Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2018
Đăng ngày 08-01-2018 10:28, Lượt xem: 326

Sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất; Vi phạm hành chính về xây dựng phạt đến 1 tỷ đồng; Nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng; Phạt tù đến 7 năm đối với chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH; Xe dưới chuẩn khí thải Euro 4 không được đăng kiểm; Phạt người ngồi sau ô tô không thắt dây an toàn là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2018.

Sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, trong trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hưởng cả miễn và giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định này hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được giảm tiền sử dụng đất nhưng có nhiều mức giảm khác nhau thì được hưởng mức giảm cao nhất.

Các dự án đang hoạt động và đang được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất cao hơn quy định của Nghị định này thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi đó cho thời gian còn lại. Trường hợp mức ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất thấp hơn quy định thì được hưởng theo quy định tại Nghị định này của thời hạn ưu đãi còn lại.

Việc giảm tiền sử dụng đất theo Luật Đầu tư được thực hiện như sau:

- Giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước trong các trường hợp: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Giảm 30% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước trong các trường hợp: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư không thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc không thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Giảm 20% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước trong các trường hợp: Dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tự không thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc không thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Vi phạm hành chính về xây dựng phạt đến 1 tỷ đồng

Có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực  khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Nghị định số 127/2017/NĐ-CP quy định, chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; niêm phong, mở niêm phong vật chứng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng. 

Nghị định quy định mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp: Vật chứng là động vật, thực vật sống; vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.

Người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên; Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án.

Người tham gia niêm phong vật chứng gồm: Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng; Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); Người bào chữa (nếu có).

Người tham gia mở niêm phong vật chứng gồm: Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); Người bào chữa (nếu xét thấy cần thiết); Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng (trong trường hợp cần thiết); Đại diện cơ quan quản lý vật chứng được niêm phong trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên môn.

Chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể ở tù đến 7 năm

Từ ngày 01/01/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; Phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền tư 200 đến 500 triệu hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm; Tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm. 

Theo quy định, từ ngày 01/01/2018 người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Xe dưới chuẩn khí thải Euro 4 không được đăng kiểm

Từ 01/01/2018, cơ quan chức năng sẽ không làm thủ tục đăng kiểm cho xe không áp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc dừng đăng kiểm ô tô dưới chuẩn khí thải Euro 4 là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 436 ngày 28/3/2017 và của Bộ GTVT về thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, xe gắn máy.

Để thực hiện theo lộ trình và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp bằng văn bản về việc chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo tuân thủ đúng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, xe máy. Hiện tại, theo kết quả rà soát, có khoảng gần 50 doanh nghiệp có thông báo về kế hoạch sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô sử dụng nhiên liệu Diesel thuộc diện phải tuân thủ lộ trình trên.

Theo lộ trình, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, tất cả các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 mới được kiểm định và cấp chứng nhận lưu thông. Trường hợp ô tô sử dụng nhiên liệu Diesel thì các doanh nghiệp phải có kế hoạch nhập khẩu, sản xuất đảm bảo việc hoàn thành các thủ tục đăng kiểm, hải quan và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017, bằng không sẽ phải tải xuất hoặc xuất khẩu phương tiện.

Ôtô hết niên hạn bị thu hồi

Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, các loại ôtô, xe máy hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi vào tháng 1/2018. 

Nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp đã bán ra thị trường Việt Nam, và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Các nhà sản xuất có thể liên kết để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ cùng loại.

Người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi và được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất...

Quy định hiện hành nêu xe ôtô chở hàng có niên hạn không quá 25 năm; không quá 20 năm đối với ôtô chở người; không quá 17 năm đối với xe ôtô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ôtô chở người. Xe môtô, gắn máy hiện chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng.

Quy định trên được dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng xe ôtô tham gia giao thông trên đường bộ, trừ: Xe ôtô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái); xe ôtô chuyên dùng (xe ôtô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt), rơ moóc, sơ mi rơ moóc.

Phạt người ngồi sau ô tô không thắt dây an toàn

Từ ngày 1/1/2018, quy định Phạt người ngồi sau ô tô không thắt dây an toàn theo  Nghị định số 46/2016/NĐ-CP  chính thức có hiệu lực. 
Cụ thể, tại điều 5, khoản 1 điểm (k) và điểm (l) quy định mức xử phạt 100.000 - 200.000 đồng với người điều khiển, người được chở trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.

Trước đó, vào tháng 8/2016, chỉ mới áp dụng mức xử phạt đối với người lái và người ngồi cạnh lái xe. 
 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác