Chính sách nổi bật cho công dân có hiệu lực từ tháng 11/2020
Đăng ngày 25-11-2020 01:13, Lượt xem: 158

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt; Tăng mức khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; Quy định chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm; Bảng lương viên chức giảng dạy trong trường cao đẳng sư phạm; Lôi kéo người khác uống bia, rượu sẽ bị phạt tiền… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 11/2020.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt

Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP  ngày 25/09/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, quy định mức hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm như sau:

- Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

- Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ;

Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.

Tăng mức khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 110/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Nghị định số 110/2020/NĐ-CP  nêu rõ, tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho HSSV, học viên đạt một trong các thành tích: Hai lần liên tục đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học hoặc hai lần liên tục đoạt giải nhất trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế; Đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi kỹ năng nghề thế giới.

Tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho HSSV, học viên đạt một trong các thành tích: Đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học hoặc giải Nhất trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế; Đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi kỹ năng nghề thế giới hoặc Huy chương Vàng trong kỳ thi kỹ năng nghề châu Á.

HSSV, học viên được tặng Huân chương Lao động hạng Ba khi đạt một trong các thành tích: Đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học hoặc giải Nhì trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế hoặc Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học; Đoạt Huy chương Đồng trong kỳ thi tay nghề thế giới hoặc Huy chương Bạc trong kỳ thi kỹ năng nghề châu Á.

HSSV, học viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ khi đạt một trong các thành tích: Đoạt Huy chương Đồng trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học hoặc giải Ba trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế hoặc Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học; Đoạt Huy chương Đồng trong kỳ thi kỹ năng nghề châu Á hoặc Huy chương Vàng trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á.

Về mức tiền thưởng, HSSV, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới được thưởng theo mức: Huy chương Vàng hoặc giải Nhất 55 triệu đồng; huy chương Bạc hoặc giải Nhì 35 triệu đồng; huy chương Đồng hoặc giải Ba 25 triệu đồng; khuyến khích 10 triệu đồng.

HSSV, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á được thưởng theo mức: Huy chương Vàng 35 triệu đồng; huy chương Bạc 25 triệu đồng; huy chương Đồng 10 triệu đồng; khuyến khích 8 triệu đồng. HSSV, học viên đoạt giải trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á được thưởng theo mức: Huy chương Vàng 25 triệu đồng; huy chương Bạc: 10 triệu đồng; huy chương Đồng 8 triệu đồng; khuyến khích 5 triệu đồng. HSSV, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia được thưởng theo mức: Giải Nhất 4 triệu đồng; giải Nhì 2 triệu đồng; giải Ba 1 triệu đồng. Đội, nhóm HSSV, học viên đoạt giải trong các kỳ thi thì được thưởng mức tiền gấp hai lần đối với cá nhân.

Nghị định số 110/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2020 và thay thế Quyết định số 158/2002/QĐ-TTg.

Quy định chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm

Có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2020, Thông tư số 36/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm.

Theo đó, Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT quy định thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và định mức giờ chuẩn giảng dạy như sau:

- Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.

- Giờ chuẩn giảng dạy là đơn vị thời gian quy đổi từ số giơ lao động cần thiết để hoàn thành khối lượng một công việc nhất định thuộc nhiệm vụ của giảng viên tương đương với một tiết giảng lý thuyết trình độ cao đẳng trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến), bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng.

- Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trình độ cao đẳng trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy và được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trình độ cao đẳng trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.

- Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính); trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định. Hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm căn cứ mục tiêu, chiến lược phát triển của đơn vị; đặc thù của môn học, ngành học và điều kiện cụ thể của đơn vị để quyết định định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học cho phù hợp.

- Trường hợp đặc biệt: giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy, đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ và tham gia thực tập, thực tế. Giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, nghỉ theo các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.

Bảng lương viên chức giảng dạy trong trường cao đẳng sư phạm

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập.

Cụ thể, Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với hạng chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) - Mã số: V.07.08.22, gồm: Có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật); Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) (áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành). Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Cũng theo Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT, yêu cầu đối với Giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) - Mã số: V.07.08.21, gồm: Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành và chuyên ngành giảng dạy; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật); Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II). Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Yêu cầu đối với hạng chức danh Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) - Mã số: V.07.08.20, gồm: Có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật); Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I). Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Lôi kéo người khác uống bia, rượu sẽ bị phạt tiền

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Cụ thể, Điều 30 của Nghị định số 117/NĐ-CP quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc);

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu, bia. Mức phạt trên cũng áp dụng đối với các hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Không niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật; Mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ mới trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Phạt tiền từ 10.000.000  đến 20.000.000  triệu đồng đối với hành vi bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật. Mức phạt này cũng áp dụng đối với các hình thức quảng cáo rượu, bia trên phương tiện giao thông, quảng cáo trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em.

Nghị định số 117/NĐ-CP thay thế Nghị định số 176/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác