Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5 năm 2015
Quy định mới về tuyển dụng công chức, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động, hướng dẫn phương thức chi điều chỉnh tăng lương 2015, siết chặt kiểm tra hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, điểm mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chương trình khung trình độ trung cấp, cao đẳng nghề, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2015, hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật, giám sát tiền lương, thưởng trong tổng công ty Nhà nước….là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5 năm 2015.

 

Quy định mới về tuyển dụng công chức

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng của cơ quan quản lý công chức, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo công nhận kết quả trúng tuyển của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, người trúng tuyển phải đến cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển. Hồ sơ dự tuyển phải được bổ sung để hoàn thiện trước khi ký quyết định tuyển dụng, bao gồm: Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực; Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp. Những quy định mới trên được quy định ở Thông tư số 03/2015/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng công chức, có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2015.

Hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động

Theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/5/2015, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc theo hợp đồng đúng quy định khi bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện...

Hướng dẫn phương thức chi điều chỉnh tăng lương 2015

Thông tư 32/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có hệ số lương từ 2.34 trở xuống.
Theo đó, phương thức chi trả kinh phí thực hiện có một số điểm đáng lưu ý sau:
- Các Bộ, cơ quan Trung ương, cấp tỉnh hướng dẫn các đơn vị và cấp ngân sách trực thuộc có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu thực hiện thì chủ động chi trả tiền lương tăng thêm.
- Cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện cho các đơn vị dự toán ngân sách cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu nguồn.
- Các Bộ, cơ quan Trung ương có nhu cầu kinh phí thực hiện lớn hơn nguồn thì Bộ Tài chính sẽ thẩm định (trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan) và thông báo bổ sung kinh phí.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/5/2015, các chế độ quy định tại Thông tư được thực hiện từ ngày 01/01/2015.
Siết chặt kiểm tra hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu

Những lô hàng nhập khẩu vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ bị buộc tái xuất hoặc tiêu hủy.
Đối với lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định về ATTP nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác và không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì sẽ chuyển mục đích sử dụng.
Ngoài ra, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP phải thực hiện truy xuất, thu hồi và hướng dẫn người tiêu dùng các biện pháp phòng ngừa.
Mặt khác, nếu nước xuất khẩu không hợp tác, không tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện kiểm tra theo quy định thì sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ nước xuất khẩu.
Đó là những nội dung được quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 05/5/2015.
Điểm mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

- Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình.
- Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
- Trường hợp đã sử dụng hết chi phí dự phòng, chủ đầu tư tổ chức xác định bổ sung khoản chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá khi chỉ số giá xây dựng do cơ quan có thẩm quyền công bố từ khi thực hiện dự án đến thời điểm điều chỉnh lớn hơn chỉ số giá sử dụng trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
Nghị định 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 10/5/2015 và thay thế Nghị định 112/2009/NĐ-CP .

Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2015

Theo Thông tư 09/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
Các dự án lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt dự toán kinh phí trước ngày 07/5/2015 thì thực hiện như sau:
- Đối với khối lượng công việc đã thực hiện trước ngày 07/5/2015 thì áp dụng theo quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-BTNMT.
- Đối với khối lượng công việc chưa triển khai thì thực hiện điều chỉnh dự toán kinh phí theo quy định của Thông tư này và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Thông tư này còn ban hành mới Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thông tư 09/2015/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 07/5/2015 và thay thế Thông tư 06/2010/TT-BTNMT. .

Chương trình khung trình độ Trung cấp, Cao đẳng nghề

Thông tư 13/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội quy định chương trình khung trình độ Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề cho 05 nghề:
- Sản xuất cáp điện và thiết bị đầu nối;
- Sản xuất sản phẩm kính thủy tinh;
- Quan hệ công chúng;
- Kế toán ngân hàng;
- Sản xuất hàng da, giầy.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/5/2015.

Thủ tục hải quan đối với bưu kiện xuất nhập khẩu

Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Tài chính, quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định. Thông tư nêu rõ, thư xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính chịu sự giám sát hải quan theo hình thức niêm phong hải quan đối với bao bì chuyên dụng hoặc xe chuyên dụng của doanh nghiệp để đóng chuyến thư quốc tế. Bưu gửi trong túi ngoại giao, túi lãnh sự xuất khẩu, nhập khẩu được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan. Nếu có căn cứ khẳng định các bưu gửi này vi phạm chế độ ưu đãi, miễn trừ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc kiểm tra, xử lý các đối tượng này. Người khai hải quan đối với bưu gửi là doanh nghiệp, chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền; đại lý làm thủ tục hải quan là người thực hiện khai hải quan.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 29/5/2015.

Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Thông tư số 61/2015/TT-BTC ngày 27/4/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Thông tư số 48/2015/TT-BTC ngày 13/4/2015 của Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Danh mục thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư này.
Các mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu được điều chỉnh như sau: Mặt hàng xăng RON92/95, xăng sinh học (E5,E10): giữ nguyên mức 20%; Mặt hàng dầu diezel, dầu diezel sinh học (B5, B10): giảm từ 20% xuống 12% (giảm 8%); Mặt hàng dầu hoả: giữ nguyên mức 20%; Mặt hàng dầu mazut: giảm từ 25% xuống 13% (giảm 12%); Mặt hàng nhiên liệu bay, xăng máy bay: giữ nguyên mức 10%.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 4/5/2015.

Hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật

Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Theo đó, đối tượng phải tuân thủ Thông tư 12 là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) bao gồm: Hàng hóa mang theo người để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; Hàng hóa trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu; Hàng hóa gửi kho ngoại quan; Hàng hóa là mẫu thử nghiệm, nghiên cứu; Hàng hóa là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chỉ được thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm tra ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu do Cơ quan kiểm tra cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này.
Thông tư cũng quy định rõ đối với lô hàng nhập khẩu, biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là buộc tái xuất hoặc tiêu hủy đối với lô hàng vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP; Chuyển mục đích sử dụng đối với lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định về ATTP nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác và không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người; Thông báo cho cơ quan thẩm quyền về ATTP của nước xuất khẩu đề nghị phối hợp điều tra nguyên nhân, đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp; Thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước có liên quan yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu thu hồi, xử lý và giám sát quá trình xử lý lô hàng vi phạm nghiêm trọng quy định ATTP, v.v...
 

Giám sát tiền lương, thưởng trong tổng công ty Nhà nước

Theo Thông tư số 15/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giám sát việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hằng năm của tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ với các nội dung chủ yếu sau: Định mức lao động; tuyển dụng, sử dụng lao động; Tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, viên chức quản lý và người đại diện vốn nhà nước; Xây dựng và thực hiện các quy chế, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở; Thực hiện các chế độ khác đối với người lao động.
Thông tư cũng hướng dẫn giám sát việc thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và chế độ khác đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, v.v...
Thông tư số 15/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/5/2015.


NHƯ HẠNH
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác