Sáng 24-3, Công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố đồng loạt tiến hành kiểm tra hành chính các điểm giao dịch thuộc Công ty Cổ phần kinh doanh F88 để làm rõ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động cầm cố, cho vay.
Ngày 24-3, công an quận Sơn Trà kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh thuộc Công ty cổ phần kinh doanh F88 tại 56 đường Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà và 443 đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà.
Tại cơ sở kinh doanh F88, số 443, đường Ngô Quyền, lực lượng chức năng đã kiểm tra, tạm giữ 307 bộ hồ sơ cho vay với số tiền hơn 500 triệu đồng. Cơ sở này đi vào hoạt động từ ngày 25/6/2022. Tại cơ sở kinh doanh F88 trên đường Nguyễn Phan Vinh, được biết, cơ sở này bắt đầu hoạt động từ 20/2/2023. Lực lượng chức năng thu giữ 20 bộ hồ sơ cho vay với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Tại một số địa điểm của cơ sở kinh doanh F88 khác nằm tại quận Hải Châu và Thanh Khê, lực lượng chức năng phát hiện một số trường hợp vay mượn đều trả phí bảo quản hồ sơ cao gấp nhiều lần mức lãi suất quy định. Tại điểm giao dịch số 217 Lê Đình Lý (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu),lực lượng Công an phối hợp đề nghị nhân viên phụ trách điểm giao dịch hợp tác, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động cầm cố, cho vay. Kiểm tra sơ bộ các hồ sơ cho thấy, ngoài việc tính lãi suất các khoản vay, các trường hợp vay mượn đều phải trả “phí bảo quản hồ sơ” cao gấp nhiều lần mức lãi suất theo quy định.
Tương tự, tại điểm kinh doanh F88 tại số 468 Lê Duẩn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ hàng trăm hồ sơ cho vay để rà soát, kiểm tra. Tổ công tác cũng yêu cầu quản lý điểm kinh doanh có mặt để làm việc.
Theo thông tin ban đầu, Công ty F88 đứng ra làm trung gian giới thiệu khách hàng vay vốn của ngân hàng MICB (có trụ sở tại Hà Nội) với lãi suất 1,417%/tháng (17%/năm) theo dư nợ giảm dần. Tuy nhiên, ngoài khoản lãi vay nói trên, người vay phải trả cho F88 “phí quản lý hồ sơ" lên đến 48,8%/năm, nếu tất toán khoản vay trước thời hạn 6 tháng sẽ bị phạt 4,3% số dư nợ còn lại. Ngoài ra, các nhân viên còn “tư vấn”, đề nghị người vay mua bảo hiểm tiền vay.
Theo trình bày của nhân viên, hầu như toàn bộ các khách hàng đến vay tiền sử dụng tài sản thế chấp là ô tô hoặc xe máy. Tuy nhiên, bên cho vay chỉ giữ giấy đăng ký, phương tiện vẫn để cho người vay sử dụng. Hàng tháng, người vay có thể trả khoản vay trực tiếp, hoặc chuyển khoản. Có rất nhiều trường hợp không trả nợ gốc và lãi đúng hạn, thậm chí bỏ luôn giấy tờ xe và cắt liên lạc. Việc gọi điện đòi nợ sẽ do tổ đòi nợ của công ty thực hiện.
Thời gian qua, Công an Đà Nẵng luôn quyết liệt trong công tác phòng ngừa và đấu tranh trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm cho vay lãi nặng và các vi phạm trong hoạt động tín dụng, cầm cố thế chấp. Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Sơn Trà, việc kiểm tra các điểm kinh doanh của F88 sẽ tập trung vào một số nội dung liên quan như giấy phép kinh doanh; việc chấp hành các điều kiện về ANTT theo quy định, tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của các điểm kinh doanh của F88 trên địa bàn… nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để kịp thời hướng dẫn; nếu phát hiện những hành vi vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
NGŨ HÀNH