Động lực để Đà Nẵng bứt phá
Đăng ngày 24-06-2022 14:58, Lượt xem: 357

Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) lớn của cả nước và Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đâu là động lực để Đà Nẵng bứt phá, đi qua những khó khăn, vươn mình phát triển xứng tầm với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên cũng như góp phần hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia.

Bến cảng của cả khu vực miền Trung

Được xác định là cửa ngõ quan trọng của cả nước, với sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông đồng bộ, Đà Nẵng trong những năm qua đã phát huy những lợi thế về hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Đà Nẵng dường như đã gần đạt đến ngưỡng phát triển, để có những bước tiến mạnh hơn nữa, tạo đà phát triển trong giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng cần phải có những động lực mới để phát triển với một tầm nhìn dài hạn. 

Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, xây dựng Cảng Liên Chiểu gắn với phát triển logistics là một trong những động lực tăng trưởng của Đà Nẵng.

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng Liên Chiểu nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - Đà Nẵng.

Cảng Liên Chiểu có vị trí thuận lợi về độ sâu, thuận tiện về kết nối giao thông: đường sắt (ga đường sắt mới, tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai), đường bộ (Quốc lộ 1A; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan; hành lang kinh tế Đông Tây 2) và kết nối với các khu công nghiệp của thành phố (khu công nghệ cao, khu công nghiệp Liên Chiểu, khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Hòa Cầm và 3 khu công nghiệp đang chuẩn bị triển khai: Hòa Ninh, Hòa Nhơn và Hòa Cầm giai đoạn 2). Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Liên Chiểu về chi phí vận chuyển hàng hóa, bến bãi.

Khi đưa vào vận hành, cảng Liên Chiểu sẽ khắc phục các hạn chế về giao thông cắt ngang thành phố, đảm bảo an toàn giao thông đô thị, môi trường du lịch ở khu vực phía Đông. Đồng thời, từng bước chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch.

Cũng trong tháng 3/2021, đi thị sát khu vực xây dựng cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “Không đặt câu chuyện cảng Liên Chiểu là của Đà Nẵng, mà của cả miền Trung và là một trong 3 cảng lớn nhất của cả nước”.


Để có những bước tiến mạnh hơn nữa, Đà Nẵng cần phải có những động lực mới để phát triển với một tầm nhìn dài hạn. ẢNH: NGUYỄN TRÌNH

Tháng 3/2022, HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (500 tỷ đồng) và ngân sách Thành phố. Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95 km, bao gồm nhánh ra nút giao cuối tuyến dài khoảng 700 m, mặt cắt ngang 30 m, quy mô 6 làn xe.

Dự án có 2 nút giao khác mức bằng cầu vượt, gồm một nút giao đầu tuyến với Quốc lộ 1 cũ và đường sắt Bắc-Nam hiện hữu; một nút giao cuối tuyến với đường tránh Nam Hải Vân, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu...dự án này nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập, kết nối đường nội bộ cảng Liên Chiểu đi đường tránh Nam Hải Vân.

Tại buổi họp báo công bố sự kiện Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, dự án Cảng Liên Chiểu có 2 nhóm hạng mục: nhóm 1 liên quan đến đầu tư công gồm có đê chắn sóng, nạo vét vùng biển và đường kết nối từ đường cao tốc vào cảng Liên Chiểu; nhóm 2 là các bến cảng, cầu cảng tại khu hậu cần logistics.

“Đối với nhóm 1, UBND thành phố đã giao Ban cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để tiến hành các thủ tục đấu thầu, phấn đấu tổ chức khởi công vào đầu tháng 9-2022”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết thêm, đối với nhóm 2, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. UBND thành phố đang chỉ đạo cho Ban hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư kết nối, gặp gỡ tạo điều kiện cho nhà đầu tư khảo sát thực địa, làm việc với sở, ban, ngành.

Trước thềm Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, ngày 22/6, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ký phê duyệt quyết định đầu tư Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung gồm kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu và khu nước, đường giao thông kết nối cảng, …với tổng mức đầu tư gần 3.427 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Hy vọng trong một tương lai không xa, những sản phẩm của các tập đoàn UAC, Dentium, Mabuchi... từ khu Công nghệ cao, các khu công nghiệp của thành phố sẽ từ cảng Liên Chiểu xuống tàu đi đến các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ.

Hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia

Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, Đà Nẵng cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương xác định là một trong ba Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, và tại ba địa phương này đã thành lập, đưa vào vận hành Khu công nghệ cao quốc gia.


Quyết sách xây dựng khu công nghệ cao là tầm nhìn quốc gia để đưa đất nước phát triển và vượt qua những thách thức,... trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động. ẢNH: NGUYỄN TRÌNH

Quyết sách xây dựng khu công nghệ cao và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia của Chính phủ ở ba địa phương động lực của ba vùng kinh tế trọng điểm không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển địa phương, vùng cụ thể.

Đó còn là tầm nhìn quốc gia để đưa đất nước phát triển và vượt qua những thách thức, nguy cơ tụt hậu, thách thức bẫy thu nhập trung bình,... trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động.

Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với cách tiếp cận theo hướng tầm nhìn quốc gia. Cách tiếp cận này được các chuyên gia đầu ngành về kinh tế của nước ta đánh giá khá cao và từ đây sẽ mở ra thêm một hướng mới trong xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời gian đến để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút đầu tư.

So với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về quy mô nền kinh tế cũng như các hoạt động về Tài chính, Đà Nẵng không có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng một Trung tâm Tài chính quy mô khu vực. Nhưng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nên những tác động to lớn đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực tài chính. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngành Tài chính đã phát triển dựa trên những yếu tố phi truyền thống, nền kinh tế số.

Trước đó, năm 2014, Đà Nẵng đã thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Tính đến nay có khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 06 vườn ươm, 02 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 10 Câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng và 02 Quỹ đầu tư khởi nghiệp. Tất cả dần hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của khu vực, với vai trò cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động tài chính của thành phố và khu vực sẽ là mục tiêu và động lực để thành phố hướng đến.


Để hình thành Trung tâm tài chính, thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng một khu vực với quỹ đất sạch với 6,17ha. ẢNH: NGUYỄN TRÌNH

Đề án Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng được xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt sẽ gồm 3 chức năng: cung cấp dịch vụ tài chính Offshore (OFC) cung cấp dịch vụ tài chính cho người không cư trú (các dịch vụ tài chính xuất khẩu); công nghệ tài chính Fintech và trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư (các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí đẳng cấp,…).

Để hình thành Trung tâm tài chính, thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng một khu vực với quỹ đất sạch với 6,17ha, được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đang tiến hành chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích hơn 62 ha thành khu trung tâm kinh doanh liên kết với khu phức hợp để hình thành một tổ hợp trung tâm tài chính đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược để hình thành và lôi kéo các nhà đầu tư khác vào trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Tất cả những vấn đề nêu ở trên sẽ là động lực quan trọng để Đà Nẵng tạo đà và lực cho một chặng đường phát triển mới sau 25 năm chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng thời phát huy thế mạnh của thành phố Đà Nẵng, tạo điểm nhấn và lan toả sự phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

QUỐC NAM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác