Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2019
Đăng ngày 20-12-2019 02:44, Lượt xem: 340

Phạt 1 tỷ đồng nếu bán hàng dưới giá thành; Học sinh, sinh viên có thể vay tối đa 2,5 triệu/tháng; Được kê khai trực tuyến khi đề nghị cấp căn cước công dân; Quy định mới trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe; Quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2019.

Phạt 1 tỷ đồng nếu bán hàng dưới giá thành 

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 75/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Theo đó, từ 1/12/2019 sẽ tăng mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh gấp 10 lần. Cụ thể, phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. Nếu hành vi vi phạm trên được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì sẽ bị phạt từ 1,6 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng. Theo quy định cũ tại Nghị định số 71/2014/NĐ-CP, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, thì tại Nghị định số 75/2019 mức phạt được tăng lên 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức. Trong đó, mức phạt đối với một số vi phạm điển hình như tiết lộ bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bị phạt 200-300 triệu đồng; Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt 100-200 triệu đồng…

Cũng theo Nghị định số 75/2019, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan thì sẽ bị phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận đối với một trong các hành vi sau đây: Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;  Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ….

Học sinh, sinh viên có thể vay tối đa 2,5 triệu/tháng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. 

Theo đó, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng thay vì 1,5 triệu đồng/tháng theo quy định cũ tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg.

Cũng theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg, lãi suất cho vay ưu đãi là 0,55%/tháng và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Để được vay tiền, học sinh, sinh viên năm nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học…

Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật hiện hành, trong phạm vi tăng trưởng kế hoạch tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm; tự cân đối nguồn vốn thực hiện từ nay đến năm 2020 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được cơ quan có thầm quyền phê duyệt.

Quyết định số 1656/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2019, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Được kê khai trực tuyến khi đề nghị cấp căn cước công dân

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CCCD) tại Thông tư số 11/2016/TT-BCA ngày 04/3/2016.

Trong đó, có một số thay đổi về việc cấp thẻ CCCD như sau:

Về tiếp nhận hồ sơ, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết Tờ khai CCCD theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến). Nếu đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì in Tờ khai CCCD để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.

Về thu thập thông tin, thu Chứng minh nhân dân, cắt góc, hoàn thiện hồ sơ và trả lại cho công dân đối với những trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu. (Theo quy định hiện hành thẻ CCCD cũng sẽ bị thu đối với trường hợp đổi thẻ CCCD). Ngoài ra, đối với Chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Thông tư số 48/2019/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2019.

Quy định mới trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Có hiệu lực từ 1/12, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định một số điểm mới về đào tạo, sát hạch lái xe.

Theo đó, các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1) từ ngày 01 tháng 5 năm 2020; tổ chức đào tạo về phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; trang bị ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên sau 06 tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành.

Số giờ học kỹ thuật lái xe của học viên học lái xe hạng B1, B2, C bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; số giờ học môn đạo đức và văn hóa giao thông của học viên học lái xe nâng hạng bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; số giờ học thực hành lái xe trên 01 xe tập lái, gồm cả thời gian học lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm ban hành nội dung giảng dạy về phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước trước ngày 01 tháng 12 năm 2019. 

Trung tâm sát hạch lái xe lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải từ ngày 01 tháng 01 năm 2020; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01 tháng 05 năm 2021. 

Cũng theo Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT, Giấy phép lái xe mới phải có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe, thực hiện từ ngày 01 tháng 06 năm 2020.  Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe.

Quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2019/NĐ-CP quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Theo đó, quy định rõ tàu biển đã qua sử dụng có thân tàu không bằng vật liệu phi kim loại được phép nhập khẩu để phá dỡ gồm: Tàu chở hàng khô gồm: Hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép; Tàu container; Tàu chở quặng; Tàu chở hàng lỏng gồm: Dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật; Tàu chở gas, khí hóa lỏng; Tàu Ro - Ro, tàu khác, sà lan biển, phà biển.

Cũng theo Nghị định số 82/219/NĐ-CP, doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng các điều kiện sau: là doanh nghiệp Việt Nam do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ; là người sở hữu hoặc người quản lý, khai thác cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, an toàn phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày bắt đầu phá dỡ.

Doanh nghiệp nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định.

Nghị định số 82/219/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 12 năm 2019 và thay thế Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014. 
 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác