Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2022
Đăng ngày 12-01-2022 15:22, Lượt xem: 153

Hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội; Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng; Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Phạt nặng các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới; Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2022.

Hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo đó, Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay như sau. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Đối với đối tượng khách hàng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 20/2021/TT-NHNN là đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Thông tư số 20/2021/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 10 về lãi suất cho vay như sau: lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định, công bố trong từng thời kỳ và đảm bảo nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.

Thông tư số 20/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, đối tượng áp dụng Nghị định số 108/2021/NĐ-CP bao gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ….

Cụ thể, điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng trên như sau: tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng. Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Nghị định số 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2022.

Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc kiểm soát, thanh toán của cơ quan kiểm soát, thanh toán như sau:

- Vốn đầu tư công thanh toán cho từng công việc, hạng mục của nhiệm vụ, dự án không được vượt dự toán được duyệt đối với trường hợp tự thực hiện hoặc thực hiện không theo hợp đồng. Tổng số vốn thanh toán cho nhiệm vụ, dự án không được vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số vốn đầu tư công giải ngân cho nhiệm vụ, dự án trong năm cho các công việc, hạng mục của nhiệm vụ, dự án không vượt vốn kế hoạch trong năm đã bố trí cho dự án.

- Đối với các chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trong tổng mức đầu tư (hoặc dự toán được duyệt) được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện kiểm soát, thanh toán đảm bảo không vượt giá trị tính theo tỷ lệ quy định.

- Cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho từng lần giải ngân của hợp đồng. Cơ quan kiểm soát, thanh toán hướng dẫn cụ thể phương thức kiểm soát, thanh toán trong hệ thống, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu và đúng quy định hiện hành.

Đối với trường hợp giao dịch tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, cách thức giao dịch theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Đối với trường hợp giao dịch qua cơ quan kiểm soát, thanh toán khác, cách thức giao dịch theo quy định của cơ quan kiểm soát, thanh toán nơi thực hiện giao dịch.

Phạt nặng các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 125/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Theo đó, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp vì định kiến giới; xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

Đối với hành vi xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho người thuộc một giới tính nhất định khi bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, mức phạt từ 3-5 triệu đồng. Trường hợp không thực hiện việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định số 125/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng áp dụng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập; từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

Trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định. Hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Nghị định số 125/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

Theo đó, đối với hành vi trích dẫn không ghi rõ nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm sẽ bị phạt cảnh cáo. Đồng thời, phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.

Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu thống kê, Nghị định số 100/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi để hư hỏng dưới 50% số lượng chỉ tiêu thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê trong thời hạn lưu trữ theo quy định, nhưng còn khả năng khôi phục.

Cũng theo Nghị định số 100/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để hư hỏng từ 50% số lượng chỉ tiêu thông tin thống kê trở lên.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 100/2021/NĐ-CP quy định: thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo. Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục Thống kê cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 15 triệu đồng. Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 21 triệu đồng. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30 triệu đồng.

Nghị định số 100/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác