Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2021
Đăng ngày 14-08-2021 02:43, Lượt xem: 399

Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế GTGT và TNCN; Giảm 50% mức thu phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y; Điều kiện để các giao dịch liên kết được đề nghị áp dụng APA…là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2021.

Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.  

Theo đó, Nghị định 60/2021/NĐ-CP nêu rõ, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của đơn vị nhóm 3 như sau:

- Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2;

- Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

- Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên.

Đến năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá), trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh trình Chính phủ xem xét, quyết định; Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.

Ngoài ra, khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách Nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 58/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng, trong đó, quy định cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Theo đó, từ ngày 15/08/2021, Công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận.

Một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau:

- Có tối thiểu 2 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của một nhà cung cấp dịch vụ; có cơ sở hạ tầng thông tin có khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống thông tin của tổ chức tham gia;

- Có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay;

- Có phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; có phương án dự phòng thảm họa, bảo đảm không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quá 4 giờ làm việc.

Đồng thời, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng; Có người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định;  Có phương án kinh doanh đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; Có tối thiểu 15 tổ chức tham gia là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô)…

Cũng theo Nghị định số 58/2021/NĐ-CP, công ty thông tin tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:

- Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận;

- Vi phạm nghiêm trọng một trong những hành vi bị cấm  quy định tại Điều 6 Nghị định này;

- Không đảm bảo duy trì các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này sau khi thực hiện phương án khắc phục theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

- Không khai trương hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận;

- Công ty thông tin tín dụng thực hiện giải thể theo quy định của pháp luật;

- Công ty thông tin tín dụng bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế GTGT và TNCN

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Thông tư số 40/2021/TT-BTC cũng quy định rõ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể nộp thuế theo phương pháp kê khai (áp dụng với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn hoặc lựa chọn nộp thuế theo phương pháp này), nộp thuế theo từng lần phát sinh (áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định). Ngoài ra, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo 2 phương pháp trên thì áp dụng nộp thuế theo phương pháp khoán.

Doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện khai thuế theo tháng hoặc quý theo quy định và không phải khai quyết toán thuế đối với nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN của các cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp.

Thông tư số 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Giảm 50% mức thu phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 68/2021/TT-BTC ngày 6/8/2021 của Bộ Tài chính.

Theo đó, một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y gồm: Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y; phí kiểm dịch động vật đối với hoạt động kiểm tra lâm sàng gia cầm đều được giảm 50% so với quy định tại Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính quy định thu phí, lệ phí trong công tác thú y.

Thông tư 68 /2021/TT-BTC ngày 6/8/2021 của Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Kể từ ngày 01/01/2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí nêu trên thực hiện theo quy định tại Biểu phí, lệ phí trong công tác thú y ban hành kèm theo Thông tư số 101/2020/TT-BTC.

Điều kiện để các giao dịch liên kết được đề nghị áp dụng APA

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC hướng dẫn áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, các giao dịch được đề nghị áp dụng APA là giao dịch liên kết quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP gồm:

- Các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

- Vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác;

- Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết…

Tuy nhiên, các giao dịch được đề nghị áp dụng APA phải đồng thời đáp ứng các điều kiện:

- Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA;

- Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập, dựa trên các thông tin, dữ liệu theo quy định của điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế.

- Giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế;

- Giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng hiệp định thuế.

Thông tư số 45/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 03/8/2021.

KHÁNH VÂN

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác