Doanh nghiệp mong muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm trở lại bình thường
Đăng ngày 25-09-2021 03:03, Lượt xem: 553

Ngày 24-9, trong khuôn khổ Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, do Thành ủy và UBND thành phố tổ chức, các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có cơ hội chia sẻ tâm tư, khó khăn, cũng như đề xuất nguyện vọng, kiến nghị giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế đến lãnh đạo thành phố.

Hội nghị do Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì.

Doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn

Đại dịch COVID-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện và sâu rộng đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, mà Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Với việc quyết liệt áp dụng các biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch, có thể nói, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch bệnh; tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đã bị ảnh hưởng rất lớn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng Vi Văn Việt cho biết, tình hình dịch bệnh kéo dài thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp phần mềm nói riêng. “Do đặc thù công việc của ngành phần mềm có thể làm việc từ xa, nên nhìn chung chịu tác động ít hơn so với những ngành nghề khác. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu chung của các doanh nghiệp lớn trong ngành, đã có thị trường ổn định, giảm từ 5-20%. Những doanh nghiệp nhỏ, chưa có thị trường ổn định, thì vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, giãn cách xã hội khiến cho doanh nghiệp không thể triển khai hoạt động đào tạo cho nhân viên mới, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng chia sẻ.

Theo đại diện Hiệp hội taxi Đà Nẵng, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố đang đứng bên bờ vực phá sản do không thể hoạt động trong thời gian dài, và doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa khi hoạt động trở lại, do phải cần nguồn kinh phí lớn để tân trang lại phương tiện. “Thậm chí có những khoảng thời gian chúng tôi được phép đưa xe ra chạy lại nhưng không có khách, do đó không đủ chi phí để vận hành”, đại diện Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho biết.

Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Các doanh nghiệp cũng cho rằng việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành; việc xin giấy đi đường, giấy ra vào thành phố còn nhiều bất cập gây khó khăn cho người lao động, cũng như trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hoá, vật tư vật liệu cho sản xuất của các nhà máy, cũng như việc xuất khẩu hàng hoá ra cảng Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi có một nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm phụ trợ, đóng ngay trên địa bàn quận Liên Chiểu nhưng nằm ngoài khu công nghiệp. Thời gian qua, nhà máy này không được cấp giấy đi đường để có thể chở hàng đến cho  công ty chúng tôi sản xuất.” Đại diện Cty sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ (UAC) cho hay.

Bên cạnh đó, việc làm hồ sơ thủ tục cấp giấy đi đường cũng gây khó cho công nhân khi đến làm việc tại khu công nghiệp. Nhiều công nhân đã không thể đến làm việc vì không có giấy đi đường. Việc nhập cảnh của các chuyên gia cũng đã dừng từ nhiều tháng qua cũng đã gây khó khăn cho một số doanh nghiệp trong việc lắp đặt, sửa chữa thiết bị máy móc của đơn vị.

Doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hoá, vật tư vật liệu cho sản xuất

Một số doanh nghiệp FDI cho biết họ không biết tìm kiếm những thông tin chính thức về tình hình và các biện pháp chống dịch của thành phố ở đâu, và nhất là chưa có kênh thông tin bằng nhiều thứ tiếng để có thể tiếp nhận và phản hồi những ý kiến của doanh nghiệp phản ảnh lên chính quyền. Thời gian qua, những quy định của thành phố khá rắc rối và khó đoán định nên doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng lúng túng. Một số doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà thì gặp khó khăn về hệ thống mạng thông tin.

Nhiều giải pháp được đề xuất

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Lê Thị Nam Phương đề xuất thành phố kiến nghị với Trung ương và các bộ ngành cụ thể hóa các Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ thực sự đi vào đời sống, để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận được các chính sách hỗ trợ; tiếp tục có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đất đai; đồng thời, sử dụng tối ưu nguồn vaccine chủ động để tối đa hóa việc tiêm vaccine, kể cả cho trẻ em, bởi đây là yếu tố quan trọng để người lao động an tâm trở lại làm việc.

Về phía thành phố, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân đề xuất thành phố sớm xây dựng các kịch bản về phòng, chống dịch cho giai đoạn mới, quy định cụ thể việc xử lý F0 trong nhà máy, doanh nghiệp, cộng đồng…; phát triển ứng dụng công nghệ giúp kiểm soát dịch bệnh ngay trong doanh nghiệp, cũng như có cơ chế thẻ thông hành không chỉ trong thành phố, trong nước mà cả quốc tế. Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc các ngân hàng giúp đỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, với các gói vay như vay ưu đãi không thế chấp để trả lương cho người lao động từ 3-6 tháng trong giai đoạn khôi phục kinh tế; miễn giảm tiềm thuê đất, không điều chỉnh tăng giá khi tới hạn trong giai đoạn này.

“Đề nghị thành phố có chủ trương giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc tổ chức xét nghiệm phù hợp với điều kiện kinh doanh; giúp doanh nghiệp thành lập tổ y tế tại doanh nghiệp có chuyên môn cơ bản về phát hiện, xử lý tình huống liên quan đến F0; đồng thời, tạo điều kiện cho lao động tự do trở lại thành phố làm việc, có chính sách miễn, giảm các loại thuế…” đại diện Công ty Xăng đầu khu vực 5 kiến nghị.

Doanh nghiệp đề xuất sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng Dương Đức Xuân, vận tải đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy, đề nghị thành phố xây dựng phương án di chuyển bảo đảm luồng xanh, tạo liên kết vùng giữa các địa phương trong khu vực đối với hoạt động vận tải; đề xuất Bộ Tài chính giảm 10-15% phí neo đậu, phí cập bãi, phí bảo đảm hàng hải cho các tàu nội địa cập cảng nhằm giảm cước vận tải đường biển, hỗ trợ doanh nghiệp logistics từ nay đến hết năm 2021.

Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn thành phố sớm xem xét, đưa ra tiêu chí phòng, chống COVID-19 trong điều kiện bình thường mới để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường; giao cho doanh nghiệp tự chủ trong công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp; đảm bảo nguồn vaccine cho toàn dân, nhất là đối với lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất.

“Doanh nghiệp rất mong thành phố xem xét, ban hành phương án phòng, chống dịch phù hợp hơn với tình hình mới, chuyển sang trạng thái sống chung với dịch; quan tâm tiêm vaccine cho người lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất; miễn giảm chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp; trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong mô hình, phương thức sản xuất phòng, chống dịch, không làm ảnh hưởng đến sản xuất của cả doanh nghiệp”, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng Lê Hoàng Khánh Nhựt kiến nghị.

Nhiều loại thuế, phí cũng được các doanh nghiệp đề xuất miễn giảm như: giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu; giảm 30% thuế giá trị gia tăng; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giãn thời gian thu nợ ít nhất 36 tháng; giảm lãi suất vay từ 2-3% cho tất cả các khoản vay; miễn chi phí kiểm định, bảo hiểm trách nhiệm nhân sự, phí đường bộ… cho tất cả các thương hiệu taxi từ tháng 2-2021 đến khi được hoạt động trở lại và tiếp tục giảm 50% trong năm 2022; giảm tiền thuê đất trong khu công nghiệp.

Theo Đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội đã có đề xuất với Sở Du lịch về lộ trình khôi phục thị trường tại chỗ, sau đó mở rộng ra các địa phương lân cận. Đầu tuần sau, Hiệp hội du lịch Việt Nam sẽ công bố chương trình quay lại của thị trường khách du lịch trong nước sử dụng hộ chiếu vaccine, Đà Nẵng sẽ là điểm được ưu tiên cho các chuyến bay sau khi đường bay được khôi phục.

“Tại thời điểm này, giải pháp cần thiết nhất để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có thể phục hồi là khôi phục hoạt động trở lại bình thường. Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ ngay lập tức khôi phục các hoạt động đủ để phục vụ theo lộ trình của thành phố đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Vì vậy, chúng tôi rất tha thiết đề nghị thành phố có lộ trình mở cửa dần bằng cách tạo các luồng xanh an toàn cho du khách. Doanh nghiệp cam kết sẽ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, Đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng phát biểu.

Doanh nghiệp đề xuất cần có hình thức linh hoạt hơn thay thế mô hình "3 tại chỗ"

Doanh nghiệp FDI cũng đề nghị thành phố sớm ban hành một kịch bản khôi phục và phát triển kinh tế; kịch bản này dựa vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có những cấp độ đối phó tương ứng; ví dụ như cần có thông tin đầy đủ hơn để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị các điều kiện vật chất kỹ thuật để thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”. Về lưu thông hàng hoá, cần cải thiện, nới lỏng các điều kiện để cho phép hàng hoá được vận chuyển thuận lợi; đề nghị lãnh đạo thành phố cần làm việc với các tỉnh thành khác và đề xuất với Chính phủ có các chủ trương thống nhất xử lý việc lưu thông hàng hoá liên tỉnh và xuất nhập khẩu.

Ông Hoàng Vũ Nhật Hoà (Công ty Đầu tư phát triển SILVER SHORE) đề nghị tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch dịch vụ. Đối với Công ty SILVER SHORE, ông cho biết nếu được cho phép, doanh nghiệp sẽ tự khảo sát, tổ chức cho du khách trở lại khách sạn với cam kết sẽ thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Doanh nghiệp sẽ tự mua thiết bị, máy móc, sinh phẩm để xét nghiệm cho nhân viên và du khách, chỉ cho phép những người đã tiêm đủ liều vaccine được phép đến Việt Nam theo mô hình “hộ chiếu vaccine”. Những việc này vừa bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và góp phần  giảm gánh nặng chi phí cho chính quyền.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Công ty Heniken Việt Nam – Đà Nẵng cho rằng, mô hình “3 tại chỗ” thực hiện thời gian qua không nên duy trì lâu hơn nữa mà cần có hình thức linh hoạt hơn, phù hợp hơn và nên để cho các doanh nghiệp tự chủ động xây dựng và thực hiện những biện pháp phòng chống dịch phù hợp với đơn vị mình.

LÊ HOA - NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác