Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2018
Đăng ngày 07-06-2018 03:55, Lượt xem: 224

Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo; Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; Không sử dụng tên thuốc mang tính chất quảng cáo; Công bố Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ; Tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2018.

Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Theo đó, 7 hoạt động ngành nghề nông thôn bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Nghị định số 52/2018/NĐ-CP nêu rõ, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Nhà nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hoá, bảo hộ sở hữu thương hiệu; Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

Cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quy định tại khoản 2 Điều này được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở ngành nghề nông thôn các nội dung quy định. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở; chi 100% chi phí: Thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ, đi lại đối với nội dung quy định.

Cũng theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Ưu tiên hỗ trợ làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống...

Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ gồm: Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm; Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ gồm:  Rủi ro thiên tai: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ...;  Rủi ro dịch bệnh gồm: Dịch bệnh động vật; Dịch bệnh động vật thủy sản;  Dịch hại thực vật: Sinh vật gây hại thực vật có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây hại nghiêm trọng đối với thực vật theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Nghị định số 58/2018/NĐ-CP nêu rõ dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Thông tư số 03/2018/TT-BXD quy định với công trình thi công sai phép, hoặc không có Giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính...  Ngoài ra, cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư xây dựng công trình sai phép bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Nếu chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Khi bị cưỡng chế, phá dỡ, chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan.

Cũng theo Thông tư số 03/2018/TT-BXD, công trình thi công sai phép hoặc không có giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, người vi phạm phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt.

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, thay vì phải tháo dỡ nếu đáp ứng đủ 06 điều kiện: Vi phạm xảy ra từ 04/01/2008 và kết thúc trước ngày 15/01/2018 nhưng sau ngày 15/01/2018 mới bị phát hiện hoặc bị phát hiện trước ngày 15/01/2018 và đã có biên bản xử phạt;  Không vi phạm chỉ giới xây dựng; Không ảnh hưởng các công trình lân cận; Không có tranh chấp;  Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;  Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.

Thông tư số 03/2018/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 12/6.

Không sử dụng tên thuốc  mang tính chất quảng cáo

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/06/2018, Bộ Y tế quy định một loạt nguyên tắc đặt tên thuốc.

Theo đó, tên thuốc không được có tính chất quảng cáo; Không gây hiểu lầm về thành phần, xuất xứ của thuốc; Không gây hiểu lầm hoặc mô tả quá mức về tác dụng, hiệu quả, chỉ định của thuốc; Không trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành của cơ sở đăng ký khác; Không được đặt tên thuốc giống nhau nếu thuốc có thành phần hoạt chất khác nhau…

Thông tư số 01/2018/TT-BYT cũng quy định, tên thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc và phải có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc…

Công bố Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BYT quy định về Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

Theo đó, thuốc hạn chế bán lẻ là thuốc có yêu cầu giám sát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn và sử dụng để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng thuốc trong điều trị mà việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc hoặc không đáp ứng khi sử dụng thuốc đó hoặc thuốc khác.

Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ bao gồm một số loại thuốc điều trị lao như: Streptomycin; Kanamycin; Amikacin; thuốc điều trị HIV như: Nevirapine; Ritonavir đơn thành phần hoặc phối hợp với Lopinavir…

Căn cứ vào bệnh tật của địa phương, Sở Y tế có văn bản cho phép bán lẻ một số thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ;
Thông tư số 07/2018/TT-BYT  có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển để sản xuất sản phẩm nông nghiệp; Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này phải có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp…; Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 5/6/2018.

Cơ sở bán dược liệu phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT của Bộ Y tế yêu cầu cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để bảo đảm nhận diện, truy tìm sản phẩm tại các công đoạn của quá trình nuôi trồng, thu hái…

Đồng thời, các cơ sở nêu trên cũng phải tiến hành thẩm định, đánh giá phương pháp kiểm nghiệm ghi trong tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền do cơ sở sản xuất công bố áp dụng tại phòng kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Thông tư số 13/2018/TT-BYT  có hiệu lực từ ngày 30/06/2018.

KHÁNH VÂN


 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác