Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2016
Trưng cầu ý dân vấn đề quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ; Sửa quy định nộp lệ phí trước bạ; Độ cao của công trình ở gần công trình khí tượng thủy văn; Quy định mới về xác định hiệu lực của văn bản pháp luật; Phạt 200.000 đồng nếu không mặc áo phao khi qua sông là những chính chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2016.
Trưng cầu ý dân vấn đề quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ
 
Từ ngày 01/7/2016,  Luật Trưng cầu ý dân bắt đầu có hiệu lực. Luật quy định rõ về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.
 
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
 
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố; Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân; Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.
 
Sửa quy định nộp lệ phí trước bạ
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 75/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Thông tư số 34/2013/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ.
 
Theo đó, một trong những trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ là: Tài sản của tổ chức, cá nhân đã nộp lệ phí trước bạ phải đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng do việc chia, tách, cổ phần hóa, hợp nhất, sáp nhập, đổi tên tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
 
Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể trường hợp đổi tên đồng thời đổi chủ sở hữu tài sản thì chủ tài sản phải nộp lệ phí trước bạ, bao gồm:
 
Đổi tên và thay đổi toàn bộ cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần có cổ đông sáng lập) hoặc thay đổi toàn bộ cổ đông sở hữu vốn điều lệ lần đầu (đối với công ty cổ phần không có cổ đông sáng lập) hoặc toàn bộ thành viên công ty (đối với loại hình doanh nghiệp khác) hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với trường hợp bán doanh nghiệp theo quy định tại Điều 187 của Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014).
 
Đổi tên và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp quy định tại: Điểm c khoản 1 Điều 196 (Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức bán toàn bộ vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác); điểm b khoản 1 Điều 197 (Công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty); điểm c khoản 1 Điều 198 (Công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo phương thức chuyển nhượng toàn bộ cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn); Điều 199 của Luật doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH một thành viên do cá nhân đã là chủ doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi làm chủ.
 
Thông tư số 75/2016/TT-BTC  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2016.
 
Độ cao của công trình ở gần công trình khí tượng thủy văn
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn. Theo đó,  trong phạm vi từ 50 đến 100 mét tính từ hàng rào vườn quan trắc khí tượng bề mặt ra các phía được trồng cây hoặc xây dựng công trình nhưng độ cao phải bảo đảm góc giữa đường nối tâm vườn tới điểm cao nhất của cây hoặc công trình và bề mặt vườn không vượt quá mười độ.
 
Trong phạm vi hành lang kỹ thuật của tháp lắp đặt ra đa thời tiết được trồng cây hoặc xây dựng công trình có độ cao không vượt quá độ cao của tháp.
 
Quy định mới về xác định hiệu lực của văn bản pháp luật
 
Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết (QĐCT) một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
 
Theo đó, hiệu lực của VBQPPL được xác định như sau:
 
- Ngày có hiệu lực của VBQPPL phải được quy định ngay trong văn bản.
 
- Cơ quan chủ trì soạn thảo phải dự kiến cụ thể ngày có hiệu lực trong dự thảo văn bản.
 
 VBQPPL hết hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao QĐCT thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực.
 
- Trường hợp VBQPPL được QĐCT hết hiệu lực một phần thì các nội dung QĐCT phần hết hiệu lực sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được QĐCT.
 
- Trường hợp một văn bản QĐCT nhiều VBQPPL, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được QĐCT hết hiệu lực thì nội dung của văn bản QĐCT thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được QĐCT hết hiệu lực.
 
- Trường hợp không xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản QĐCT thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.
 
Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
 
Phạt 200.000 đồng nếu không mặc áo phao khi qua sông
 
Từ ngày 01/7/2016,  Nghị định số 132/NĐ/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
 
Điểm  đáng chú ý trong Nghị định số 132/NĐ/2016/NĐ-CP  là hành khách có thể bị xử phạt 200.000 đồng nếu đi trên phương tiện chở khách ngang sông mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
 
Bên cạnh đó, người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng phao cứu sinh, dụng cụ nối cứu sinh cho hành khách.
 
Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị và dụng cụ an toàn cho người và hành khách trên phương tiện, thuyền viên sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với các phương tiện chở đến 12 khách.
 
 KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác