Bảo đảm lưu thông hàng hoá, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp
Đăng ngày 20-10-2021 13:37, Lượt xem: 404

Ngày 20-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về lưu thông hàng hoá, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì hội nghị

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực, gồm: Đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt và hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, để phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh an toàn xã hội; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Hiện cả nước có 48 tỉnh thành khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng ô tô. Từ ngày 10 đến 17-10 có 4 hãng hàng không thực hiện khai thác 17 đường bay. Đối với vận tải đường sắt, đến ngày 17/10 đã tổ chức chạy 16 chuyến tàu với gần 10.000 hành khách. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục khẩn trương tiêm vaccine cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều địa phương đã thành lập các tổ công tác, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Các địa phương chủ động thay đổi tình hình thích ứng với những biến đổi mới, ban hành các văn bản tái sản xuất kịp thời. Các doanh nghiệp hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp chấp hành quy định, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Hiện các địa phương có khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành tiêm 100% mũi 1 cho toàn bộ công nhân, người lao động. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 2 cao nhằm đảm bảo nguồn lao động để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Đà Nẵng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong khoảng thời gian 3 tuần thực hiện cách ly xã hội (tháng 8, 9) thành phố đã kiểm soát dịch theo chủ trương "ai ở đâu ở yên đó". Các nhà máy sản xuất công nghiệp chỉ được hoạt động với tối đa 50% số lượng lao động. Trong thời gian đó các nhà máy sản xuất công nghiệp phải thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" với tối đa 30% số lượng lao động. Có 179 dự án hoạt động với tổng số lao động 15.075 người, giá trị sản phẩm công nghiệp chỉ đạt 14-30%, công suất hoạt động chỉ đạt 15-30% so với điều kiện bình thường. Chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu bị gián đoạn, hàng hóa bán ra chậm do lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và tăng mạnh chi phí sản xuất.

Thành phố Đà Nẵng đề xuất Chính phủ sớm thống nhất và phê duyệt chủ trương đầu tư 3 Khu công nghiệp mới (Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn) để thành phố sớm triển khai lựa chọn nhà đầu tư, để đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu. Ban Quản lý đã có đề xuất chính sách miễn giảm cho 418 doanh nghiệp đang thuê đất, thuê lại đất trong các khu công nghiệp, với thời gian hưởng miễn giảm là 1 năm. Về cải cách hành chính, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các hoạt động xây dựng, mở rộng nhà xưởng nhằm đưa các dự án đầu tư mới, đàu tư mở rộng sớm đi vào hoạt động để phục hồi và phát triển sản xuất. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào doanh nghiệp, đặc biệt đơn giản hóa tối đa thủ tục nhập cảnh cho các đối tượng đã được cấp giấy phép lao động.

Về chính sách hỗ trợ người lao động, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để nhà quản lý, chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh để vào làm việc, điều hành quản lý doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo tuyệt đối công tác phòng chống dịch. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an ninh của lao động ngoại tỉnh, để người lao động vượt qua khó khăn, hạn chế dịch chuyển lao động, sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trong cả nước, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Từ đó, đảm bảo cung ứng thị trường, tránh tình trạng giá cả tăng vọt do gián đoạn trong lưu thông dẫn đến tăng chi phí vận chuyển, chi phí lưu hàng tại các kho bãi. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết hỗ trợ tiêu thụ và cung ứng hàng hóa giữa các địa phương.

Về vấn đề xét nghiệm, cần có quy định thống nhất phù hợp để doanh nghiệp có kế hoạch phân bổ chi phí, tổ chức sản xuất phù hợp. Đồng thời, đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động hoạt động trong các ngành sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp; tiến tới 100% người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân nhằm hỗ trợ công nhân vượt khó khăn, tích cực phòng chống dịch, tham gia sản xuất, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lưu thông hàng hoá, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Các địa phương cần chủ động xây dựng những phương án phù hợp diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Các Bộ ngành, địa phương phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy lưu thông hàng hoá, vận chuyển hành khách; tiếp tục duy trì, mở lại và tăng cường hơn các chuyến bay nội địa, đường sắt, đường bộ.

Song song với phục hồi sản xuất, duy trì, tăng cường các tuyến giao thông, các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch không để xảy ra các ổ dịch, xử lý kịp thời và ngăn chặn dịch bùng phát. Đặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương. Bộ Y tế triển khai kế hoạch phân bổ vaccine cho các địa phương và có kế hoạch tiêm hợp lý, ưu tiên tiêm cho người dân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa để đảm bảo việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác