Thông tin báo chí tuần thứ 49
Đăng ngày 06-12-2021 17:42, Lượt xem: 72

Thông tin về công tác phòng, chống, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các tin tức về kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, trật tự, an toàn  giao thông, môi trường, là những tin chính, báo chí đăng tải trong tuần thứ 49

1/Công tác phòng,chống,điều trị bệnh nhân Covid-19 và các tin tức liên quan có nội dung:

- TP.Đà Nẵng thí điểm điều trị F0 tại nhà từ tháng 12

+Ngày 29.11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng (BCĐ) đã thống nhất đề xuất của Sở Y tế về việc triển khai thí điểm cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn TP trong tháng 12.2021.Theo đó, BCĐ giao Sở Y tế chủ trì ban hành hướng dẫn tạm thời; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai hiệu quả công tác thí điểm cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú. Qua quá trình thí điểm, Sở Y tế TP.Đà Nẵng sơ kết kết quả, báo cáo, tham mưu BCĐ xem xét, quyết định triển khai rộng rãi cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn TP phù hợp với năng lực đáp ứng và tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

- Tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình Covid-19:

+Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi những ngày qua ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó nhiều trường hợp chưa xác định được nguồn lây và đến/về từ địa phương khác. Đặc biệt, số ca mắc xuất hiện tại công ty, cơ sở kinh doanh ăn uống, siêu thị… khiến công tác điều tra, truy vết gặp nhiều khó khăn.Trung tá Phạm Hồng Hải, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Nhơn (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố) cho biết, ngoài thực hiện nhiệm vụ chốt chặn tại cửa ngõ ra, vào thành phố, đơn vị bố trí 4 tổ công tác tuần tra lưu động 24/24 giờ trên tuyến đường tránh nam Hải Vân và quốc lộ 14B đi qua địa bàn thành phố.Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp lực lượng ở khu dân cư và thôn, nhất là công an xã để nắm thông tin trường hợp xuống xe không đúng quy định, ngăn chặn tình trạng vào thành phố qua đường mòn, lối mở. Nhờ đó, Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Nhơn kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp dừng, trả khách không đúng quy định…

-Tập trung giải quyết điểm nóng ổ dịch mới

+Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 3-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung giải quyết những điểm nóng, ổ dịch mới, ngăn chặn kịp thời sự lây lan ra cộng đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, số ca mắc Covid-19 mới và số ca ghi nhận trong cộng động liên tục tăng cao, cho thấy tình hình dịch trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, các địa phương phải xác định tình hình dịch hằng ngày để chuyển cấp độ kịp thời, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp…

- Đà Nẵng chưa cho phép học sinh lớp 1 ở địa phương cấp độ 3 đi học trực tiếp trở lại:

+Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵngngày 3/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, các phường có số ca mắc COVID-19 ở mức cấp độ 3 (trên 50 ca mắc COVID-19) sẽ không cho học sinh lớp 1 đi học lại như: An Hải Bắc, An Hải Tây, Thọ Quang, Thanh Khê Đông, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Nam... Các trường học cần có biện pháp quản lý chặt giáo viên; tổ chức xét nghiệm cho giáo viên dạy lớp 1 trước khi vào dạy và xét nghiệm mỗi tuần…

- Đà Nẵng:Tạm dừng 17 chốt kiểm soát dịch cửa ngõ ra, vào thành phố:

+ Đại tá Trần Đình Chung, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết từ 12h trưa nay (4/12), sẽ dừng hoạt động các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ ra vào TP. Sau khi dừng các chốt này, TP chỉ còn duy trì 5 chốt ở ga đường sắt Đà Nẵng, bến xe Trung tâm TP, cảng Đà Nẵng, âu thuyền Thọ Quang, ga nội địa - cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

2/ Các tin khác về kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, môi trường

- Đà Nẵng chọn 17 cơ sở du lịch, dịch vụ đủ điều kiện đón khách quốc tế:

+Ngày 2/12, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa xét chọn đợt 1 với 17 đơn vị cung ứng dịch vụ đủ điều kiện tham gia thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng.Theo đó,có 5 cơ sở lưu trú là Vinpearl Condotel Riverfront Danang, Vinpearl Resort and Spa, Vinpearl Luxury Resort, Risemount Resort, khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng; 3 khu điểm du lịch được lựa chọn là danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, khu du lịch Sun World Bà Nà Hills cùng 9 doanh nghiệp vận chuyển du lịch khác.

- Đề xuất dừng thực hiện đề án di dời Khu công nghiệp Đà Nẵng:

+…UBND thành phố cho biết, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng sang đất ở đô thị.Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, việc lập quy hoạch đối với KCN Đà Nẵng cần phù hợp với Quy hoach chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Trình tự thực hiện các quy hoạch dựa trên quy hoạch chung thành phố, đến thực hiện quy hoạch phân khu, tiếp đó thực hiện quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết còn phải lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải…) tại KCN Đà Nẵng là tài sản thuộc quản lý của Công ty TNHH Massda Land - chủ đầu tư KCN Đà Nẵng.Vì vậy, việc lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với quy hoạch mới cần nhiều thời gian để thực hiện. Do các vướng mắc liên quan đến pháp lý việc chuyển mục đích sử dụng đất từ công nghiệp sang đất đô thị nên UBND thành phố Đà Nẵng chưa phê duyệt đề án di dời KCN Đà Nẵng…

- Tăng tốc thu hút đầu tư ICT từ Hàn Quốc vào Đà Nẵng

+Đà Nẵng mong muốn đẩy mạnh kết nối, đầu tư nhiều hơn từ doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin, điện tử viễn thông). Chính quyền Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu, triển khai dự án. UBND TP. Đà Nẵng cho biết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội hai năm qua nhưng ngành ICT Đà Nẵng vẫn phát triển, tổng doanh thu vượt ngưỡng 1,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 90 triệu USD…

- Đà Nẵng tập trung nguồn lực cho chuyển đổi số và đô thị thông minh

+Theo chia sẻ từ lãnh đạo UBND Đà Nẵng, Thành phố đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trọng tâm vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, CNTT gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh; tạo nền tảng thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực mới nhất là kinh tế số, xã hội số và Chính quyền số.

- Dự án ven biển tại Đà Nẵng hút nhà đầu tư với chính sách bán hàng hấp dẫn dịp cuối năm

+ Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng biển hạng sang, mô hình mới cùng chính sách bán hàng hấp dẫn mang lại cơ hội đầu tư cuối năm ở dự án Aria Da Nang, BW Signature Collection By Best Western, trong xu hướng đón đầu làn sóng phục hồi du lịch Đà Nẵng. Theo khảo sát của PropertyGuru Group. mức độ quan tâm tới bất động sản thường bật tăng sau mỗi làn sóng Covid-19, thậm chí có không ít trong đó là vốn ngoại. Năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt khoảng 17,2 tỉ USD, tăng mạnh so với con số dự đoán ban đầu và dự kiến sẽ không suy giảm trong năm nay, theo World Bank. Đây là cơ sở quan trọng cho thấy tiềm năng dòng tiền đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng tại các đô thị du lịch ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ghi nhận thực tế cho thấy, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nội mà còn có nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư là Việt Kiều. Trong đó, dự án thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư thời gian gần đây là Aria Da Nang, BW Signature Collection By Best Western trên cung đường tỷ đô Trường Sa – Võ Nguyên Giáp (Quận Ngũ Hành Sơn) được phát triển bởi Tập đoàn Danh Khôi – Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam…

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng trưởng dương:

+Ngày 29-11, Cục Thống kê thành phố cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tháng 11-2021 đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 11,7% so với tháng trước và bằng 94,1% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng tập trung chủ yếu ở hoạt động bán lẻ hàng hóa (chiếm 76%).Cộng dồn 11 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 75.049 tỷ đồng, bằng 98,7% so với cùng kỳ, trong đó, duy nhất nhóm doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng dương với mức tăng 7,3%...

 -11 tháng, các cơ sở lưu trú phục vụ khoảng 1,12 triệu lượt khách

+Ngày 30-11, theo báo cáo của Cục thống kê thành phố, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tháng 11-2021 ước đạt 31.960 lượt, tăng 7,5% so với tháng trước và bằng 15,4% so với tháng cùng kỳ năm 2020.Tính chung 11 tháng, số lượt khách mà cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,12 triệu lượt khách, bằng 46,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 96.300 lượt, bằng 14,1% cùng kỳ; khách trong nước ước đạt gần 1,03 triệu lượt, bằng 59,2% so với cùng kỳ. Lượng khách lưu trú đến Đà Nẵng chủ yếu là khách đến làm việc, khách thuộc đối tượng cách ly y tế.

- Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch và công nghiệp hỗ trợ:

+ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng (Sở Công Thương TP Đà Nẵng) đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý và áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp năm 2021. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.Trong thời gian diễn ra tập huấn, các doanh nghiệp đã được đại diện lãnh đạo Sở Công Thương TP cập nhật, phổ biến các quy định, chính sách mới nhất về khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn TP; hướng dẫn quy trình xây dựng đề án khuyến công và các thủ tục thanh quyết toán; tuyên truyền, giới thiệu tài liệu, kiến thức về các nguyên tắc, kỹ thuật và các bước thực hiện sản xuất sạch hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn được tham quan, khảo sát thực tế hoạt động sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, các đơn vị được thụ hưởng hỗ trợ từ chính sách khuyến công, chính sách phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch…

- Đà Nẵng tái khởi động dự án chợ đêm ven sông Hàn:

+Sau thời gian dài tạm dừng để xem xét lại thì nay dự án phố đi bộ, chợ đêm dọc sông Hàn được chấp thuận triển khai lại.Ngày 2-12, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP gửi các đơn vị liên quan về việc thực hiện dự án tuyến đường đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo (giai đoạn 2, khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi). Theo đó, TP cơ bản thống nhất phương án thiết kế của dự án, giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan lựa chọn nhà đầu tư quan tâm để kêu gọi xã hội hóa. Đồng thời, giao Ban Quản lý tự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

- Hơn 20 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn 2022-2025:

+UBND thành phố vừa phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ ít nhất 120 đối tượng sở hữu trí tuệ; ít nhất 50% sản phẩm tham gia OCOP, sản phẩm của doanh nghiệp khoa học công nghệ, sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, công nghiệp hỗ trợ…

- Đà Nẵng chi 36,5 tỷ đồng chỉnh trang khu phố du lịch:

+Ngày 30/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu phố du lịch An Thượng, với các tuyến đường Trần Bạch Đằng, An Thượng 2, Hoàng Kế Viêm, Ngô Thi Sĩ và Võ Nguyên Giáp.Thành phố sẽ trích 36,5 tỷ đồng để đầu tư hạ ngầm hệ thống điện sinh hoạt và chiếu sáng, viễn thông; cải tạo và thay mới hệ thống thu gom nước mặt ngăn mùi; thay thế trụ đèn chiếu sáng kết hợp sạc pin điện thoại bằng trụ đèn có hình thức thẩm mỹ. Việc đầu tư nhằm sớm hình thành khu phố du lịch An Thượng, tạo điểm đến vui chơi giải trí, mua sắm ngày và đêm cho du khách, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ngũ Hành Sơn làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, thời gian thực hiện đến năm 2022.

- CPI tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước:

+Ngày 30-11, Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố tháng 11-2021 tăng 0,24% so với tháng trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng bình quân 3,63% của 11 tháng năm 2020.So với tháng 10, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm hàng có CPI tăng, cụ thể: giao thông tăng 4,31%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,88%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,65%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,33%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%; giáo dục tăng 0,1%.

- Đà Nẵng còn hơn 106 ha đất đang chờ cho thuê ở các khu công nghiệp:

+Ngày 2/12, ông Phạm Trường Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có 6 khu công nghiệp, với tổng diện tích có thể cho thuê theo quy định là 782,62 ha; tổng diện tích đã cho thuê là 675,81 ha, diện tích còn lại có thể cung cấp cho các nhà đầu tư là 106,810 ha.Hiện có 4 khu công nghiệp đã cho thuê lấp đầy 100% diện tích là Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng. Tỉ lệ cho thuê tại 2 khu công nghiệp còn lại là Khu công nghiệp Hòa Cầm là 98,23%; Khu công nghiệp Liên Chiểu là 52,6%.Theo ông Phạm Trường Sơn, nguyên nhân làm tiến độ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) chậm và thấp hơn so với các khu công nghiệp khác là do những điều chỉnh quy hoạch chồng chéo, kéo dài và vướng giải phóng mặt bằng.

- Lòng hồ đập dâng Nhà máy nước Hòa Liên sắp tích nước: Còn 11 hộ dân nhưng chưa có đất tái định cư

+Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng, hiện công trình Nhà máy nước Hòa Liên, các hạng mục trạm bơm nước thô, tuyến ống chuyển nước thô từ đập dâng Nam Mỹ về Nhà máy nước này đã cơ bản hoàn thành. Riêng đối với hạng mục công trình đập dâng Nam Mỹ, trên sông Cu Đê tại xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hoàn thành 75% khối lượng thi công, sẽ được  tích nước đến cao trình thiết kế 8m vào ngày 30-12-2021 và tiếp tục hoàn thiện đến trước Tết Nguyên đán 2022…

- Sớm khắc phục các dây điện trang trí sát đất đường Như Nguyệt:

+Các ô thảm cỏ trên vỉa hè khá rộng đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) được thiết kế, lắp đặt các trụ đèn trang trí dạng thấp, nhưng sau một thời gian sử dụng đã có một số cây trụ bị gãy đổ, chỉ còn lại các dây điện nằm rải rác trên mặt đất. Qua quan sát, từ đoạn đối diện khách sạn Thái Bình xuôi về phía chân cầu Thuận Phước có 9 chân trụ đèn bị hỏng, còn lại các đầu dây điện được quấn tạm thời bằng băng keo. Đây là đoạn vỉa hè rất rộng ở gần cửa biển, không gian thoáng đãng, là điểm tập thể dục, vui chơi công cộng của nhân dân, nhất là trẻ em. Do vậy, đề nghị đơn vị chức năng sớm kiểm tra, khắc phục để tránh tai nạn về điện

- Bùng phát chợ tự phát

+Tại các chợ Cẩm Lệ, Hòa Khánh, Bắc Mỹ An…lượng khách đến các chợ nhìn chung vẫn chưa cao, nhiều sạp hàng rơi vào cảnh ế hàng, vắng người mua ngại vào chỗ đông người , dễ lây lan dịch bệnh…Trái với  cảnh vắng lặng, im ắng trong lồng chợ, nhiều khu vực kinh doanh, chợ tạm, hàng rong tự phát, nhất là ở khu vực xung quanh các chợ nói trên lại tấp nập người bán, người mua. Lý do mà nhiều khách hàng chuộng mua ở khu vực bên ngoài vì chỉ cần tấp xe là mua được, nhanh lẹ mà giá cả thì trong hay ngoài cũng ngang nhau. Điều này khiến nhiều tiểu thương trong lồng chợ bày tỏ bức xúc vì họ tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch trong khi các điểm bán hàng rong bên ngoài thì tuân thủ chưa nghiêm…

- Đà Nẵng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm:

+Nhằm thử nghiệm nội bộ phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm trước khi triển khai thực tế ra cộng đồng, vừa qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Liên danh nhà thầu trúng thầu gói thầu xây dựng phần mềm đã tổ chức buổi làm việc bàn về công tác phối hợp triển khai phần mềm. Qua buổi làm việc, các đơn vị thống nhất và sẵn sàng phối hợp cùng Ban Quản lý ATTP triển khai thực hiện thử nghiệm phần mềm

- Đột nhập, trộm cắp tài sản người nước ngoài:

+Trước đó, phòng CSHS nhận tin báo tại ngôi nhà lô 01 đường Trần Trọng Khiêm, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn xảy ra vụ trộm cắp tài sản, bị hại là tên là CHAO JUNYAN (1992, quốc tịch Trung Quốc). Tài sản bị mất cắp gồm 1 ĐTDĐ hiệu Xiaomi màu trắng, 100 đô la Mỹ, 2 tờ tiền Hồng Kông và 6 triệu tiền VNĐ. Thiếu tá Trần Ngọc Thành, Đội trưởng Phòng CSHS cho biết, thủ phạm gây ra vụ trộm là Võ Thành Bảo Nhân... Tại cơ quan Công an, Nhân khai nhận từ đầu tháng 11 đến nay, cũng cùng thủ đoạn đột nhập gây ra thêm 4 vụ trộm cắp khác trên địa bàn phường Mỹ An, Khuê Mỹ với tổng tài sản trộm cắp được khoảng 60 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được Công an quận Ngũ Hành Sơn điều tra

- Hai đối tượng mua bán trái phép chất ma túy lĩnh 29 năm tù:

+Chiều 29-11, Tòa án nhân dân thành phố mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Đặng Thị Tường Vi (SN 1993, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) và Lê Đức Phong (SN 1990, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Hội đồng xét xử TAND thành phố tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Tường Vi 18 năm tù và bị cáo Lê Đức Phong 11 năm tù cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; phạt bổ sung mỗi bị cáo số tiền 20 triệu đồng.

- TP.Đà Nẵng: Công nhân ngày đêm thi công hầm chui để hoàn tất trước tết dương lịch

+Dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn tất hạng mục hầm chui trước 31.12 và hoàn thiện toàn công trình trước 28.2.2022.Những ngày cuối tháng 11.2021, thời tiết tại TP.Đà Nẵng thuận lợi vào ban ngày, công nhân và phương tiện đã được huy động thi công thúc đẩy tiến độ hạng mục hầm chui công trình nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý. Theo quan sát của PV Thanh Niên, hệ thống giao thông thoát nước của dự án gồm tuyến đường phía sau khu trung tâm hội nghị tiệc cưới và đường gom 2 tháng 9, đường gom Duy Tân cơ bản đã hoàn thành. Đây là những tuyến đường nối liền với dự án thuộc địa phận Q.Hải Châu, theo ông Nguyễn Minh Huy, hiện Ban Quản lý dự án liên tục đốc thúc tiến độ thi công, tốt nhất là hoàn thành hạng mục hầm trước 31.12 theo chủ trương gia hạn của UBND TP.Đà Nẵng. Đồng thời cố gắng hoàn thiện về hệ thống giao thông thoát nước, đường dẫn hy vọng hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022…

- Xe quá tải vẫn ngang nhiên chạy trên đường cấm

+Bất chấp biển cấm, ô-tô có tải trọng trên 7,5 tấn vẫn thường xuyên lưu thông trên tuyến đường Trần Đức (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Dù mỗi lần nhận được phản ánh, cơ quan chức năng quận Liên Chiểu lập tức tổ chức ra quân kiểm tra, xử phạt, nhưng các xe chở đất đá quá tải vẫn hoạt động bất kể giờ giấc ngay sau đó, vừa gây ô nhiễm mỗi trường, vừa khiến con đường này bị hư hỏng, xuống cấp. Một số người dân sống dọc hai bên đường Trần Đức cho biết, mỗi lần nhận được phản ánh, lực lượng chức năng ra quân xử phạt xe chở quá tải chạy trên đường Trần Đức, nhưng khi không có lực lượng chức năng thì các xe tải này tiếp tục chạy trên đường cấm. Biển cấm xe tải có tổng trọng tải trên 7,5 tấn lưu thông nhưng chúng tôi thấy toàn xe tải trọng hơn 9 tấn và cả xe tải loại trên 16 tấn vô tư chở đất đá lưu thông. Có hôm bị dân phản ứng quá họ nghỉ chạy ban ngày, chuyển qua chạy ban đêm nhưng nay thì họ ngang nhiên chạy cả ban ngày, bất kể giờ giấc…

- Cắm biển cấm đỗ xe chưa hợp lý?

+Sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương và giao cho các quận, huyện khảo sát, lắp đặt các biển báo cấm đỗ ô-tô trong các kiệt, hẻm đã tạo thuận lợi cho lưu thông của người dân. Song, ở một số vị trí kiệt, hẻm trên địa bàn quận Thanh Khê, người dân cho rằng việc lắp biển báo cấm này chưa hợp lý. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, toàn bộ các kiệt, hẻm trên địa bàn quận Thanh Khê đều đã tổ chức cắm biển cấm đỗ xe, nhưng ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng ô-tô vi phạm, bất chấp biển cấm. Một hộ dân ở kiệt 5 Lê Trọng Tấn  chia sẻ: “Tôi nghĩ việc gắn biển “cấm đỗ xe” trong kiệt nhằm ngăn chặn việc đậu, đỗ xe một cách tùy tiện, tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân tốt hơn. Tuy nhiên, trước khi cắm biển cấm, cơ quan chức năng nên khảo sát hợp lý bảo đảm có chỗ đậu xe cho người dân. Qua khảo sát các đoạn kiệt, hẻm trên đường Lê Trọng Tấn và đường Trần Thái Tông (phường An Khê, quận Thanh Khê), phóng viên nhận thấy có nhiều đoạn kiệt như kiệt 1 và kiệt 5 Lê Trọng Tấn, kiệt 105 Trần Thái Tông có bề rộng mặt đường khoảng 5m, bảo đảm hai làn xe trở lên lưu thông tốt nhưng vẫn gắn biển cấm đỗ xe khiến các chủ hộ có ô-tô không thể dừng, đỗ. Ngoài ra, tại kiệt 243 Trường Chinh, bề mặt đường của kiệt này lên tới khoảng 10m nhưng vẫn gắn biển cấm đỗ xe…

- Cơ sở sản xuất cà phê xả khói gây ô nhiễm

+Một số hộ dân ở tổ 68 phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và tổ 127 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) phản ánh về việc cơ sở rang xay cà phê ở đường Nhơn Hòa 23 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) hoạt động trong khu dân cư xả khói, gây mùi hôi, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường xung quanh. Theo ghi nhận của phóng viên, cơ sở sản xuất cà phê mà người dân phản ánh không có tên, không bảng hiệu và nằm trên tuyến đường Nhơn Hòa 23, giáp ranh giữa phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Hai địa bàn này chỉ cách nhau một tuyến đường Quách Xân. Cơ sở sản xuất cà phê là căn nhà cấp 4 lợp tôn và xung quanh cũng quây tôn kín. Đứng từ phía mặt tiền căn nhà của hộ bà Nguyễn Thị Dung (số 108 Quách Xân, tổ 127 phường Hòa Minh), cách cơ sở sản xuất cà phê này khoảng hơn 50m, có thể nhìn rõ hệ thống cột ống khói cao khoảng hơn 10m nhô lên khỏi mái tôn của xưởng sản xuất…

 

ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT