Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024
Đăng ngày 24-10-2024 04:49, Lượt xem: 37

Đường cao tốc có ít nhất 4 làn xe, chạy tốc độ tối đa 120 km/h; Nghiêm cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi; Quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở; Hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền; Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024.

Đường cao tốc có ít nhất 4 làn xe, chạy tốc độ tối đa 120 km/h

Có hiệu lực từ 01/10/2024, Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc (trừ đường cao tốc đô thị). Đồng thời áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc.

Cụ thể, Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT quy định tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp như sau: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.

Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 02 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Ngoài ra, Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT cũng quy định đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150,00 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50,00 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).

Nghiêm cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 110/2024/NĐ-CP của Chính phủ về công tác xã hội.

Theo đó, Nghị định số 110/2024/NĐ-CP quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội như sau:

- Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

- Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

- Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.

- Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nghị định số 110/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở

Có hiệu lực từ ngày 15/10/2024, Nghị định số 108/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

Theo đó, Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: a) Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); b) Tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 108/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, việc cho thuê nhà được thực hiện theo phương thức niêm yết giá đối với các trường hợp sau:

- Cho các đối tượng ưu tiên thuê nhà; đối tượng ưu tiên gồm: Tổ chức hội có tính chất đặc thù theo quy định của pháp luật về hội thuê để làm trụ sở làm việc trong trường hợp chưa có trụ sở làm việc; cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thuộc danh mục chi tiết các loại hình và đáp ứng tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Cho thuê nhà có số tiền thuê nhà xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này tại thời điểm xác định giá để cho thuê dưới 50 triệu đồng/năm.

- Cho thuê nhà đối với nhà, đất trong thời gian chờ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định số 108/2024/NĐ-CP, tổ chức quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thu được từ khai thác nhà, đất (tiền thuê nhà, tiền chậm nộp, chi phí sử dụng nhà, đất tạm thời theo quy định), số tiền thu được do lắp đặt công trình viễn thông trên nhà, đất của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà theo quy định của pháp luật về viễn thông phát sinh trong tháng vào ngân sách nhà nước trước ngày 30 của tháng đó.

Hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BYT hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền.

Theo đó, Thông tư số 14/2024/TT-BYT hướng dẫn phương pháp chung chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền gồm: phương pháp sơ chế, phương pháp phức chế và phụ liệu chế biến.

Cụ thể, phương pháp chung và phương pháp chế biến cụ thể chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư  được coi làm căn cứ để cơ sở xây dựng quy trình sản xuất dược liệu, vị thuốc cổ truyền. Trường hợp cơ sở sử dụng phương pháp chế biến chưa có hoặc chưa được quy định tại Phụ lục, cơ sở tham khảo phương pháp chế biến được ghi trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước trên thế giới hoặc trong sách đào tạo dược sĩ, bác sĩ y học cổ truyền để xây dựng phương pháp chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại cơ sở và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, an toàn, hiệu quả của sản phẩm sau chế biến.

Về điều khoản chuyển tiếp, Thông tư số 14/2024/TT-BYT quy định, các lô thuốc, vị thuốc cổ truyền đã sản xuất theo Giấy đăng ký lưu hành được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục lưu hành đến hết hạn dùng theo quy định, kể cả phương pháp chế biến dược liệu khác so với phương pháp chế biến dược liệu quy định tại Thông tư.

Các thuốc, vị thuốc cổ truyền đã được cấp Giấy đăng ký lưu hành trước ngày Thông tư 14/2024/TT-BYT có hiệu lực mà trong quy trình sản xuất thuốc, bán thành phẩm có phương pháp chế biến dược liệu khác so với phương pháp chế biến dược liệu quy định tại Thông tư này; cơ sở đăng ký phải thực hiện cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung công thức, quy trình sản xuất và các thông tin liên quan trong thời gian chậm nhất 2 năm từ ngày cấp Giấy đăng ký lưu hành hoặc trước ngày 31/12/2026.

Trường hợp thuốc, vị thuốc cổ truyền đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký lưu hành trước ngày Thông tư số 14/2024/TT-BYT có hiệu lực nhưng chưa được cấp Giấy đăng ký lưu hành; cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định, trong đó các quy định về chế biến dược liệu áp dụng theo quy định tại Thông tư số 30/2017/TT-BYT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền; trừ trường hợp cơ sở tự nguyện thực hiện theo quy định tại Thông tư.

Thông tư số 14/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/10/2024 và thay thế Thông tư số 30/2017/TT-BYT và Thông tư số 14/2024/TT-BYT.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công

Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Đồng thời, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thêm Điều 3a quy định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Cụ thể, thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao như sau Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Về thẩm quyền quyết định thuê tài sản, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Nghị định số 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT