Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2018
Đăng ngày 08-05-2018 02:45, Lượt xem: 219

Giảm 20% giá cước kết nối giữa các mạng di động; Quy định chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2018.

Giảm 20% giá cước kết nối giữa các mạng di động 

Theo quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1/5/2018, cước kết nối cuộc gọi giữa 2 mạng di động sẽ dao động từ 400 - 440 đồng/phút, thay cho mức từ 500 – 550 đồng/phút như hiện nay, tức là giảm khoảng 20%.

Theo đó, trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút. Theo quy định hiện hành, giá cước kết nối cuộc gọi của 2 mạng di động được quy định dao động từ 500 - 550 đồng/phút.

Về giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động, Thông tư số 48/2018/TT-BTTTT quy định, mạng nội hạt khởi phát cuộc gọi thoại trả mạng di động kết cuối cuộc gọi giá cước kết nối là 320 đồng/phút.

Các mức giá cước kết nối cuộc gọi được nêu trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Thông tư  số 48/2018/TT-BTTTT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kết nối cuộc gọi thoại của mạng di động và mạng nội hạt phải thực hiện công khai thông tin về giá, niêm yết giá theo đúng quy định tại Luật Viễn thông, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Thông tư  số 48/2018/TT-BTTTT thay thế cho Thông tư số 29/2009/TT-BTTTT ngày 19/11/2009 của Bộ TT&TT về việc ban hành cước kết nối cuộc gọi từ mạng viễn thông cố định mặt đất nội hạt đến mạng thông tin di động mặt đất và Thông tư số 33/2009/TT-BTTTT ngày 19/11/2009 về việc ban hành cước kết nối cuộc gọi giữa 2 mạng thông tin di động mặt đất.

Quy định chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Cụ thể, khi trực tiếp nhận chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài (không hiện diện tại Việt Nam), cơ sở in thực hiện theo quy định sau đây:

 - Người đứng đầu cơ sở in phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của sản phẩm in.

- Chỉ nhận chế bản, in, gia công sau in loại sản phẩm in ghi trong giấy phép hoạt động in hoặc nội dung đã được xác nhận đăng ký hoạt động in.

- Có hợp đồng với tổ chức, cá nhân đặt chế bản, in, gia công sau in. Trong hợp đồng phải thể hiện thông tin về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nước ngoài có sản phẩm đặt chế bản, in, gia công sau in; thông tin về tên, loại sản phẩm in, số lượng in, địa điểm sản xuất, thời gian xuất khẩu, tên cửa khẩu xuất khẩu, quốc gia nhập khẩu sản phẩm in và các thông tin khác có liên quan.

- Cập nhật thông tin của sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in vào “Sổ quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in”.

- Trường hợp nhận chế bản, in, gia công sau in sản phẩm là báo, tạp chí, tờ rời, tờ gấp và các sản phẩm in khác có nội dung về chính trị, lịch sử, địa lý, tôn giáo, địa giới hành chính Việt Nam, chủ quyền quốc gia, cơ sở in phải có văn bản khai báo đầy đủ, chính xác thông tin về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt chế bản, in, gia công sau in; thông tin về tên, loại sản phẩm in, số lượng in, địa điểm sản xuất, cửa khẩu xuất khẩu sản phẩm in. Văn bản khai báo gửi qua dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in cấp tỉnh nơi cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in chậm nhất 01 ngày sau khi có hợp đồng quy định tại điểm c khoản này; 

- Xuất khẩu 100% sản phẩm in ra nước ngoài.

Khi nhận chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài (không hiện diện tại Việt Nam) thông qua tổ chức, cá nhân trung gian tại Việt Nam, cơ sở in thực hiện theo quy định: Tuân thủ quy định nêu trên; yêu cầu tổ chức, cá nhân trung gian đặt chế bản, in, gia công sau in cung cấp hồ sơ hải quan thể hiện việc xuất khẩu 100% số lượng sản phẩm in để lưu giữ tại cơ sở in trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày xuất khẩu.

Việc nhận chế bản, in, gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định tại Nghị định này như đối với  tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân có hợp đồng in với cơ sở in chịu trách nhiệm về bản quyền của sản phẩm đặt in.

Trường hợp có nhu cầu phát hành hoặc sử dụng sản phẩm in tại Việt Nam, cơ sở in hoặc tổ chức, cá nhân đặt chế bản, in, gia công sau in phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp gồm:

- Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8m2/người; có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

- Người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định.

- Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định.

- Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định trong đó có nội dung, cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định điều kiện đối với người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của tổ chức kiểm định gồm:

- Là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu của tổ chức kiểm định là đơn vị sự nghiệp; tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc của tổ chức kiểm định là doanh nghiệp.

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có án tích, có phiếu lý lịch tư pháp theo quy định đối với công dân Việt Nam, có giấy tờ chứng minh không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài đối với công dân nước ngoài.

- Có thẻ kiểm định viên còn thời hạn sử dụng.

Nghị định số 49/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2018.

Doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

Đó là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được ban hành ngày 08/03/2018.

Cụ thể, Điểm b khoản 1 Điều 21 trong Nghị định quy định rõ, Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản),

Đồng thời, DNNN không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo luật đất đai quy định, khi chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác liên quan đến sử dụng đất, DNNN có trách nhiệm rà soát hồ sơ bàn giao doanh nghiệp từ DNNN sang doanh nghiệp khác (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) theo đúng quy định (trong đó có báo cáo về sử dụng đất của doanh nghiệp) và thực tế sử dụng đất của doanh nghiệp khác có vốn góp của DNNN làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất khi tính vào giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.

Việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN phải gắn với phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn đầu tư ra ngoài của DNNN ở mức cao nhất.

Về việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn, nghị định nêu rõ, DNNN lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hằng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 32/2018/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018. 
 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác