Triển khai dự án "Nâng cao năng lực địa phương giảm ô nhiễm nhựa tại khu vực Đông Nam Á" (ASEANO)
Đăng ngày 07-04-2021 09:13, Lượt xem: 373

Ngày 6-4, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Hội thảo đối tác địa phương giảm thiểu ô nhiễm nhựa nhằm thực hiện dự án "Nâng cao năng lực địa phương giảm ô nhiễm nhựa tại khu vực Đông Nam Á" (ASEANO) tại Đà Nẵng do chính phủ Na Uy tài trợ. Tham dự có bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Dự án "Nâng cao năng lực địa phương giảm ô nhiễm nhựa tại khu vực Đông Nam Á" (ASEANO) thực hiện tại 3 quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam, trong đó Đà Nẵng là thành phố duy nhất tại Việt Nam được chọn để triển khai. Dự án nhằm đánh giá tác động của ô nhiễm nhựa đối với nền kinh tế phát triển và môi trường, từ đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển.

Với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của kinh tế biển trên 65% GDP, Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa.

Phát biểu tại hội thảo, bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, vấn đề ô nhiễm nhựa và xả rác trên biển là một thách thức quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tính bền vững của đại dương là một trong những ưu tiên hàng đầu của Na Uy. Rác biển là một trong những mối quan tâm về môi trường đang phát triển nhanh nhất. Ước tính có khoảng 15 tấn rác vào đại dương mỗi phút. Người ta ước tính rằng hơn 80% nhựa đại dương đến từ các nguồn trên đất liền với các nước Đông Nam Á. Đại dương được coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hợp tác quốc tế của Chính phủ Na Uy. Na Uy đã khởi động một chương trình viện trợ phát triển trị giá 180 triệu USD, nhằm chống lại rác thải ở biển trên toàn cầu, bao gồm hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ phát sinh chất thải được dự báo sẽ còn nhanh hơn GDP với sự thay đổi của lối sống và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra đại dương lớn thứ 4 thế giới. 70% dân số Việt Nam sống gần bờ biển dài 3400 km và các vùng đồng bằng trũng thấp. Rác thải nhựa không được quản lý sai cách có khả năng cao bị thải ra sông và biển dưới dạng rác biển, và cuối cùng là vi nhựa.

Ngày nay, hơn 80% rác thải sinh hoạt của Việt Nam được chôn lấp, đổ hoặc đốt trong các đám cháy. “Chúng ta cần hợp lực để đảm bảo nền kinh tế đại dương bền vững. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong các đại dương của chúng ta vào năm 2050.” - Đại sứ Grete Lochen nhấn mạnh.

Hội thảo trực tuyến chia sẻ giải pháp phát triển kinh tế biển xanh, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, quá trình đô thị hóa nhanh đã gây ra những áp lực, trong đó có vấn đề rác thải nhựa tại Đà Nẵng, mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Năm 2019, tỷ lệ rác nhựa ra môi trường trên địa bàn là 8,3% (khoảng 15,66 tấn/ngày, tương đương 5.715 tấn/năm). Lượng rác nhựa/người/năm là 5kg/người/năm.

Tại Đà Nẵng, quận Thanh Khê được chọn là địa phương thực hiện thí điểm mô hình “Chợ không sử dụng túi ni lông”, lồng ghép chương trình giáo dục môi trường tại 10 trường học trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức và sự thay đổi hành vi của cộng đồng tại quận Thanh Khê nói riêng và thành phố nói chung, thúc đẩy các mô hình giảm sử dụng và phát sinh rác thải nhựa.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác