Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2019
Đăng ngày 02-02-2019 14:32, Lượt xem: 134

Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng BHXH 2019; Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới; Bộ trưởng được đi xe công giá tối đa 1,1 tỷ đồng; Ban hành danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; 5 điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2019.

Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng BHXH 2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng BHXH năm 2019.

Theo đó, đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 35, tiền lương tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh theo công thức:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Trường hợp thuộc thuộc Khoản 2 Điều 1 Thông tư 35, thu nhập tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh theo công thức:

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH của từng năm được quy định chi tiết tại Bảng 1 như sau:

Thông tư  số 35/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành ngày 15/1/2019, các quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2019.

Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Đáng chú ý, có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học, điển hình như:

- Cấp tiểu học: Có môn học mới là Tin học và Công nghệ, bên cạnh các môn học trước đây như: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…

- Cấp trung học cơ sở: Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới.

- Cấp trung học phổ thông: Học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.

Bộ trưởng được đi xe công giá tối đa 1,1 tỷ đồng

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan Nhà nước.

Theo đó, Nghị định số 04/2019/NĐ-CP nêu rõ:

- Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 01 ô tô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá;

- Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng 01 xe ô tô có giá tối đa 1,1 tỷ đồng trong thời gian công tác;

- Thứ trưởng, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.

Trường hợp người tiền nhiệm nghỉ, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ, ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thanh lý, thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới.

Nghị định số 04/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2019. 

Ban hành danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Theo đó, 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 bao gồm:

- Gạo; Cà phê; Cao su; Điều; Hồ tiêu;

- Chè; Rau, quả; Sắn và sản phẩm từ sắn;

- Thịt lợn; Thịt và trứng gia cầm;

- Cá tra; Tôm; Gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 8/2/2019.

5 điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Theo đó, việc chuyển đổi từ chứng từ điện tử (CTĐT) sang chứng từ giấy phải đáp ứng đủ 05 điều kiện (so với quy định hiện hành chỉ yêu cầu đáp ứng 03 điều kiện) thì mới được chuyển đổi:

- Phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung của CTĐT;

- Có thông tin thể hiện CTĐT đã được xử lý trên hệ thống thông tin và tên của hệ thống thông tin hoặc tên của chủ quản hệ thống thông tin;

- Có mã định danh của CTĐT để phục vụ việc tra cứu, xác minh thông tin hoặc có họ tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi;

- Tra cứu được tại bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hệ thống thông tin hoạt động bình thường;…

Nghị định số 165/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2019.

 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác