Đổi mới tư duy để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững
Đăng ngày 25-03-2022 09:33, Lượt xem: 882

Nhà nước phải tạo hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp từ việc đổi mới tư duy giữa quản lý chặt chẽ với phát triển hài hòa, hợp lý, thông qua cơ chế, chính sách, sự quan tâm, chia sẻ, trân trọng, cương quyết và nhất quán nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, thực sự là "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước, chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội", vào ngày 24-3.

Nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31-12-2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, tương đương khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp Nhà nước, chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội"

Quy mô tài sản bình quân của một DNNN là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dich vụ viễn thông, dịch vụ vận tải (Vietnam Airlines), cảng biển và logistic (Tổng công ty Tân Cảng Sài gòn, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam)....

Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh thu của khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2016-2020 là 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2016-2020 là 1%. Một số Công ty mẹ có tổng doanh thu năm 2020 tăng hơn so với năm 2016 như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,08 lần so với năm 2016; Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị (HUD) có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,68 lần so với năm 2016; Tổng công ty Đông Bắc có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,35 lần so với năm 2016.

Các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất so với các doanh nghiệp khác. Tỷ suất lợi nhuận truớc thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 13%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 5%. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhanh như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với doanh thu năm 2016 là 1.314 tỷ đồng, năm 2020 là 4.382 tỷ đồng; Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp với doanh thu năm 2016 là 362 tỷ đồng, năm 2020 là 827 tỷ đồng.

Xét về đóng góp cho ngân sách nhà nước, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,08% nhưng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 2 lần doanh nghiệp có vốn nhà nước, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 14 lần doanh nghiệp dân doanh. Các DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn có tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách nhà nước năm 2020 là 241.728 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - con là 202.569 tỷ đồng, chiếm 84%, tăng 4% so với năm 2016.

Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, trong đó có khoảng 0,43 triệu lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng trong phiên làm việc buổi chiều

Tại Đà Nẵng, hiện nay UBND thành phố đang làm đại diện chủ sở hữu tại 4 doanh nghiệp 100% do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước (trong đó có 2 công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ). Các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu đa phần hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù, độc quyền tự nhiên (xuất bản, xổ số, thủy lợi) hoặc tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (môi trường, cấp nước, chiếu sáng công cộng, có ảnh hưởng đến tình hình thực hiện các chính sách an sinh, xã hội trên địa bàn thành phố.

Đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế

Có vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sản xuất, khai thác và cung cấp sản phẩm cho kinh tế vĩ mô, như điện, than, khí, xăng dầu… Trong lĩnh vực điện, các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chiếm khoảng 87% tổng sản lượng điện năng cung cấp cho xã hội, cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. EVN bảo đảm truyền tải điện cho toàn bộ hệ thống điện quốc gia; thực hiện công tác điều độ điện năng - phân phối điện năng trong cả nước; quản lý vận hành lưới điện nông thôn, các nhà máy điện quy mô, công suất lớn, trong đó có các nhà máy sản xuất điện chiến lược lớn, đa mục tiêu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

DNNN độc quyền hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Trong 5 năm giai đoạn 2016-2020, PVN đã khai thác ước đạt 121,14 triệu tấn quy dầu, duy trì cung cấp 100% thị phần khí khô, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp. Trên lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và doanh nghiệp do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ. Riêng Tập đoàn Petrolimex chiếm 50% thị phần, đã chủ động tham gia đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường, góp phần không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các DNNN trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin như Viettel, VNPT và Mobifone đóng vai trò chi phối tất cả các hoạt động trong lĩnh vực này, chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất. Các DNNN hoạt động trong lĩnh vực này đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng, hóa đơn điện tử… Các Ngân hàng Thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối như BIDV, Vietcombank, Viettinbank... chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành, giúp tăng cường hiệu lực thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết nối đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, nhất là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đã tham gia cùng Nhà nước đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia. Trong một số thời điểm, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhiều DNNN đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ chính sách điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá, như hỗ trợ giảm giá điện, nước, cước viễn thông, cung cấp các túi lương thực, thực phẩm miễn phí nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng; hỗ trợ đưa người dân từ vùng tâm dịch trở về.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tổng vốn đầu tư của DNNN chiếm 24 6% so với tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020; trong đó, tổng vốn đầu tư đã thực hiện của 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Uỷ ban quản lý vốn là 976.636 tỷ đồng.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, các DNNN đa phần kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều hoạt động ổn định, đóng vai trò chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người dân được đảm bảo và ngày càng nâng cao. Lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng dần qua các năm, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Chính sách tiền lương cho người lao động và các chế độ khác được các đơn vị nghiêm túc thực hiện đầy đủ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần đã đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động đáng kể so với trước thời điểm chuyển đổi, cả về chất lượng dịch vụ và hiệu quả sử dụng vốn. Kết quả giám sát hoạt động tài chính qua các năm, các doanh nghiệp đều đang đảm bảo an toàn về tài chính, chưa có trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện giám sát đặc biệt.

Xây dựng hệ sinh thái phát triển để doanh nghiệp nhà nước phát huy được thế mạnh, tiềm năng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và của doanh nghiệp nhà nước. "Chúng ta xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với vai trò nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, khu vực DNNN vẫn chưa lớn mạnh như mong muốn, yêu cầu đặt ra; chưa làm được một số việc trong khả năng của mình. Trong 5 năm qua, chưa có công trình lớn do DNNN đầu tư; chưa vận dụng tốt thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chưa đạt nhiều kết quả trong đổi mới sáng tạo. DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình.

Với trăn trở làm thế nào để doanh nghiệp thực hiện được sứ mệnh này, Thủ tướng cho rằng, Nhà nước phải tạo môi trường, tạo không gian, hệ sinh thái doanh nghiệp phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Hệ sinh thái đó phải sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Nhà nước phải tạo hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp từ việc đổi mới tư duy giữa quản lý chặt chẽ với phát triển hài hòa, hợp lý, thông qua cơ chế, chính sách, sự quan tâm, chia sẻ, trân trọng, cương quyết và nhất quán”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Về phía DNNN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, doanh nghiệp phải tham gia tích cực vào phát triển đất nước, phải góp phần đắc lực, hiệu quả vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên. "Những gì doanh nghiệp tư nhân, FDI chưa làm được, chưa có điều kiện để làm hoặc những nơi khó khăn thì DNNN phải xốc vác, tiên phong", Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian đến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị DNNN phải nỗ lực để có bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, một số doanh nghiệp phải tạo bước phát triển đột phá, phấn đấu đóng góp 35% ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ này; nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, người lao động năm sau cao hơn năm trước. “Để làm được điều này, chúng ta phải chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn và không tham nhũng, phù hợp với định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiệm vụ này cả Chính phủ, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương và từng cá nhân cần phải chung tay", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo đó, cần tập trung tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm, tự chủ, trách nhiệm của doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và có công cụ kiểm soát; từ đó tạo không gian phát triển, không gian đổi mới, sáng tạo. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể và phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ; huy động nguồn lực của DNNN vào phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế; chú trọng công tác giám sát, kiểm tra, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quy định các nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ sửa đổi quy định hiện hành về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển khoa học công nghệ; thời hạn trình trong năm 2022. Thanh tra Chính phủ chủ trì nghiên cứu đổi mới các quy định về thanh tra doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp đổi mới công tác thanh tra doanh nghiệp nhà nước, cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tránh thanh tra chồng chéo; đánh giá hoạt động đầu tư của doanh nghiệp mang tính tổng thể.

“Ngay sau Hội nghị, đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, hoàn thiện để Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước"”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác