Chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 11/2019
Đăng ngày 10-11-2019 23:58, Lượt xem: 472

Quy định nghiêm trong hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường; Thu, nộp, xử lý CMND 9 số còn rõ nét khi chuyển sang thẻ CCCD; Từ ngày 18/11/2019, thay thế 05 biểu mẫu sử dụng trong cấp, quản lý thẻ CCCD; Tư vấn bảo hiểm phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm; Người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng từ Quỹ việc làm…. là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 11/2019.

Quy định nghiêm trong hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 18/2019/TT-BCT về hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường.

Theo đó, từ ngày 15/11, khi được cấp có thẩm quyền giao thực hiện hoạt động công vụ, công chức có trách nhiệm mặc trang phục, đeo biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu theo đúng quy định; phải thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao hoặc phân công; ghi sổ nhật ký trước khi thực hiện nhiệm vụ và sau khi có kết quả thực hiện...

Thông tư số 18/2019/TT-BCT cũng quy định rõ, cán bộ quản lý thị trường không được có hành vi, cử chỉ, thái độ không đúng mực, lăng mạ, bôi nhọ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức trong hoạt động công vụ.

Ngoài ra, không giải quyết hoặc không tham mưu, ban hành văn bản trả lời liên quan đến chế độ, chính sách đúng thời hạn làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa hợp pháp hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân;

Cán bộ quản lý thị trường không được gợi ý, đòi hỏi các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.

Cũng theo Thông tư số 18/2019/TT-BCT, cán bộ quản lý thị trường không được thu tiền xử phạt không đúng quy định; tham ô, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền thu phạt hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ hoặc tịch thu; sửa chữa hồ sơ, chứng từ, sổ kế toán để tham ô, chiếm đoạt tiền phạt hành chính hoặc tang vật vi phạm hành chính…

Nếu công chức vi phạm quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thu, nộp, xử lý CMND 9 số còn rõ nét khi chuyển sang thẻ CCCD

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 40/2019/TT-BCA sửa đổi Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 hướng dẫn Luật Căn cước công dân.

Theo đó, Giấy xác nhận số CMND được cấp như sau:

Mọi trường hợp chuyển từ CMND 9 số sang thẻ Căn cước công dân đều được cấp Giấy xác nhận số CMND do cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thực hiện.

Trường hợp cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an hoặc của Công an cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thì đề nghị cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp tỉnh nơi công dân đăng ký thường trú xác minh.

Sau khi có kết quả xác minh, cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu thông tin hợp lệ thì cấp Giấy xác nhận số CMND và trả cùng với thẻ Căn cước công dân. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Cũng theo Thông tư số 40/2019/TT-BCA, khi công dân làm thủ tục chuyển từ CMND 9 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) sang thẻ Căn cước công dân (CCCD) thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành như sau:

- Cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng CMND chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD.

- Khi trả thẻ CCCD, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm.

Đồng thời, cán bộ ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ CCCD.

Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.

Thông tư 40/2019/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ ngày 18/11/2019.

Từ ngày 18/11/2019, thay thế 05 biểu mẫu sử dụng trong cấp, quản lý thẻ CCCD

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 41/2019/TT-BCA của Bộ Công an.

Cụ thể, các biểu mẫu thay thế các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA dưới đây:

- Tờ khai CCCD (mẫu số CC01).

- Đề xuất phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD (mẫu số CC06).

- Giấy xác nhận số CMND (mẫu số CC07).

- Phiếu điều chỉnh thông tin CCCD (mẫu số CC09).

- Phiếu thu thập thông tin dân cư (mẫu số DC01).

Tư vấn bảo hiểm phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ sau: Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.

Điều kiện, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm như sau: Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP; cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn như sau: Có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định; có chứng chỉ về giám định tổn thất bảo hiểm; có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực giám định.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ: Có văn bằng từ cao đẳng trở lên; có chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Mức trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cung cấp.

Nghị định số 80/2019/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019.

Người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng từ Quỹ Việc làm

Đây là nội dung nổi bật của Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm.

Theo đó, từ ngày 08/11/2019, người lao động được vay mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay. Thời hạn vay tối đa là 120 tháng.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác