Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 10/2024
Đăng ngày 24-10-2024 04:48, Lượt xem: 26

Quy định đánh số nhà tại khu vực đô thị, nông thôn; 15 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông người có chức vụ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức; Quy chuẩn kỹ thuật mới của đèn chiếu sáng phía trước của xe cơ giới; Trạm dừng nghỉ phải có nơi sạc điện ô tô… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 10/2024.

Quy định đánh số nhà tại khu vực đô thị, nông thôn

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng.

Theo Thông tư số 08/2024/TT-BXD, đánh số nhà mặt đường, phố được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3..., n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7...), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8...).

Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai đường, phố khác nhau thì nhà đó được đánh số theo đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các đường, phố có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo đường, phố có cửa chính vào nhà hoặc đánh số theo đường, phố đã được đánh số liên tục.

Ngoài ra, chiều đánh số nhà mặt đường, phố quy định tại Thông tư số 08/2024/TT-BXD như sau:

- Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.

- Trường hợp đường, phố đặc thù không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này thì chiều đánh số nhà do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (ví dụ: đường, phố dạng hướng tâm thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố, tỉnh, quận, huyện, thị xã, thị trấn hướng ra phía ngoài trung tâm).

Thông tư số 08/2024/TT-BXD cũng nêu rõ, các đường, phố đã được đánh số nhà trước khi Thông tư này có hiệu lực thì giữ nguyên chiều đánh số nhà. Đối với đường, phố chưa có nhà xây liên tục (còn đất trống), Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên tuyến đường, phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đánh số nhà và đảm bảo có số nhà dự phòng đối với nhà, công trình cho tuyến đường, phố đó; trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng về tuyến đường, phố thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tổ chức thực hiện đánh số và gắn biển số nhà để đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực.

Thông tư số 08/2024/TT-BXD cũng quy định việc đánh số nhà trong ngõ như sau: Trường hợp ngõ chưa có tên riêng: tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước đầu ngõ (có số nhà nhỏ hơn); Chiều đánh số nhà trong ngõ: trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ. Trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ. Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ.

Thông tư số 08/2024/TT-BXD có hiệu lực thi hành kể từ 15/10/2024.

15 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông người có chức vụ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 09/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, Thông tư số 09/2024/TT-BTTTT quy định, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông mà người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý bao gồm: Báo chí; Xuất bản, in và phát hành; Phát thanh, truyền hình; Thông tin điện tử; Thông tin đối ngoại; Thông tin cơ sở; Bưu chính; Viễn thông; Tần số vô tuyến điện; Công nghiệp công nghệ thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; An toàn thông tin mạng; Giao dịch điện tử; Quản lý doanh nghiệp nhà nước do Bộ TT&TT làm đại diện chủ sở hữu; Chương trình, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực, nhiệm vụ được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10, 11, 12, 13, 14 nêu trên do người thôi giữ chức vụ, quyền hạn khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Thông tư số 09/2024/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành từ 15/10/2024.

Quy chuẩn kỹ thuật mới của đèn chiếu sáng phía trước của xe cơ giới

Có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2024, Thông tư số 07/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về quy chuẩn quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (QCVN 35:2024/BGTVT) sửa đổi, bổ sung QCVN 35:2010/BGTVT quy định chi tiết các loại đèn chiếu sáng của phương tiện, bao gồm: Đèn chiếu gần, đèn chiếu xa; Đèn độc lập; Đèn theo nhóm; Đèn "liền khối"...

Theo Thông tư số 07/2024/TT-BGTVT, đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, yêu cầu kỹ thuật về mẫu thử được quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BGTVT như sau:

- Đèn mới 100%, phải nguyên bản đúng theo thiết kế của cơ sở sản xuất, không được phép chỉnh sửa, thay đổi các bộ phận của đèn bao gồm cả bóng đèn.

- Ánh sáng của đèn phát ra không được là màu đỏ, bao gồm cả các loại đèn khác được lắp trên cùng thân đèn chiếu sáng phía trước.

- Phụ kiện kèm theo để đảm bảo đèn hoạt động ổn định, bao gồm cả đồ gá thử nghiệm đèn nếu cần thiết.

- Nếu là đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS) hoặc đèn không thể kích hoạt chức năng sáng bằng nguồn điện thông thường thì phải bao gồm thiết bị cung cấp và vận hành, bộ tạo tín hiệu.

Trạm dừng nghỉ phải có nơi sạc điện ô tô

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó có quy định xây dựng trạm sạc cho xe điện tại các điểm dừng nghỉ trên cao tốc, quốc lộ hoặc đường tỉnh.

Theo đó, Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT nêu rõ, trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông, do đó, hệ thống điện, nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc của trạm dừng nghỉ phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh, tuân thủ theo các quy định để có thể cung cấp an toàn, liên tục, ổn định các dịch vụ cho người, phương tiện giao thông. Hệ thống điện phục vụ cho các trụ, thiết bị sạc điện cho xe ô tô điện phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh theo nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.

Cũng theo quy định tại Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT, diện tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và cho xe ô tô con là 25 m2; có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe; có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25 m2.

Khu vệ sinh tại trạm dừng nghỉ phải đảm bảo chống thấm, chống ẩm ướt, thoát mùi hôi thối, thông thoáng, tường, mặt sàn và thiết bị phải luôn sạch sẽ. Số lượng, chất lượng các loại thiết bị vệ sinh phải phù hợp với quy định của từng loại công trình.

Đặc biệt, Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT cũng quy định rõ, số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư. Đối với các trạm dừng nghỉ loại 1 và 2 bắt buộc có hạng mục này. Trạm loại 3 và loại 4 khuyến khích có.

Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ 05/10/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT