Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Đăng ngày 20-01-2021 22:55, Lượt xem: 253

Ngày 20-1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Công thương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, để góp phần đưa thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021, ngành Công thương cần làm tốt công tác công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời bám sát chủ đề năm 2021 để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành công thương

Theo báo cáo, năm 2020, bên cạnh việc hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác của thành phố giao, Sở đã chủ trì tham mưu ban hành các định hướng lớn về phát triển ngành công thương trong thời gian đến: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30-10-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố Quy định chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; xây dựng Báo cáo chuyên đề và Đề án Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng…

Trong năm, Sở Công thương đã tổ chức, phối hợp tổ chức thành công 6 đợt hội chợ, triển lãm với sự tham gia của hơn 1.000 lượt đơn vị, doanh nghiệp, hơn 2.290 gian hàng; tổ chức 2 phiên chợ Hàng Việt, phiên chợ Công nhân phục vụ nhân dân các vùng nông thôn, khu dân cư, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, triển khai hỗ trợ, hình thành 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để trưng bày, bán các sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của Đà Nẵng và các tỉnh, thành trong nước.

Ngoài ra, Sở đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế logo, bao bì sản phẩm cho 14 doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng giải pháp truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm cho 5 sản phẩm OCOP và 5 sản phẩm nông sản tiêu thụ tại chợ Đầu mối Hòa Cường; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, văn minh thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Sở Công thương đã hoàn thành rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính theo Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành công tác chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015; đặc biệt, đã thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Trong năm, Sở tiếp nhận, giải quyết 18.094 hồ sơ của tổ chức, công dân; 100% hồ sơ giải quyết sớm hạn, không có hồ sơ trễ hạn. Nhờ vậy mà hoạt động cung cấp dịch vụ công ngày càng tiến bộ, được các tổ chức, công dân đánh giá cao về chất lượng cũng như thái độ phục vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2015-2019

Ngay từ đầu năm, Sở cũng chủ động xây dựng và triển khai tổ chức tốt công tác bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, đặc biệt là bán hàng bình ổn trong dịp Tết và các chương trình bán hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các vùng ven, khu công nghiệp, miền núi... Vận động doanh nghiệp tích cực cung ứng hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng, tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng phục vụ nhân dân. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cũng được đặc biệt quan tâm, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh.

Nhìn chung, trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Bộ Công Thương, Sở Công thương đã nỗ lực, tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm ổn định thị trường, kích cầu tiêu dùng, góp phần thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, kết quả hoạt động của ngành chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo đó, giá trị gia tăng (VA) theo giá thực tế của ngành công nghiệp thành phố năm 2020 ước đạt 15.657 tỷ đồng, giảm 2.243 tỷ đồng so với năm 2019, chiếm 15,7% GRDP thành phố; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 10,96%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.563,7 triệu USD, giảm 4% so với năm 2019, trong đó, doanh nghiệp trong nước ước đạt 717,7 triệu USD, giảm 4,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 846 triệu USD, giảm 3,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 ước đạt 56.012 tỷ đồng, giảm 4,3% so với năm 2019.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành trong năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, để góp phần đưa thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của ngành là phải làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là, nhất là tại những nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị, các đơn vị sản xuất…; đồng thời, bám sát chủ đề năm 2021 “Năm khôi phục tăng trưởng và phát triển kinh tế” để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Cụ thể như, tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND, HĐND thành phố các chương trình, kế hoạch hỗ trợ; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện danh mục các dự án đầu tư và cho vay thông qua Quỹ đầu tư phát triển thành phố, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để khôi phục sản xuất; tháo gỡ các thủ tục về hải quan, xuất nhập khẩu để đẩy mạnh hoạt động thương mại xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị Sở Công thương phối hợp với Sở tài chính nghiên cứu, hoàn thiện danh mục đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp nhận được nguồn vốn vay và thụ hưởng chính sách; đồng thời, sớm triển khai việc hướng dẫn thủ tục thành lập các dự án xăng dầu, để phát triển mạng lưới kho bãi trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách thành phố.

“Ngành Công thương cần thực hiện rà soát, hoàn thiện các chính sách phát triển công nghiệp như: xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố; chính sách hỗ trợ ngành logistics; chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp du thuyền… Bên cạnh đó, tập trung phát triển hạ tầng thương mại, hỗ trợ các dự án thương mại trọng điểm, như dự án chợ đầu mối Hoà Phước, chợ Cồn, cửa hàng miễn thuế…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chỉ đạo.

Trước mắt, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh giao Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo công tác bình ổn giá cả thị trường, chất lượng sản phẩm trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và dịp Tết Nguyên đán, góp phần chào mừng thành công Đại hội Đảng, đảm bảo cho nhân dân vui tươi đón Tết.

Giám đốc Sở Công thương Lê Thị Kim Phượng trao Giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 cá nhân thuộc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2015-2019; Sở Công thương tặng Giấy khen cho 23 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác