiệm hơn 60% nhu cầu sử dụng điện hàng tháng. Lượng điện dư đã được bán lên lưới điện EVN; hàng tháng bên EVN đều ghi nhận và thanh toán chi phí bán điện đầy đủ. Hệ thống điện NLMT của nhà bà Mai Thị Ba được lắp đặt ngày 14-6-2019 với tổng công suất lắp đặt 8,25kWp.


Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương ghi nhận sự đóng góp và tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức vào Dự án DSED.

Giám đốc Sở KH&CN Thái Bá Cảnh cho biết: “Với các kết quả Dự án đạt được, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển các chương trình, đề án về sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ để có nhiều hộ gia đình được sử dụng điện NLMT trên địa bàn thành phố”- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Dịp này, Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương ghi nhận sự đóng góp và tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức vào Dự án DSED.

Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng (DSED) do Liên minh Châu Âu tài trợ với tổng vốn thực hiện dự án là 444.169 EUR. Dự án được thực hiện từ 7-2017 đến 10-2020 với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch trên cơ sở phát triển bền vững. Dự án được triển khai gồm 3 hợp phần: Hợp phần I: Hỗ trợ chính sách; Hợp phần II: Lắp đặt thí điểm hệ thống điện NLMT; Hợp phần III: Nâng cao năng lực.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác