Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2015
Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển thành công ty cổ phần; quy định mức phạt khi sử dụng lãng phí tài sản công; thêm loại xe người nước ngoài được phép đưa vào Việt Nam du lịch; tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao; giảm thời gian cấp giấy phép xuất nhập cảnh còn 5 ngày; không nêu nhãn hiệu hàng trong hồ sơ mời thầu mua hàng; chỉ nhập khẩu máy photocopy không quá 3 năm kể từ ngày sản xuất; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; danh mục mới về hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam; hướng dẫn bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai.... là những chính sách kinh tế, xã hội nổi bật có hiệu lực trong tháng 8.
Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển thành công ty cổ phần
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành công ty cổ phần từ ngày 10/8/2015.
Đối tượng áp dụng quyết định này là các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi, các đơn vị sự nghiệp thuộc danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ . 
 
Quyết định cũng nêu rõ có ba hình thức chuyển đổi là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn nhà nước hiện có; kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Phương thức bán cổ phần lần đầu: Bán đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp.
 
Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật hiện hành; Ngoài ra, quyết định cũng quy định các chính sách ưu đãi đối với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và người lao động; thành phần Ban Chỉ đạo chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, trong đó có đại diện công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (đối với đơn vị trực thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước).
 
Nhiều mức phạt khi sử dụng lãng phí tài sản công
 
Nhằm siết chặt quản lý về việc sử dụng tài sản công, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong việc sử dụng tài sản công. Theo đó, bổ sung một số quy định xử phạt mới:
 
- Gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng.
 
- Cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế bị phạt tiền từ 1 – 5 triệu đồng.
 
- Khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
 
- Sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
 
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.
 
Thêm loại xe người nước ngoài được phép đưa vào Việt Nam du lịch
 
Ngày 16/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2013/NĐ-CP về quản lý phương tiện cơ giới đường bộ của người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch. 
 
Theo đó, ngoài xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống và xe mô tô thì người nước ngoài được phép đưa xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái vào Việt Nam du lịch.
 
Nghị định cũng nêu rõ, chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để phối hợp quản lý. Trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời trong thời gian 03 ngày làm việc và nêu rõ lý do.
 
Nghị định số 57/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.
 
Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao
 
Để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, theo Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg, từ ngày 01/8/2015, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí sau:
 
- Thỏa mãn tiêu chí tại điểm a và b Điều 75 của Luật đầu tư 2014.
 
- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% tổng doanh thu thuần hàng năm.
 
- Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. 
 
Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.
 
- Số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%. 
 
Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.
 
Giảm thời gian cấp giấy phép xuất nhập cảnh còn 5 ngày
 
Từ ngày 20/08/2015, thời gian cấp Giấy phép xuất nhập cảnh sẽ được giảm từ 6 ngày xuống còn 05 ngày làm việc, giấy phép có thời hạn 3 năm, trường hợp bị mất, hư hỏng sẽ được xem xét cấp lại. 
 
Trường hợp được cấp thẻ tạm trú, người nước ngoài phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân đã mời, bảo lãnh trực tiếp làm thủ tục cấp thẻ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú. Thời gian cấp thẻ tạm trú là 5 ngày làm việc; thẻ có thời hạn từ 1 - 5 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
 
Đây là những nội dung nổi bật quy định tại Thông tư số 31/2015/TT-BCA của Bộ Công an.
 
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp 
 
Theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gồm hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet, hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại, hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý, hành vi vi phạm về tem, nhãn, vật phẩm, hành vi quá cảnh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp....
 
Cụ thể, tổ chức, cá nhân đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời; cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đó đăng ký tên miền hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đó cũng bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp.
 
Tương tự, hành vi tái sử dụng, sửa chữa, tái chế sản phẩm, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu, tên thương mại của sản phẩm khác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng cũng bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc cạnh tranh không lành mạnh. 
 
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/8/2015. 
 
Không nêu nhãn hiệu hàng hóa trong hồ sơ mời thầu mua hàng
 
Nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa không được nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa; trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, mẫu mã của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải chú thích.
 
Hàng hóa trong hồ sơ mời thầu mua sắm sẽ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được chi phí sản xuất trong nước chiếm từ 25% trở lên trong giá hàng hóa. Về thuế, phí, lệ phí dự thầu mua sắm hàng hóa, Bộ cũng quy định áp dụng thuế suất, mức phí, lệ phí theo thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. 
 
Các nội dung nêu trên được quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 1/8/2015.
 
Chỉ nhập khẩu máy photocopy không quá 3 năm kể từ ngày sản xuất
 
Thông tư số 16/2015/TT-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  quy định cụ thể  danh mục, thủ tục nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực in:
 
Cá nhân, tổ chức chỉ được nhập khẩu máy photocopy chưa qua sử dụng, được sản xuất không quá 3 năm từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu; riêng với máy photocopy màu phải có thêm Giấy phép nhập khẩu.
 
Tương tự, với nhập khẩu máy in laser, in phun, máy phải mới 100%, sản xuất không quá 3 năm nếu tốc độ in dưới 50 tờ/phút hoặc không quá 7 năm nếu máy có tốc độ in trên 50 tờ/phút.
 
Đây là những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 16/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 15/8/2015.
 
Danh mục mới về hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam 
 
Từ ngày 15/8/2015, các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu vào Việt Nam sẽ áp dụng theo danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
 
Ngoài việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam, thông tư  còn kèm theo 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới.
 
Hướng dẫn bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai
 
Ngày 25/6/2015, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư số 07/2015/TT-NHNN về bảo lãnh ngân hàng, trong đó hướng dẫn cụ thể về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
 
Theo đó, ngân hàng thương mại khi thực hiện việc bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải tuân thủ một số quy định như:
 
- Nhà ở hình thành trong tương lai phải đủ điều kiện được bán, cho thuê mua theo quy định;
 
- Trong hợp đồng bán, cho thuê mua phải quy định chủ đầu tư có nghĩa vụ hoàn lại tiền cho bên mua, bên thuê mua khi chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết;
 
- Ngân hàng thương mại phải được thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng;
 
- Cam kết bảo lãnh phải có hiệu lực đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua, bên thuê mua theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và bên mua, bên thuê mua nhà.
 
Thông tư số 07/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 09/8/2015 và thay thế Thông tư số 28/2012/TT-NHNN.
 
KHÁNH VÂN
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác