Thông tin báo chí ngày 11- 9
Đăng ngày 11-09-2021 09:34, Lượt xem: 32

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải

1/ Công tác phòng, chống dịch và các tin tức liên quan:

- Duy trì, mở rộng thêm các vùng xanh:

+Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 10-9, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, hiện nay số vùng xanh trên địa bàn thành phố đang tiếp tục được mở rộng. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện quyết tâm của các địa phương trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Các địa phương cần tiếp tục củng cố, duy trì các biện pháp giữ vững và mở rộng vùng xanh. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là nếu các vùng xanh liên phường được mở rộng, thành phố sẽ xem xét để địa phương đó nới lỏng và mở cửa thêm một số hoạt động cần thiết. Người dân trong khu vực đó có thể thuận tiện đi lại, kinh doanh, buôn bán…

- Đà Nẵng xét nghiệm COVID-19 cho người di dời tránh bão lũ:

+Tại cuộc họp phòng chống bão Conson tối 10-9, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình chuẩn bị phương án chống bão. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương chuẩn bị tinh thần, phương án chống bão ở mức tâm bão vào thành phố Đà Nẵng. Nội dung được lưu ý nhất là việc chuẩn bị di dời người dân chạy bão lũ. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch di dời kèm xét nghiệm nhanh COVID cho người dân trong diện sơ tán, di dời để trú tránh bão khỏi các khu vực nguy hiểm.

- Đà Nẵng hoãn tiêm chủng phòng COVID-19 trong 2 ngày để phòng chống bão:

+Theo thông báo sáng 11-9, do thời tiết diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, Ban chỉ đạo tiêm chủng TP Đà Nẵng thông báo hoãn tiêm chủng trong hai ngày này. Lịch tiêm sẽ được ngành y tế thông báo lại sau cho người dân qua tin nhắn và cuộc gọi. Hiện Đà Nẵng đang triển khai kế hoạch tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca cho hơn 92.000 người tới hết ngày 12-9. Đây là đợt tiêm chủng vắc xin quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng.

- Đà Nẵng: Phạt 1 doanh nghiệp không xét nghiệm cho nhân viên:

+Ngày 10-9, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) ký quyết định xử phạt Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Men Hóa (đường số 3, KCN Hòa Khánh, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Công ty này bị xử phạt về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền với mức phạt 15 triệu đồng. Trước đó, đoàn công tác phòng chống dịch quận Liên Chiểu đã kiểm tra tại đây và phát hiện công ty này không chấp hành việc tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho cán bộ, công nhân theo quy định 3 ngày/lần.

- Đà Nẵng tiếp tục cấp đổi giấy đi đường hết hiệu lực vào 12-9:

+Tối 10-9, ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng cho biết doanh nghiệp được cấp giấy đi đường ghi hiệu lực đến ngày 11-9 có thể yêu cầu được cấp đổi để sử dụng tới 18-9. Ông Thanh cho biết, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã giao cơ quan, địa phương có trách nhiệm phê duyệt tiếp tục thu hồi, đăng ký thay đổi, cấp mới giấy đi đường, tập trung hậu kiểm giấy đã cấp, hủy thu hồi các giấy không đúng quy định và chuyển Công an thành phố xử lý các trường hợp vi phạm.

 2/Các tin khác:

 - Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung hai Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

+Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 10-9-2021 phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với hai Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Phước Sơn, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu và bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Trước đó, ngày 1-9, tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng Khóa X, các đại biểu HĐND thành phố đã bầu ông Trần Phước Sơn và bà Ngô Thị Kim Yến giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.

- Đà Nẵng sẽ sơ tán khoảng 70.000 dân khi bão Conson đổ bộ:

+Chiều 10/9, ông Lê Văn Tuyến, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang tiến hành khảo sát các địa điểm để di dân nếu bão số 5 đổ bộ. Dự kiến, khoảng 70.000 dân thuộc các khu vực gần biển như Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn được sơ tán đến nơi an toàn nếu bão mạnh từ cấp 10 trở lên.

- Đà Nẵng: Tạo điều kiện cho địa phương sử dụng cơ sở giáo dục làm nơi tập kết, sơ tán dân:

+Sáng 11-9, đại diện Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, ngoài công tác ứng phó với bão số 5, các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, kịp thời thông báo cho giáo viên, sinh viên, học sinh, phụ huynh chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho địa phương sử dụng cơ sở giáo dục làm nơi tập kết, sơ tán người dân…

- Đà Nẵng đưa người dân mắc kẹt trong rừng, nhà xuống cấp đến nơi an toàn:

+Ngày 10-9, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) cho biết, có 97 người bị mắc kẹt trong rừng thuộc địa bàn xã Hòa Bắc hơn 2 tháng qua. Trong khi TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách, các chủ rừng cũng bỏ mặc người lao động tại đây. Trước mắt, ảnh hưởng bão Côn Sơn, xã Hòa Bắc đang lên phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho 97 người này. Cụ thể, xã Hòa Bắc sẽ làm việc với các chủ rừng chủ động đưa bà con vào các vị trí an toàn. Cùng ngày, ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, đơn vị tiến hành di dời 36 hộ dân thuộc dãy nhà liền kề thuộc thôn Cẩm Nam đã xuống cấp, không an toàn khi bão đổ bộ…

- Đà Nẵng được phân bổ thêm 70% số chi thường xuyên ngân sách Nhà nước theo định mức dân số:

+Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù hoặc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số. Theo nghị quyết, Đà Nẵng được phân bổ thêm 70%. Về dự phòng ngân sách địa phương là 2% tổng chi ngân sách địa phương.

- Quản lý thị trường hàng hóa mùa dịch:

+Ảnh hưởng của Covid-19 khiến giá cả một số mặt hàng thời gian qua biến động như: giá vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, mặt hàng chống dịch… Tuy nhiên, theo ghi nhận, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố vẫn khá ổn định, không có sự biến động mạnh về giá.Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, nhất là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình giá cả một số mặt hàng trên thị trường có xu hướng tăng giá. Đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày và có nhu cầu tiêu dùng cao như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, bột mỳ, thực phẩm công nghệ chế biến, xăng dầu, ga và các mặt hàng phục vụ phòng, chống Covid-19 (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế...). Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số đại lý bán hàng, việc tăng giá này đến từ nguyên nhân khách quan do giá xăng dầu thời gian qua điều chỉnh tăng mạnh - giảm nhẹ đã tác động tới giá cước vận chuyển và tạo ảnh hưởng dây chuyền lên giá cả hàng hóa. Ngoài ra, lý do giá của nhiều nhóm hàng tăng cao hơn trước vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi đó, nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu không được kích hoạt trong thời điểm này.

 

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT