Chỉ đạo điều hành của UBND thành phố tuần 25
Đăng ngày 27-06-2022 16:46, Lượt xem: 193

Phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tái định cư Khu tái định cư Bình Kỳ, quận Ngũ Hành Sơn; Ban hành Phương án phòng, chống hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022; Di dời mồ mả trên địa bàn quận Sơn Trà; Phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung; Ủy quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường là những chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố từ ngày 20-6 đến 24-6-2022.

Phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tái định cư Khu tái định cư Bình Kỳ, quận Ngũ Hành Sơn

Ngày 24-6, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1667/QĐ-UBND về phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tái định cư Khu tái định cư Bình Kỳ, quận Ngũ Hành Sơn.

Theo đó, UBND thành phố phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tái định cư của đường 5,5m, đường 7,5m và đường 10,5m (đường Lê Trí Viễn) Khu tái định cư Bình Kỳ, quận Ngũ Hành Sơn tương đương hệ số điều chỉnh giá đất theo mặt bằng Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 24/4/2020 của UBND thành phố là 1,1.

Căn cứ hệ số điều chỉnh giá đất được phê duyệt, UBND quận Ngũ Hành Sơn và các cơ quan có liên quan thực hiện các thủ tục tiếp theo đúng quy định.

Ban hành Phương án phòng, chống hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022

Ngày 21-6, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND về ban hành Phương án phòng, chống hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mục đích của Phương án nhằm chủ động trong công tác phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn và tiêu nước trong vụ sản xuất khi có mưa lớn, đảm bảo cho công tác chống úng, hạn đạt hiệu quả cao nhất; phát huy năng lực các công trình hiện có nhằm nâng cao khả năng đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Diện tích gieo trồng lúa của thành phố năm 2022 là 4.723,5ha, trong đó:

Vụ Đông xuân là 2.522,8 ha, bơm nước từ hồ đập khoảng 886,0 ha; từ trạm bơm khoảng 2.280 ha; từ các biện pháp khác khoảng 355,9 ha.

Vụ Hè Thu là 2.200,7 ha, bơm nước từ hồ đập khoảng 766,1 ha; từ trạm bơm khoảng 1.313,6 ha; từ biện pháp khác khoảng 121,0 ha.

Về các biện pháp chống hạn hán, hiện nay, qua kiểm tra dung tích các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố và các hồ chứa thủy điện thượng nguồn tỉnh Quảng Nam, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất Hè Thu năm 2022.

Tuy nhiên, để đảm bảo cấp nước đảm bảo, tiết kiệm và hiệu quả, các đơn vị quản lý thủy nông cần sử dụng các giải pháp công trình và phi công trình ngay từ đầu vụ Hè Thu 2022 để ứng phó với tình hình nắng nóng, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong thời gian sinh trưởng của cây trồng, vì thế, cần triển khai các biện pháp để hạn chế tình trạng nói trên.

Các biện pháp chung gồm: Các đơn vị quản lý, khai thác công trình tăng cường kiểm tra kênh mương, đồng ruộng, kiểm tra lượng nước lãng phí từ các kênh tiêu của từng khu tưới để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước; tổ chức lấy nước đúng phiên và xử lý kịp thời những sự cố. Kiểm tra các ao nuôi cá, phân phối nước thích hợp và ưu tiên cho tưới lúa.

Tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng; tổ chức đắp các đập tạm trên các mương tiêu để lấy nước tưới cho các diện tích thấp, sử dụng nước tiết kiệm; chức nạo vét các trục tiêu chính đảm bảo cấp nước, tái sử dụng nước tiêu chống hạn và thoát nước, tiêu úng.

Đối với các trạm bơm vệ tinh (chống hạn) của hệ thống thủy nông Đồng Nghệ, Hòa Trung, Trước Đông, An Trạch: Cần duy tu, bảo dưỡng máy móc, thiết bị để chủ động triển khai bơm nước chống hạn ở cuối vụ (nếu cần thiết); hoạt động các trạm bơm thuộc hệ An Trạch; trạm bơm Bích Bắc; các trạm bơm Cẩm Toại, Thạch Bồ trên sông Yên theo lịch xả nước của các nhà máy thủy điện để hoạt động các trạm bơm hiệu quả.

Tổ chức rà soát cụ thể nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, cân đối nguồn nước để bảo đảm cung cấp nước đến cuối vụ Hè Thu 2022. Những khu tưới có điều kiện thì tổ chức áp dụng tưới tiêu theo phương pháp khoa học theo công thức tưới nông - lộ - phơi để tiết kiệm nước.

Thực hiện chuyển đổi giống lúa theo định hướng cơ cấu giống tại Thông báo số 1578/TB-SNN ngày 05/5/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm tăng tỷ lệ giống trung ngắn ngày theo cơ cấu giống, lịch thời vụ trong vụ Hè Thu 2022.

Biện pháp chống hạn cụ thể: Tùy vào tình hình thực tế ở các khu tưới, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng có thể triển khai một số giải pháp đắp đập tạm phù hợp.

Đối với khu tưới của hồ chứa Đồng Nghệ: Đắp các đập thời vụ trên các trục tiêu chính để trữ nước tưới cho các vùng có diện tích thấp gồm đập: Bến Phát (Dương Lâm), Ông Phịch (Phú Sơn Nam), Gò Giũa (thôn Hương Lam), Cầu Bung (Phú Sơn 3), Miếu Trắng (thôn La Châu).

Đối với khu tưới của hồ chứa Hòa Trung: Đắp đập tạm Cầu Đình (xã Hòa Liên).

Khu tưới hồ chứa nước Trước Đông: Đắp các đập thời vụ trên các trục kênh tiêu chính để trữ nước tưới cho vùng có diện tích thấp gồm: kênh tiêu tại Trước Đông, Hóc Cỏ, Phước Hưng.

Khu tưới thuộc Trạm bơm thủy nông Bích Bắc (Điện Hòa): Đắp đập thời vụ ngăn kênh tiêu đập Bầu Đưng (Điện Hòa), đập Bi Chìm (Giáng Đông, xã Hòa Châu), đập Phúc Quế (Phong Nam, Hòa Châu), đập Rộc Diếc (Dương Sơn, Hòa Châu), đập Bàu Lát (Dương Sơn, Hòa Châu).

Khu tưới thuộc Trạm bơm thủy nông An Trạch: Đắp các đập bổi gồm đập La Bông, Bắc An, Yến Nê, Cẩm Nê.

Nguồn kinh phí phục vụ phòng, chống hạn hán được sử dụng từ nguồn ngân sách dự phòng của thành phố, quỹ dự trữ tài chính cấp thành phố và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Di dời mồ mả trên địa bàn quận Sơn Trà

Ngày 23-6, UBND thành phố ban hành văn bản số 3463/UBND-SKHĐT về liên quan chủ trương di dời mồ mả trên địa bàn quận Sơn Trà.

Theo đó, UBND thành phố thống nhất chủ trương trong giai đoạn hiện nay chỉ tập trung di dời mồ mả tại các khu dân cư trên địa bàn các phường Phước Mỹ, An Hải Bắc, An Hải Tây và Mân Thái để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao và khớp nối giao thông, cảnh quan phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

Tổng số lượng mộ di dời khoảng 747 mộ; tổng kinh phí thực hiện tối đa không quá hai mươi mốt tỷ tám trăm bốn mươi lăm triệu đồng (21.845.010.000 đồng) từ nguồn vốn ngân sách thành phố (không có tái định cư).

Đối với mồ mả tại các khu dân cư trên địa bàn phường Nại Hiên Đông và Phường Thọ Quang sẽ xem xét di dời trong giai đoạn sau, khi thành phố cân đối được nguồn lực.

Đối với việc di dời mồ mả tại các vị trí số 3 thuộc phường An Hải Tây để mở rộng Trường Tiểu học Chi Lăng và vị trí số 11 thuộc phường Thọ Quang để mở rộng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, giao UBND quận Sơn Trà xem xét đề xuất vào các dự án đầu tư xây dựng mở rộng 02 trường nêu trên.

UBND thành phố giao UBND quận Sơn Trà căn cứ chủ trương của Công văn, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo đúng quy định; trong đó lưu ý thống nhất lại với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải về mục đích đầu tư xây dựng tại vị trí số 4 trên địa bàn phường An Hải Tây (bãi đỗ xe hay công viên, vườn dạo, thiết chế văn hóa).

Phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung

Ngày 22-6, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1672/QĐ-UBND về phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - thành phố Đà Nẵng; giai đoạn đầu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; Tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực; định hướng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung theo Quyết định số 1579/QĐTTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy mô đầu tư xây dựng dự án gồm: các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng (bao gồm cả gia cố nền móng cho đê chắn sóng, kè chắn sóng), luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu công-ten-nơ có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus.

Cụ thể: Kè chắn sóng và đê chắn sóng: Chiều dài khoảng 1.170m, trong đó: tuyến kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m; Luồng tàu và khu nước: Luồng tàu dài khoảng 7,3km, trong đó đoạn cần nạo vét (từ phao báo hiệu hàng hải P1, P2 đến tâm vũng quay trở tàu) dài khoảng 5km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải đã được Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất tại công văn số 1536/CHHVN-KHĐT ngày 20/5/2022;

Đường giao thông kết nối với cảng gồm 2 đoạn: Đoạn 1 nối từ cổng bến cảng khởi động đến chân cầu vượt đường sắt có chiều dài khoảng 1,2km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30m; Đoạn 2 nối tiếp từ đoạn 1 với đường Nguyễn Văn Cừ (QL1 cũ), chiều dài khoảng 0,6km, gồm 2 nhánh, mỗi nhánh quy mô 02 làn xe, bề rộng 8m;

Hạ tầng kỹ thuật khác: Hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.

Diện tích sử dụng đất xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, giao thông kết nối với cảng và các hạng mục công trình xây dựng khác khoảng 36,3ha (phần tạm giao để xây dựng chân kè bảo vệ đường giao thông kết nối với cảng và chân kè chắn sóng là 5,9ha). Diện tích sử dụng mặt nước cho luồng tàu và khu nước khoảng 168ha. Diện tích mặt nước tạm giao để tập kết sản phẩm nạo vét thay đất nền đoạn kè chắn sóng khoảng 6,6ha.

Dự án thuộc nhóm Công trình giao thông, dự án nhóm A với tổng mức đầu tư 3.426.328.000.000 đồng (Ba nghìn, bốn trăm hai mươi sáu tỷ, ba trăm hai mươi tám triệu đồng).

Ủy quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

Ngày 23-6, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1686/QĐ-UBND về Ủy quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo đó, ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ phê duyệt Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quy định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung được ủy quyền theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện các nội dung được ủy quyền.

Tổng hợp số liệu và báo cáo định kỳ đến UBND thành phố về thực hiện các nội dung được ủy quyền tại Quyết định này trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Thông báo rộng rãi các nội dung được ủy quyền tại Quyết định này đến các tổ chức, cá nhân để biết và liên hệ công tác.

Thời hạn ủy quyền kể từ ngày ký Quyết định đến hết ngày 30-6-2026. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có sự thay đổi quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý cho phù hợp.

CỔNG TTĐT TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác