Nhiều chính sách ưu đãi có hiệu lực từ tháng 8/2015
Chính sách ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu đãi đối với trường mầm non tư thục; khám, chữa bệnh HIV được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; chính sách tín dụng mới phục vụ phát triển nông nghiệp; hỗ trợ tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư; giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách; bổ sung cán bộ y tế được hưởng phụ cấp đặc thù; quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo là những chính sách ưu đãi mới có hiệu lực trong tháng 8/2015.
Chính sách ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP quy định chế độ ưu đãi về vay vốn; miễn, giảm thuế ... đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả,
 
Nghị định nêu rõ đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình áp dụng các biện pháp, công nghệ để tuần hoàn, tái sử dụng nước, thu gom nước mưa, xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng hoặc để hạn chế lượng nước sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống; Sản phẩm tiết kiệm nước là sản phẩm, thiết bị, công nghệ tiêu thụ ít nước hơn so với định mức tiêu thụ nước trong các hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tái sử dụng nước là hoạt động sử dụng lại nước thải đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với mục đích sử dụng lạ; Sử dụng nước tuần hoàn là quá trình sử dụng lại nước cho chính mục đích đã được sử dụng ban đầu.
 
Nghị định 54/2015/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành từ 01/8/2015. 
 
Chính sách ưu đãi đối với trường mầm non tư thục
 
Từ ngày 14/8/2015, quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thực được thực hiện theo Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành.
 
Thông tư nêu rõ, nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách khác theo quy định của pháp luật.
 
Về cơ cấu tổ chức, nhà trường, nhà trẻ tư thục có cơ cấu tổ chức đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định tại Điều lệ trường mầm non và phù hợp với điều kiện, quy mô của trường. Cơ sở vật chất phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu như: phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có diện tích tối thiểu 15 m2, an toàn, thoáng mát, đủ ánh sáng, có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ, có đủ nước sạch cho trẻ dùng, có đồ dùng, đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ…
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị… thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau: nhắc nhở bằng văn bản; xử phạt hành chính theo quy định hiện hành; đình chỉ hoạt động hoặc giải thể… 
 
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 14/8/2015.
 
Khám, chữa bệnh HIV được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 
 
Đó là nội dung trong Thông tư 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS vừa được Bộ Y tế ban hành. 
 
Theo đó, kể từ ngày 15/8, người tham gia BHYT nhiễm HIV khi khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi. 
 
Cụ thể, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro; điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
 
Tuy nhiên, quỹ BHYT không thanh toán chi phí khán chữa bệnh đối với trường hợp người có thẻ BHYT nhưng các chi phí đó đã được ngân sách nhà nước (chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án viện trợ ODA... ) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác chi trả.
 
Chính sách tín dụng mới phục vụ phát triển nông nghiệp 
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2015 thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo 8 mức:
 
- Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp 
 
- Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp 
 
- Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.
 
-  Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh.
 
-  Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp.
 
- Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
- Tối đa 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không bao gồm các đối tượng thuộc mức 8.
 
-  Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
 
Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.
 
Hỗ trợ tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư 
 
Liên Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư liên tịch 90/2015/TTLT-BTC-BKHĐT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2015. 
 
Nội dung chi được ngân sách nhà nước hỗ trợ gồm nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư: Hỗ trợ chi phí thu thập tài liệu, chi phí viết chuyên đề, báo cáo; hỗ trợ tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu trong nước và nước ngoài; tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, trong nước và nước ngoài.
 
Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư gồm sách hướng dẫn, tờ rơi; hỗ trợ thực hiện các chuyên đề, bài báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài; hỗ trợ chi phí thiết kế, làm quà tặng, chi phí mua và vận chuyển quà tặng cho các đối tác theo quy định; hỗ trợ tổ chức, tham gia hội chợ về xúc tiến đầu tư: Hỗ trợ kinh phí tổ chức hội chợ triển lãm bao gồm chi phí thuê mặt bằng gian hàng quốc gia, chi phí in ấn tài liệu và vận chuyển tài liệu vật phẩm cho hoạt động xúc tiến đầu tư tới địa điểm tổ chức, chi phí quảng bá cho hoạt động tổ chức hội chợ, chi phí thuê công ty tổ chức sự kiện; hỗ trợ thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài…
 
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/8/2015.
 
Giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách 
 
Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/6/2015, lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm giảm từ 7,2%/năm (0,6% tháng) xuống còn 6,6%/năm (0,55% tháng).
 
Lãi suất cho vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn giảm từ 9,6%/năm (0,8%/tháng) xuống còn 9,0%/năm (0,75%/tháng).
 
Bổ sung cán bộ y tế được hưởng phụ cấp đặc thù
 
Quyết định số 20/2015/QĐ-TTg ngày 18/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định  46/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng thuộc Bộ Y tế, các Phòng Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5, Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Khoa A11 Viện Y học cổ truyền Quân đội. Cụ thể:
 
- Mức phụ cấp đặc thù  bằng 3,0 lần lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, viên chức có học hàm là Giáo sư, Phó Giáo sư và đối với cán bộ là những người đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc bệnh viện, Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách chuyên môn.
 
- Mức phụ cấp bằng 2,5 lần lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, viên chức có học vị là tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp II.
 
- Mức phụ cấp bằng 2,0 lần lương tối thiểu chung áp dụng đối với các cán bộ, viên chức công tác tại khoa Nội của các Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng; các Phòng Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5; Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Khoa A11 Viện Y học cổ truyền Quân đội; Khoa A11 Bệnh viện quân y 175.
 
- Mức phụ cấp bằng 1,5 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các cán bộ, viên chức tại các khoa khác của các Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng.
 
- Mức phụ cấp bằng 1,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các cán bộ, viên chức còn lại của các Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng.
 
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/8/2015.
 
Quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo 
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
 
Hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Quyết định này là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.
 
Quyết định nêu rõ, mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ.
 
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.
 
Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
 
Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
 
NHƯ HẠNH
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác