Phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái
Đăng ngày 24-06-2022 14:53, Lượt xem: 370

Ngày 23-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Đề án “Quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ, kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2018-2022. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phú Ban chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Theo Quyết định số 709/QĐ-UBND về triển khai Đề án "Quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ; kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng". Theo đó, đối với việc quy hoạch khu vực chăn nuôi nhỏ, thành phố triển khai tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang (trừ các khu tái định cư và khu đô thị phía Tây Nam của Trung tâm hành chính huyện) và 3 phường thuộc quận Liên Chiểu. Về cơ sở giết mổ động vật, đề án quy hoạch cơ sở tại quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.

Ngoài ra, thành phố cũng quy hoạch xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phục vụ cho xã Hòa Phước và huyện Hòa Vang. UBND thành phố chỉ đạo, việc chăn nuôi, giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và đảm bảo điều kiện về môi trường.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ trong các khu dân cư đông đúc và nằm trong các địa điểm không quy hoạch chăn nuôi nhỏ lẻ đã ngừng hoạt động chăn nuôi. Đối với huyện Hòa Vang, hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ trong các khu dân cư đông đúc và trong các khu vực không quy hoạch chăn nuôi nhỏ lẻ đã ngừng hoạt động như Khu dân cư Miếu Bông, Giáng Nam, Khu dân cư Cẩm Nam (Hòa Vang). Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 2 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường. Căn cứ tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn, các địa phương thường xuyên tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao để tiêu diệt mầm bệnh.

Song song với đó, UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hầm biogas cho 48 hộ chăn nuôi, hỗ trợ chuyển giao các giải pháp xử lý chất thải rắn ra môi trường bằng các phương pháp: đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học, ủ phân bằng phương pháp sinh học… Đồng thời, xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và lở mồm long móng. Người nông dân được trang bị nhiều kiến thức về phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi an toàn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, chăn nuôi gắn với xây dựng nhãn hiệu, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn dịch bệnh, thân thiện môi trường cũng như đa dạng hóa sinh kế cho các hộ gia đình nghèo.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi về các giải pháp phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, hướng phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… Mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo môi trường sinh thái phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một số ý kiến cho rằng các cơ sở giết mổ hiện đang chờ thực hiện chủ trương của UBND thành phố về việc xây dựng Trung tâm chế biến chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung. Do đó, các cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư cải tạo, xây dựng đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Ngoài ra, tình trạng xả nước thải chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường ra bên ngoài tại các cơ sở giết mổ vẫn còn tiếp diễn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh.

Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tại một số địa điểm không quy hoạch chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn duy trì hoạt động, chưa chấm dứt. Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng như hiện nay, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại các địa điểm không quy hoạch trên địa bàn gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phú Ban cho biết, hiện tất cả động vật nhập vào cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố đều có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ Giấy chứng nhận vận chuyển động vật theo quy định. Không còn tình trạng giết mổ động vật khi không có sự giám sát của cán bộ thú y, chấm dứt việc pha lóc thịt dưới nền nhà. Các cơ sở giết mổ chấp hành nghiêm công tác tiêu độc khử trùng, sản phẩm động vật sau giết mổ đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều đảm bảo vệ sinh thú y.

Trong lĩnh vực vận chuyển kinh doanh động vật, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật. Trong quá trình thanh kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu test nhanh. Kết quả kiểm nghiệm góp phần tích cực trong việc đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đồng thời cảnh báo mối nguy và triển khai việc thanh tra dựa trên các cảnh báo nguy cơ. Chi cục Nông nghiệp tổ chức 132 đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với hoạt động liên quan đến vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Các nội dung vi phạm chủ yếu là vận chuyển động vật không có chứng nhận kiểm dịch, không đúng số lượng, không sử dụng xe chuyên dùng, không đảm bảo vệ sinh thú y.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác