Chính sách mới về lao động có hiệu lực từ tháng 6/2018
Đăng ngày 07-06-2018 03:56, Lượt xem: 251

Công khai danh sách người hành nghề dược; Cấm cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu; Quy chế xét thăng hạng giảng viên đại học công lập; Những trường hợp được coi là phạm tội lần đầu; Ngành Tòa án không xét khen thưởng với người bị kỷ luật từ cảnh cáo; Thủ tục công nhận nghề truyền thống... là những chính sách mới về lao động có hiệu lực từ tháng 6/2018.

Công khai danh sách người hành nghề dược

Có hiệu lực từ 1/6, Thông tư số 07/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định các cơ sở kinh doanh dược phải thông báo danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược, Sở Y tế có trách nhiệm công khai trên Trang Thông tin điện tử của Sở Y tế theo quy định.

Cấm cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu

Có hiệu lực từ ngày 21/6, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. 

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định rõ: cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại cơ quan có thẩm quyền không được thực hiện các hành vi cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định cũng nghiêm cấm cán bộ từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở...

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các cách thức theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính gồm: Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; Thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật;  Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Đối với hồ sơ được nhận theo cách thức 1,2 ở trên thì cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa phải xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ; quét (scan) và lưu trữ hồ sơ điện tử, cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương. Nếu hồ sơ đầy đủ, chính xác theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ và lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

Đối với hồ sơ được nộp trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa phải xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ. Nếu hồ sơ của tổ chức, cá nhân đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa tiếp nhận và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy trình quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Mỗi hồ sơ thủ tục hành chính sau khi được tiếp nhận sẽ được cấp một Mã số hồ sơ được ghi trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Tổ chức, cá nhân sử dụng Mã số hồ sơ để tra cứu tình trạng giải quyết thủ tục hành chính tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định trên, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Quy chế xét thăng hạng giảng viên đại học công lập

Quy trình xét thăng hạng viên chức giảng dạy tại đại học công lập bao gồm: Chuẩn bị xét thăng hạng, tổ chức xét hồ sơ thăng hạng và tổ chức xét thăng hạng. Trường hợp phúc khảo kết quả, viên chức gửi đơn phúc khảo đến Hội đồng trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết quả được công bố và gửi đến ứng viên. Chỉ xem xét, giải quyết việc phúc khảo đối với đơn đề nghị phúc khảo được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xét thăng hạng trong thời hạn nêu trên.

Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng có trách nhiệm tổ chức phúc khảo trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn đề nghị phúc khảo; Trường hợp kết quả phúc khảo có sự chênh lệch 10% so với điểm lần đầu, Chủ tịch Hội đồng tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cán bộ thẩm định và cán bộ phúc khảo để xem xét, quyết định kết quả.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BGDĐT về ban hành quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạt trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/6/2018.

Việc ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BGDĐT giúp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm công lập tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và các Trường Cao đẳng sư phạm. Đồng thời,  góp phần hoàn thiện các chính sách nền tảng cho đội ngũ nhà giáo, tạo khung pháp lý để nâng hạng cho giảng viên phù hợp với thực tiễn ở các cơ sở đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như việc thực hiện chính sách cho ngũ nhà giáo.

Thủ tục công nhận nghề truyền thống

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.

Theo đó, hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống bao gồm các giấy tờ sau: Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống; Bản sao giấy chứng nhận, huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có).

Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống;  Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân nghề truyền thống của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

Theo quy định, UBND cấp huyện lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống theo tiêu chí và trình UBND cấp tỉnh xét công nhận. Trong vòng 30 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn và ra quyết định và cấp bằng công nhận nghề truyền thống.

Những trường hợp được coi là phạm tội lần đầu

Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định những trường hợp được coi là phạm tội lần đầu bao gồm:

- Trước đó chưa phạm tội lần nào;

- Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

- Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

- Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

Phạm tội lần đầu là một trong những điều kiện tha tù trước thời hạn, bên cạnh các điều kiện khác như: Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; Có nơi cư trú rõ ràng…

Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 09/06/2018.

Ngành Tòa án không xét khen thưởng với người bị kỷ luật từ cảnh cáo

Có hiệu lực từ ngày 08/06/2018, Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân Tối cao. 

Theo Thông tư này, không xét khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc đang bị khởi tố hình sự. Các tập thể có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách vẫn có thể được xét đề nghị khen thưởng, nhưng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể đó phải thấp hơn một bậc so với tập thể khác cùng thành tích.

Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung. Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của một hình thức khen thưởng thì ưu tiên khen thưởng cá nhân nữ, tập thể có tỷ lệ nữ cao hơn.

Cũng theo Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC, bổ sung một khoản tiền thưởng là tiền khung dành cho những cá nhân, tập thể làm việc trong ngành Tòa án, cụ thể:

- Mức tiền thưởng không quá 0,2 lần mức lương cơ sở đối với 01 khung bằng khen, giấy chứng nhận dành cho các giải thưởng cá nhân;

- Riêng với các giải thưởng tập thể thì mức tiền khung không quá 0,15 lần mức lương cơ sở.

Ngoài ra, các mức tiền thưởng và chế độ ưu đãi khác sẽ được tính theo quy định tại các điều từ 68 đến điều 75 của Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017.

MINH ANH
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác