PCI - cuộc đua không có điểm dừng
Ngày 4-6, UBND thành phố tổ chức Hội thảo "Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Đà Nẵng", dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Trần Thọ, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương.

 Quang cảnh Hội thảo

5 lần giữ vị trí quán quân PCI

Theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, nếu so sánh Đà Nẵng với một số tỉnh/thành khác trong vùng và cả nước thì Đà Nẵng không phải là địa phương có nhiều lợi thế, song hiệu quả hoạt động và những cơ chế, chính sách của thành phố đã tạo được sự hài lòng đối với nhà đầu tư. Điều này thể hiện rõ nét qua kết quả PCI được công bố trong vòng 10 năm qua, Đà Nẵng đã có 5 lần dẫn đầu cả nước và 3 lần xếp hạng 2. Tuy nhiên, kết quả rớt hạng PCI liên tiếp trong hai năm 2011 (xếp hạng 5/63) và 2012 (12/63) như là một “cảnh báo” hữu ích đối với chính quyền thành phố là cần phải có những cải cách, thay đổi, điều chỉnh kịp thời trong bối cảnh chung của cả nước khi doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Với quyết định chọn năm 2014 là “Năm doanh nghiệp” cùng với các hoạt động cụ thể như chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo làm tốt công tác cải các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, doanh nghiệp, Đà Nẵng đã quay trở lại vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI liên tiếp trong 2 năm 2013 và 2014. “Đây chính là minh chứng cho những nỗ lực đổi mới và sáng tạo trong điều hành của chính quyền thành phố”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói. Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, tuy là kết quả đáng vui mừng, song so sánh điểm số PCI của những năm gần đây với các năm 2005 – 2010 thì điểm của các chỉ số thành phần có chiều hướng giảm nhiều hơn là tăng. Điều này cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của chính quyền thành phố có phần nào giảm sút.

Đối với kết quả PCI năm 2014 của thành phố, tuy giữ vị thứ đầu tiên trong bảng xếp hạng nhưng 6/10 chỉ số thành phần của Đà Nẵng lại bị giảm điểm số. Đáng lưu ý là có 4 chỉ số đồng thời giảm điểm và thứ hạng là “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”, “Thiết chế pháp lý” và “Cạnh tranh bình đẳng” và 2 chỉ số giảm mạnh về thứ hạng gồm “Thiết chế pháp lý” và Cạnh tranh bình đẳng”, lần lượt giảm 7 bậc và 12 bậc. “Qua đó có thể thấy việc cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần và duy trì ổn định vị thế dẫn đầu quả là một thử thách đối với Đà Nẵng”, ông Thơ nói.

Sự cầu thị và nhất quán của các cơ quan chính quyền

Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, 5 lần dẫn đầu trong 10 lần xếp hạng PCI từ năm 2005 đến nay đã thể hiện rõ đẳng cấp của thành phố trong cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian qua. Ông cho hay, các doanh nghiệp được tiếp xúc đều nhận định điểm then chốt để Đà Nẵng đạt thứ hạng cao và sự tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp chính là sự cầu thị và tính nhất quán trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Đà Nẵng cũng nêu gương về sự nhất quán từ người đứng đầu đến những người thi hành công vụ đều có tinh thần và thái độ phục vụ doanh nghiệp đồng điệu với nhau. Đó chính là nguồn gốc để Đà Nẵng có thể liên tục dẫn đầu và tiên phong trong quá trình đổi mới. “Với tư cách dẫn đầu PCI của cả nước trong 10 năm qua, Đà Nẵng cần tiếp tục vai trò tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngang bằng với các nước tiên tiến trong ASEAN. Đồng thời, không chỉ dẫn đầu cả nước về PCI mà Đà Nẵng cần đặt mình trong cuộc đua với các thành phố dẫn đầu ASEAN về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Ban Pháp chế VCCI cho hay, kết quả xếp hạng PCI đã thể hiện cải cách môi trường kinh doanh hiện nay không diễn ra ở một số tỉnh/TP mà diễn ra ở tất cả các tỉnh/TP của Việt Nam. Một tín hiệu rất tích cực thông qua kết quả điều tra, khảo sát của VCCI được ông công bố tại Hội thảo cho biết 416/8.000 (11,3%) doanh nghiệp trong nước được khảo sát cho hay họ sẽ chọn Đà Nẵng để mở rộng địa điểm đầu tư kinh doanh, và Đà Nẵng xếp vị trí thứ 2 trong top 10 của bảng xếp hạng này. Giải thích lý do cho sự lựa chọn này, 50% số doanh nghiệp cho biết họ chọn Đà Nẵng vì có chất lượng điều hành tốt. Ông nhận định, nếu so sánh cả nước thì chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh thân thiện, năng động của Đà Nẵng gần như đã trở thành thương hiệu, do vậy ông khuyến nghị thành phố nên phát huy và cố gắng gìn giữ ưu thế này. Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, để duy trì vị trí dẫn đầu PCI, Đà Nẵng cần lưu ý một số điểm bao gồm tiếp cận đất đai vẫn còn nhiều trở ngại; chi phí không chính thức có xu hướng gia tăng; nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà như thuế, BHXH, quản lý đất đai; thanh tra kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều và chồng chéo; đào tạo lao động tuy dẫn đầu nhưng chất lượng đào tạo lao động đang có xu hướng giảm sút; tiếp cận vốn chưa thuận lợi; và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn thấp.

Phải tiếp tục bức phá đi lên

8 tập thể được UBND thành phố trao tặng Bằng khen vì đã có đóng góp trong việc giữ vững vị trí dẫn đầu PCI của Đà Nẵng trong năm 2014

Đồng tình với những nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Bí thư Thành uỷ Trần Thọ nhấn mạnh, 5 lần dẫn đầu và 3 lần đứng nhì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh qua 10 năm của Đà Nẵng là kết quả tự hào, song cũng đặt ra thách thức rất lớn đối với lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân thành phố vì PCI là cuộc đua không có điểm dừng giữa các địa phương. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2014, Đà Nẵng chỉ mới dẫn đầu một chỉ số, 9 chỉ số còn lại thì thua hoặc có cách biệt không đáng kể so với các tỉnh/thành khác. Đà Nẵng dẫn đầu cả nước do làm tốt hơn các địa phương bạn, chứ chưa thể khẳng định Đà Nẵng là thành phố có môi trường kinh doanh tốt nhất. Dẫn chứng cụ thể hơn, ông đặt câu hỏi “tuy dẫn đầu PCI trong nhiều năm liên tục, tại sao doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn tại Đà Nẵng vẫn không nhiều?”. Một số địa phương bạn tuy không nằm trong top đầu nhưng rất nhiều doanh nghiệp lớn lại đến đầu tư làm ăn và kinh tế phát triển rất mạnh, chứng tỏ Đà Nẵng “tuy đất đã lành nhưng chim chưa đậu nhiều”. “Nếu Đà Nẵng vẫn tiếp tục bằng lòng, thỏa mãn, đắc chí, không tiếp tục bứt phá đi lên, không chăm lo và hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp thì nguy cơ bị soán ngôi chắc chắn có thể xảy ra”, ông Thọ nói. 

Để xứng đáng với niềm tin và sự đánh giá của doanh nghiệp dành cho Đà Nẵng, ông yêu cầu thành phố phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chương trình “Năm doanh nghiệp”, theo đó lấy kết quả “Năm doanh nghiệp 2014” làm tiền đề để năm nay, năm sau và những năm sau nữa tiếp tục triển khai, đồng thời triển khai hiệu quả Đề phát triển doanh nghiệp TP từ nay đến năm 2020. Bổ sung, hoàn thiện các thể chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của thành phố để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, sử dụng các nguồn lực của địa phương trong đó có bao gồm ngân sách của thành phố để giải quyết các vướng mắc ban đầu cho doanh nghiệp có khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có thủ tục hành chính, tận trung vào các lĩnh vực hay gây phiền hà cho doanh nghiệp như xây dựng, TN-MT, thuế, quản lý thị trường và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, lãnh đạo thành phố xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp thông qua tiếp xúc, đối thoại định kỳ, hằng tháng, hằng quý, không chỉ với các doanh nghiệp lớn mà còn có các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

QUỲNH ĐAN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác