Chính sách mới về lao động có hiệu lực trong tháng 1/2016
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016; Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn; Quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo; Hướng dẫn mới về tiền lương của người lao động; Chính sách BHXH một lần đối với người lao động; Đối tượng không phải nộp lệ phí thẻ căn cước công dân là những chính sách mới về lao động có hiệu lực trong tháng 1/2016.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016
 
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015. Cụ thể, từ ngày 01/01/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đồng/tháng đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.
 
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000 - 400.000 đồng/tháng.
 
Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...
 
Theo Nghị định, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
 
Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
 
Nghị định số 122/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014.
 
 
Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
 
Đối tượng được hưởng các chính sách tại Nghị định này là Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định này là 1.150.000 đồng), gồm: Người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; Người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định; Các đối tượng còn lại không thuộc đối tượng nêu trên.
 
Mức hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng là 1.000.000 đồng/tháng hoặc 850.000 đồng/tháng hoặc 700.000 đồng/ tháng tùy từng trường hợp cụ thể quy định rõ trong Nghị định này.
 
 Nghị định số 109/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2016,
 
Quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo
 
Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
 
Theo Nghị định này, nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)...
 
Hướng dẫn mới về tiền lương của người lao động
 
Bộ Lao động Thương binh xã hội ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động…có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
 
Theo đó, tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương là tiền lương theo hợp đồng lao động.
 
- Tiền lương trả cho một ngày làm việc xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (số ngày làm việc bình thường trong tháng không quá 26 ngày).
 
- Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.
 
- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.
 
Chính sách BHXH một lần đối với người lao động
 
Từ 01/01/2016, Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sẽ có hiệu lực. Theo đó, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.
 
 
Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.
 
Bên cạnh đó Nghị quyết 93/2015/QH13 cũng quy định mức hưởng BHXH một lần đối với người đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện, cụ thể cứ mỗi năm được tính như sau:
 
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
 
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
 
Đối tượng không phải nộp lệ phí thẻ căn cước công dân
 
Từ ngày 01/01/2016, việc thu, nộp và quản lý lệ phí thẻ Căn cước công dân được thực hiện theo Thông tư số 170/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
 
Thông tư  số số 170/2015/TT-BTC quy định rõ các đối tượng không phải nộp lệ phí thẻ căn cước công dân gồm:
 
- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ lần đầu.
 
- Đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
 
- Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
 
Thông tư số 170/2015/TT-BTC thay thế Thông tư số 155/2012/TT-BTC .
 
 
KHÁNH VÂN
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác