Chính sách nổi bật về lao động - tiền lương có hiệu lực từ tháng 02/2021
Đăng ngày 22-02-2021 07:24, Lượt xem: 539

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng; Bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật; Thời hạn giấy phép lao động đối với người nước ngoài; Quy định mới về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; 09 trường hợp Giấy phép lao động bị thu hồi… là những chính sách nổi bật về lao động - tiền lương có hiệu lực từ tháng 02/2021.

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng.

Theo đó, Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT hướng dẫn cách xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng như sau:

+ Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính, quản lý bảo vệ rừng viên chính được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương từ 4,00 đến hệ số lương 6,38).

+ Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên, quản lý bảo vệ rừng viên được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

+ Chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).

Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 26/02/2021.

Bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật 

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Cụ thể, Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn tại Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP.

Cũng theo Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/02/2021, cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm:

- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

- Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu không cần đáp ứng điều kiện cần phải có danh hiệu người đẹp, người mẫu trong nước.

Thời hạn giấy phép lao động đối với người nước ngoài

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2021,  Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định thời hạn của giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. 

Theo đó, thời hạn giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:

- Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết.

- Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.

- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

- Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.

- Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó.

- Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Cũng theo Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm:

- NLĐ nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

- NLĐ nước ngoài vào VN làm việc tại ví trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 01 năm…

Quy định mới về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ.

Cụ thể, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/2/2021. 

09 trường hợp Giấy phép lao động bị thu hồi

Theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, từ ngày 15/02/2021, giấy phép lao động (GPLĐ) bị thu hồi trong các trường hợp sau:

- GPLĐ hết thời hạn.

- Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).

- Nội dung của HĐLĐ không đúng với nội dung của GPLĐ đã được cấp.

- Làm việc không đúng với nội dung trong GPLĐ đã được cấp.

- Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh GPLĐ hết thời hạn/chấm dứt.

- Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng NLĐ nước ngoài chấm dứt hoạt động.

- Người sử dụng lao động hoặc NLĐ nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định này.

- NLĐ nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác