Hội thảo về giảm thiểu rủi ro ngập lụt do quá trình đô thị hóa
Chiều 30-10, Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với Biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Giảm thiểu rủi ro khí hậu từ phát triển vùng ven đô thị" nhằm báo cáo, trao đổi kết quả nghiên cứu liên quan tình trạng gia tăng ngập lụt tại các vùng ven đô thị Đà Nẵng và phân tích các nguyên nhân liên quan đến việc gia tăng ngập lụt trong quá trình phát triển đô thị.

Theo TS. Trần Văn Giải Phóng – ISET Việt Nam, các nguyên nhân trực tiếp gây gia tăng úng ngập đô thị là do quá trình san nền, phát triển đô thị ở vùng thoát lũ, vùng trữ nước; hạ tầng thoát nước đầu tư không theo kịp với tốc độ đô thị hoá, điều kiện kỹ thuật không đảm bảo; hệ thống giao thông ngăn cản hướng thoát lũ. Bên cạnh đó do tác động của BĐKH, lượng mưa tăng, thuỷ triều gia tăng, sụt lún đất.

Ngoài ra, các nguyên nhân do quy hoạch quản lý đô thị cũng góp phần đáng kể trong việc gia tăng tình trạng ngập lụt. Đó là việc không ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục công  trình hạ tầng thoát nước lũ quan trọng; thiếu thực thi các quy hoạch không gian và quy định về xây dựng; cơ chế đầu tư và phát triển đô thị hiện nay chưa hiệu quả trong việc khuyến khích nhà đầu tư chú trọng việc giảm rủi ro ngập lụt…Báo cáo giảm thiểu rủi ro khí hậu từ phát triển vùng ven đô ở các thành phố Việt Nam do ISET – Việt Nam thực hiện đặc biệt nhấn mạnh, tác động của BĐKH đến ngập lụt nhỏ hơn nhiều so với tác động do phát triển đô thị.

Đà Nẵng là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh, năm 2013 có 770 khu dân cư; đến năm 2015 có 840 khu dân cư trong đó 770 khu mới; và dự kiến năm 2020 sẽ có khoảng 934 khu dân cư. Quá trình đô thị hoá nhanh nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân gia tăng tác động ngập lụt. Nguyên nhân chính được nhận định là do việc san lấp trong vùng thoát lũ (Hoà Xuân, Hoà Quý) đã cản trở việc thoát nước, làm thay đổi hình thái ngập lụt, gia tăng đáng kể mức lũ ở các xã thấp trũng lân cận; đường giao thông mới, cụ thể là ADB5 làm chắn dòng chảy lũ ở khu vực; đồng thời sự gia tăng cao trình của từng công trình trong khu vực quốc lộ 1A, DT605, san nền ở các khu đô thị liền kề và xây dựng mới một số công trình ở những vùng trũng thấp.

Để có các định hướng thích ứng cho thành phố, ISET - Việt Nam cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể cần làm ngay như xây các nhà chống lũ an toàn; nâng cao cốt nền và sàn nhà; xây dựng hành lang thoát lũ; kiểm soát sử dụng đất đồng thời xây dựng các trạm quan trắc phía thượng lưu phục vụ việc dự báo. Song song cũng có những đề xuất cho dài hạn như thành phố cần có đường thoát lũ dự phòng hay nắn chuyển hướng dòng chảy.

HIỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác