Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2019
Đăng ngày 10-11-2019 23:58, Lượt xem: 485

Nâng mức vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quy định mới về tổ hợp tác; Áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực nộp thuế; Áp dụng biểu phí mới khi thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước, Tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2019.

Nâng mức vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại  Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng;  thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Theo mức cũ tại Nghị định 61/2015/NĐ - CP,  đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh  quy định mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

Về điều kiện bảo đảm tiền vay, Nghị định số 74/2019/NĐ - CP quy định đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Về lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động (tại khoản 1 Điều 12 Luật Việc làm), Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi theo hướng tăng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 8/11/2019.

Quy định mới về tổ hợp tác

Có hiệu lực từ ngày 25/11/2019, Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ  quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác.

Theo đó, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 2 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Tổ hợp tác tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: trên cơ sở hợp đồng hợp tác; Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác; Thành viên tổ hợp tác có quyền dân chủ, bình đẳng trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, quyết định theo đa số trừ trường hợp hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật có liên quan quy định khác;  Cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Cũng theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, để trở thành thành viên của tổ hợp tác, phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Cá nhân là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định từ Điều 16 đến Điều 24 Bộ luật dân sự, quy định của Bộ luật lao động và pháp luật khác có liên quan;

- Tổ chức là pháp nhân Việt Nam, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có năng lực pháp luật phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của tổ hợp tác;

- Tự nguyện gia nhập và chấp thuận nội dung hợp đồng hợp tác;

- Cam kết đóng góp tài sản, công sức theo quy định của hợp đồng hợp tác;

- Điều kiện khác theo quy định của hợp đồng hợp tác.

Thông tư 18/2019/TT-BCT của Bộ Công thương về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường có hiệu lực thi hành từ 15/11/2019.

Hướng dẫn về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

Có hiệu lực từ ngày 14/11/2019, Thông tư  số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện bao gồm: nội dung hóa đơn điện tử, thời điểm lập hóa đơn điện tử, định dạng hóa đơn điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, quản lý sử dụng hóa đơn điện tử, xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.

Theo đó, đối với tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục công lập, cơ sở y tế công lập) đã sử dụng Phiếu thu tiền thì tiếp tục sử dụng Phiếu thu tiền đã sử dụng. Trường hợp cơ quan thuế thông báo chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nếu tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục công lập, cơ sở y tế công lập) chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng Hóa đơn kiêm Phiếu thu tiền hóa đơn theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dùng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”. Người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập (theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính) có sai sót, sau đó người bán gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

Áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực nộp thuế

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Cụ thể, Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi là quy định về thời gian nộp hồ sơ, nộp thuế điện tử. Theo đó, người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.

Thời điểm xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử là căn cứ để cơ quan thuế tính thời gian nộp hồ sơ thuế và xử lý hành vi chậm nộp hoặc không nộp hồ sơ thuế; hoặc để tính thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định:

+ Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

+ Đối với hồ sơ khai thuế điện tử: là ngày ghi trên thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

+ Đối với chứng từ nộp thuế điện tử: là ngày ghi trên thông báo tiếp nhận chứng từ nộp thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

+ Đối với hồ sơ hoàn thuế điện tử: là ngày ghi trên thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

Thông tư số 110/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/11/2019.

Áp dụng biểu phí mới khi thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước

Từ  01/11/2019,  sẽ áp dụng một số biểu phí mới khi thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 33/2018/TT-NHNN.

Cụ thể phí giao dịch thanh toán từng lần qua tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước như sau:

- Khi thanh toán bằng VNĐ, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ đơn vị chuyển (trả) tiền sẽ áp dụng mức phí là 0,02% số tiền thanh toán (tối thiểu 10.000 đồng/món; tối đa 100.000 đồng/món)

- Khi thanh toán bằng USD, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ đơn vị chuyển (trả) tiền sẽ áp dụng mức phí là 0,02% số tiền thanh toán (tối thiểu 0,2 USD/món, tối đa 5 USD/món)

- Khi thanh toán bằng EUR, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ đơn vị chuyển (trả) tiền sẽ áp dụng mức phí là 0,02% số tiền thanh toán (tối thiểu 0,2 eur/món, tối đa 5 eur/món)

Tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam thì tổ chức nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

– Được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đóng trụ sở chính.

– Đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;

– Không vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nơi tổ chức đóng trụ sở chính trong thời hạn 3 năm liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

– Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

Nghị định số 80/2019/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019.

KHÁNH VÂN

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác